SÀIGÒN - Những Ngày Lười Biếng



SÀIGÒN - Những Ngày Lười Biếng




Ở Đà-Lạt, thỉnh thoảng tôi có những giây phút lười biếng chả muốn làm gì cả, và khi về đến Sàigòn, tôi cũng có những ngày lười biếng, nhưng cái lười biếng này lại khác hẳn. Trên phố núi, nhiều khi sáng dậy biếng nhác chẳng muốn ra đường, tôi chỉ cần mở toang cánh cửa để ngắm khung cảnh đồi thông ở trước mặt, rồi nằm gối tay để đầu óc lãng đãng - cho trôi mãi về quá khứ, lúc chợt nhẩy về hiện tại trộn lẫn cả tương lai.
 

Ở Sàigòn thì chưa tới 5 giờ sáng mà tiếng động xe cộ chạy ồn ào ở dưới đuờng đã phá giấc ngủ, lôi mình dậy theo. Muốn nằm lười lĩnh thêm chút nữa cũng chẳng đưọc, vì cái nóng hâm hấp của bầu trời dần chớm vào thu và sắp sửa như muốn đổ cơn mưa khiến da thịt như ẩm ướt, nực nội. Tôi vào phòng tắm - mở vòi để  "chạy qua hàng nước" - một cách tắm để cho mát, chứ tối hôm qua trước khi đi ngủ đã làm một màn "tắm rửa bụi đường" sau một ngày la cà ở Sàigòn.
Bởi vì cái nóng nực của Sàigòn khiến nhiều người sau bữa ăn trưa - thích trốn ra ngoại ô thành phố - tìm những quán cà phê sân vườn, nơi có bóng mát, gió thổi bên cạnh bờ sông, con rạch để ngồi - hay nằm trên chiếc ghế bố - gọi một ly cà phê đen đá hoặc ly sinh tố, rồi tự cho phép mình được lười biếng trong vài giờ đồng hồ trước khi phải trở về thành phố trước giờ cao điểm, khi giao thông ở mọi nơi dần kẹt cứng - bắt đầu khoảng 4 giờ chiều, khi cha mẹ, phụ huynh phải đi đón con em, rồi nhân viên của các công sở dần dà túa ra khắp mọi nẻo đường trong thành phố có hơn cả 11 triệu người - đó là theo nguồn tin từ chính phủ, chứ sự thật thì có lẽ phải cộng thêm gần 2 triệu người nhập cư không có hộ khẩu đã không được kể đến.


 
 Sau bữa ăn trưa, thêm những giây phút để lười biếng, đứa  em chở hai vợ chồng tôi và vợ nó sang bên bán đảo Thanh Đa để quan sát khu chung cư mà chính phủ đã  giải tỏa phần lớn, đang chờ đợi ngân sách được phê chuẩn để tân trang, xây lại nhiều khu chung cư mới, biến bán đảo này thành một thành phố vệ tinh của Sàigòn, đầy đủ nhiều tiện nghi cho những người lớn tuổi, thích không gian yên tĩnh và mát mẻ - vì bốn bề là sông nước, chỉ mỗi một con đường độc đạo dẫn vào bán đảo này.
 
 
Nằm trên chiếc ghế bố nhâm nhi ly cà phê đá, nhìn những mảnh lục bình bồng bềnh trôi theo giòng nước, tôi liên tưởng chẳng biết vận mệnh mình sau này rồi cũng sẽ đi về đâu. Sông vẫn theo sông xuôi nguồn về biển cả, mà đời người quanh quẩn cũng chỉ bấy nhiêu thôi,  mình cố lèo lái tấp vào bờ bên phải hay bên trái, nhanh hơn một chút hoặc kéo dài chậm thêm được một chút, rồi cũng phải đến cái chặng đường cuối cùng - trôi ra cửa biển - như một giọt nước rơi vào biển khơi,  tất cả cũng vô nghĩa vô thường. Vẫn biết thế nhưng đôi khi, không - phải nói rằng nhiều khi - tôi muốn tự lèo lái vận mệnh của mình, không để như những mảnh lục bình kia bị cuốn trôi vào một bãi rác rưởi nào đó mà không lối thoát. Được như ý mình hay không chẳng là vấn đề, vì đó thuộc về địa phận của đấng tối cao, thiêng liêng, ít ra tôi cho rằng mình còn có quyền chọn lựa - một thời để vùng vẫy, một lần để ngạo mạn nói với chính mính: "Ông đã thử, đã từng đùa nghịch với đời rồi chứ giỡn sao ! "
 



Hình ảnh người đàn bà già nua, ốm yếu như thế này - trong lúc tôi được thảnh thơi nằm lười lĩnh, nghỉ ngơi trong bóng mát - dưới cơn nắng chang chang cuối mùa hè, người đàn bà  vẫn phải bưng chiếc khay vỏn vẹn vài cái bánh da lợn, bánh bò rảo bộ đến trường học gần đó để bán cho học trò, kiếm tiền độ nhật sống qua ngày. Nhưng đấy vẫn còn gọi là "chưa đến nỗi" nếu bạn thấy những người - thật hay giả, diễn viên hay chính thực - bò lê lết dưới lề đường đi bán từng tấm vé số ( thường gọi là một nghề ăn xin có chút vốn hoặc còn chút sĩ diện, tự trọng).
 


  
Ở Việt Nam hay bên Trung Quốc cũng thế, cứ hễ thấy nghề gì kiếm được bạc là thiên hạ hè hụi nhau bắt chước - chẳng xa xôi gì đâu, nội trong cái khu Xuân-An nhỏ tí xíu ở Đà Lạt mà cũng đã có ít nhất 3, 4  tiệm bán Mì Quảng, Bún Bò Huế. Nghe nói nhiều "diễn viên đường phố "  thấy hoạt cảnh bò lê la dưới đường coi bộ cũng kiếm chác dễ dàng; vì  người đi đường - nhất là du khách ngoại quốc - hay động lòng,  mà không biết có phải vì lầm lộn tờ $500,000 với tờ $20,000 cũng mầu xanh lơ na ná - có khi rút cho một tờ giấy xanh tương tự như thế khiến dễ cho kẻ khác nẩy ra cái ý định kiếm ăn, mặc dù mình phải khổ sở đóng kịch chút xíu. Chỉ cần được vài tờ xanh $20,000 - thế là cũng đủ một, hai bữa cơm bình dân và một chầu cà phê, trốn nắng trong lúc ngồi nghe nhạc Trịnh hay ngâm nga đâu đó một vài bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà ai đó đã nắn nót viết lên tấm bảng, hóa thân từ một cánh cửa gỗ cũ kỹ. Tôi nghĩ chắc mấy ai đọc được cho nên ghi lại đây bài thơ với tựa đề "Dung Khúc" của Nguyễn Tất Nhiên, thi sĩ một thời trước 75 từng làm thổn thức bao con tim nam nữ mới lớn.
 

 
 
DUNG KHÚC - Nguyễn Tất Nhiên

Em ham chơi chưa hết mùa con gái
cười như hoa vui tiếng gọi mặt trời
nghịch như chim ăn dở trái chín cây
cây chín trái lòng anh rơi lăn lóc

Em ham vui chưa hết ngày chim chóc
lời nhẹ nhàng nào anh trách cho đang
trời sinh chim hót cho cả mai hồng
cho vạn vật... có nhành cây nó đậu

lúc chợt hiểu ra thì anh đã khổ
lòng bao dung nào sánh nổi cây cành!
em ham đi chưa hết tuổi xuân xanh
như chim chóc thiên di theo thời tiết

anh trụi lá mùa trơ xương gánh rét
thèm như thông ngăn ngắt đứng đầu non
chẳng bao giờ thông dáng đứng cô đơn
tạo hóa cũng bất công cùng cây cỏ!

Em mắc cỡ chưa hết thời au má đỏ
gió se đông có làm tái môi son?
sân lúa hồn anh nắng đã không còn
anh chỉ trách thời gian bày sớm, tối

chứ ai nỡ giận chim bay ù té
vì quá yêu nó liến thoắng tinh nhanh
em ham chơi mà đời lại ham giành
anh thua cuộc vì ... cắn răng độ lượng

anh thua cuộc vì nghĩ mình... cao thượng
(có nghĩa là đau chới với em ơi!)
chiều hôm nay mưa nhỏ nhỏ, sầu đời
sao chim sẻ tung tăng đùa khúc khích?
em ríu rít cho anh buồn muốn chết!


Nguyễn Tất Nhiên 1987


Đừng tưởng nhầm chỉ có mình tôi mới biết hưởng thụ cái gọi là "lười lĩnh" ở Sàigòn - hay bất cứ ở nơi nào trên đất Việt. Phải nói, chính tôi mới là người chưa đạt được cái "đẳng cấp cao", hay cái văn-hóa siêu việt của ngành lười lĩnh - mà nổi bật nhất chỉ có dân Sàigòn và Hà Nội. Không tin thì bạn cứ tha hồ đi rong phố, dạo quanh những nhà hàng, quán  ăn và đặc biệt là quán nhậu. Bạn sẽ thấy thiếu gì những kẻ siêu lười, dăm ba phút chỉ biết hô hoán độc nhất một từ "Dzô!". Nhà cửa chỗ cần sửa chữa hay tu bổ thì bỏ mặc, nhiều khi mải nhậu quên đón luôn cả vợ, cả con. Nói tới là họ biện luận "văn hóa người mình nó thế đấy, phải biết nhậu mới dễ dàng cho mọi chuyện làm ăn".
   




Trước năm 1975, khi sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở mức cao điểm nhất, Sàigòn rình rang nổi lên một giới gọi là "ca ve", ban đầu toàn cặp kè với doanh nhân, đại gia, tướng, tá và sau đó là những GI Joe, lính Mỹ, rồi cả đến lính Đại Hàn, Úc Đại Lợi... mà thời nào cũng thế, cũng có những đứa con gái lười biếng, thích kiếm sống để hưởng thụ bằng đồng tiền thiên hạ, cho nên bây giờ cũng xuất hiện những kiều nữ "chân dài", hay la cà, ngồi quanh những quán cà phê, nhà hàng ở khu Tây Ba Lô - hy vọng sẽ gặp được những tâm hồn cô đơn hoặc thuộc loại "trâu già thích gặm cỏ non" từ những ông Tây già, Việt kiều ham vui... sẽ tung tiền thuê bao, cung phụng mình với những cuộc vui ăn chơi, mua sắm bất tận.

Đấy cũng chưa hẳn là tệ, vì họ chỉ là những bông hoa lười biếng, ham vui - sẵn sàng để cho ong bướm hút nhụy, và ít ra còn có người vui mừng và hoan hỷ trả tiền. Đỡ hơn những người lười biếng nhưng lại có chức vụ, quyền hành, và nhiều mưu toan. Ngoài ra, ở Việt-Nam hiện nay - trong vòng 2 thập niên trở lại - dường như có một cuộc "lạm phát" chùa chiền,  đi đến đâu cũng thấy những công trình đã và đang "thi công" xây lên những tượng Phật, ngôi chùa to đùng, và dùng toàn chữ Hán. Nội trên con đường Nguyễn Văn Trỗi từ phi trường vào thành phố, qua khỏi cầu Công Lý là đã có 3 ngôi chùa đồ sộ thật lớn, mà lớn nhất phải nói là chùa Vĩnh Nghiêm, có thể chứa hơn 2,000 người dễ như bỡn.
 




Chùa Đại Giác - khi xưa nhỏ tí bẽo - chưa đi đã về chốn cũ, thằng bạn nghịch ngợm gọi "Chùa Giác Đấu", vì chuyện mấy ông sư cạo đầu trốn lính một hôm nổi cơn lợn lòng, dành gái đánh nhau chí chóe !


Điều này làm tôi liên tưởng đến những vương cung thánh đường to lớn ở Âu Châu, trong thế kỷ thứ 18, nhiều ngôi nhà thờ được xây dựng bởi công lao, tiền của từ giáo dân - thay vì phải xưng tội và chịu nhiều điều phạt -  mà Hội Thánh Công Giáo một thời niêm yết ra bảng giá, tùy tội nặng nhẹ - là nếu đóng góp cho nhà thờ bao nhiêu viên gạch, đá quý hoặc bỏ thì giờ vào công việc xây cất, thì tội lỗi sẽ được hội thánh đại diện Thiên Chúa mà  "xử huề", chả còn tội lỗi gì ráo. Tôi không biết bây giờ mấy đấng đỉnh cao nhưng với tật lười biếng có thông suốt chuyện lịch sử giáo hội Công Giáo hay chăng, sao mà bây giờ họ làm gần như y chang.  
Quả là toàn những chuyện vô bổ, tôi nghĩ thà tận thế cha nó cho xong, Chúa có làm lại thế giới mới, nhân loại mới thì tôi xin một chữ "Miễn"; bởi rằng thì là mà nếu con người mới không có quyền năng, hiểu biết như thượng đế thì sớm muộn gì bổn cũ cũng sẽ được soạn lại. Nghĩa là lại có ấu đả, oánh nhau để tranh dành hơn thua. Được quyền toàn năng, toàn vẹn như thượng đế thì lại càng phiền nhau gấp mấy. Nhớ lại những phim, truyện thần thoại - chẳng hạn như Sơn Tinh và Thủy Tinh -  chỉ vì một mảnh cỏ lông tơ hình  tam giác thôi mà khiến bao thiên hạ phải tản cư, khốn khổ mỗi khi hai ngài khện nhau dành gái.
Càng nghĩ tôi lại càng cảm muốn mình càng thêm lười biếng, nhưng bây giờ không kiếm miếng ăn hay nước gì uống bỏ bụng thì mình lại đói meo, khát bỏ mẹ. Muốn lười thêm cũng cóc được. Oh ! What Tờ Heo....


SVT

09/2013

Comments

Popular posts from this blog

THƠ - KHUNG TRỜI TUỔI TRUNG-HỌC

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - MỸ THO