SAIGÒN - Cảnh Cũ Người Đâu











Cảnh cũ còn đây, người xưa đâu
với nồi cơm điện đội trên đầu
máy hình, chân chống, con ngựa sắt
cưỡi chạy lông rông chụp hình nhau...


Chiều hôm qua đợi cơn mưa vừa tạnh, khoác chiếc áo mưa rồi phóng xe qua bên Thủ Thiêm, đi lại con đường cũ mà mấy năm trước, mỗi lần tôi về Sàigòn - Bình, tên của một lão cựu BS Quân Y , thứ "ngụy, quân ngụy quyền của chế độ tàn dư cũ" - đã từng đưa tôi qua bên kia sông Sàigòn, chụp cảnh chiều tàn và những ánh đèn hoa lệ, hào nhoáng của thành phố một thời từng mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Dừng xe lại trên cầu Thủ Thiêm và cảnh bầu trời ảm đạm,  xám ngoét với làn gió gây gây lạnh. Tôi chụp hình chiếc xe vắng chủ mà tâm trạng mình cũng đầy trống vắng. Đáng lẽ giờ này trên đầu hắn cũng đã đội cái "nồi cơm điện" - loại mũ an toàn mà ban đầu đã được chế tạo thô sơ, giống như nổi cơm điện National nổi tiếng ngày xưa, khiến cái tên bị chết tiệt đi theo với cái nón – cùng tôi lái đi lang thang, chạy rông phố đi tìm nguồn cảm hứng, chụp ảnh.  Giờ này thì hắn đang tập lái xe, học lấy bằng lái ở mãi tận ở phuơng trời của tiểu bang California - chứ bắt hắn ru rú ở nhà, trông cháu, nhìn bốn vách tường rồi ra vào thở dài - chán chết !

Đời đôi khi nghĩ cũng nực cười. Trong lúc hắn háo hức, hồi hộp chờ đợi ngày được giấy tờ sang đoàn tụ với người con ở bên Mỹ; tôi - kẻ chết nhát dông chạy trước cả ngày 30/4 - sau hơn 40 năm ở Bên Mỹ, mà ai cũng nghĩ chắc hẳn phải sướng - lại loay hoay, xoay sở để tìm đường "về nguồn" . Mà có phải riêng mình tôi gì cho cam, hôm nọ trong lúc đi  châm cứu ở một y-viện ở Gò Vấp, tôi làm quen nói chuyện với một người Mỹ, hắn tên Rick - tuổi đã trên 6 bó - đang cư ngụ Việt-Nam cũng đã hơn 3 năm, và thề rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại quê hương xứ sở của hắn - vùng Boston, Massachutsetts. Rick bị căn bệnh xương sống bị thoái hóa, đóng vôi mà bên Mỹ thì cho rằng cần phải giải phẩu, mổ xẻ - chi phí thì miễn bàn, còn "cái quần xà lỏn" - với giọng nói chán chường, than vãn - tôi dư hiểu, cũng đã là "may mắn" nếu không phải bán nhà, mang thêm nợ.

Cách đây hơn 2 tháng tôi bắt đầu thấy cánh tay, bả vai thỉnh thoảng bị nhức mỏi, có lúc tê buốt. Nghĩ đó chỉ là triệu chứng "lão hóa" rồi cũng sẽ quen đi. Vả lại, tuy phải mua bảo hiểm mỗi tháng gần cả ngàn bạc, mỗi lần đi khám mình phải bỏ thêm tiền túi - cho đến khi nào trên $14,000 thì bảo hiểm mới hòng ra tay cứu độ. Nghĩa là coi như mỗi năm mình có thể phải đóng hơn $26,000 cho hụi chết mà lòng phải cầu xin đừng có sự cố nào nặng xẩy ra. Chả trách nào chỉ cần mất việc làm hay bị một cơn bịnh ngặt nghèo - một gia đình ở bên Mỹ dễ dàng phải trở lại từ đầu - tay trắng.

Rick kể là sau 3 lần châm cứu, mỗi lần chỉ tốn $200,000 đồng (chưa tới $9 đô la), hắn đã thấy không những khỏe ra hẳn, mà tóc của hắn đã mọc nhiều trở lại, "quả là một phép lạ !" Rick khoe như thế với tôi. Tình trạng của tôi thì cô chuyên gia châm cứu bảo rằng - vì hơn 25 năm ngồi trước máy vi tính, khớp xương của tôi  bị lão hóa - đó là chuyện đương nhiên, mà có lẽ nhờ tôi may mắn, hay biết tự chăm sóc -  vì tôi bị nghẽn và tụ vôi chỉ ở một vài nơi, không như nhiều bệnh nhân khác, tuổi của họ tuy trẻ hơn nhưng tật còn nặng hơn nhiều. Sau lần đầu tiên châm cứu ấy, tôi thấy cơn đau giảm đi hẳn hơn 60% - do đó cứ 3 hay 4 ngày trở lại châm cứu tiếp - chừng 4, 5 lần là đủ.





Trở lại con sông bên bến phà Thủ Thiêm năm xưa, tôi gặp và nói chuyện cùng một ông lão bán nước giải khát bên đường. Chiều mưa nên vắng khách, thấy ông dọn dẹp bàn ghế chỉ một mình nên tôi gợi chuyện. Hóa ra mới biết mình còn "lão ông", lớn hơn ông ta cả vài tuổi, cuộc sống cực nhọc, thiếu thốn - nhất là dưới hoàn cảnh thiên nhiên nắng mưa khắc nghiệt - khiến ông L. tuy đời mới trên 50 mà đã già nhiều đi trước tuổi. Đấy cũng chỉ là một mảnh đời tiêu biểu của bao vạn ngàn người vẫn còn bương trải, lặn lội trong  trong thành phố. Ngày nào kiếm được trên trăm ngàn (gần $5 đô la), ông L. cho đó là một ngày may mắn, mà những ngày được "may mắn" như thế ngày càng khó đến, như chiều mưa hôm nay chẳng hạn. Tôi cắc cớ hỏi ông câu triết lý quèn "bác bao giờ nghĩ ông trời có công bằng hay không ?", sau khi nghe bác kể có một đứa con nhà giầu đem cả nhóm nhiếp ảnh
ra bên bờ sông này, dàn dựng sẵn cả buổi để chụp cho người yêu của nó một vài tấm ảnh - chi phí cả ngàn đô la (hơn 22 triệu đồng) dễ còn hơn ông dám gọi một ly cà phê sữa uống buổi sáng. Ông L. chẳng trả lời, chỉ tủm tỉm cười đọc cho tôi nghe hai câu thơ mà chính ông cũng không biết tác giả là ai:

Đời bất công nên cọng lông không thẳng
đời không phẳng đừng vuốt thẳng cọng lông
(vô danh)


Quái chiêu ! tác giả của hai câu thơ trên quả cũng bựa thật, dùng hình ảnh của một cọng lông mà thường tình hay mang cả nghĩa đen lẫn trắng để diễn tả , ví von với cái cong cong, vẹo vẹo của cuộc đời.





 Chiều mưa không chụp được cái mầu sắc của cảnh mặt trời xế bóng bên bờ sông, và vì không biết cơn mưa  có thể sẽ ập đến, tôi lái xe lang thang chạy quanh những con phố của Sàigòn mà trong đầu vẫn còn vang vọng hai câu thơ trên. Khi định mệnh của một người đã được an bài - như cọng lông đã cong sẵn - dẫu có muốn uốn nắn, thay đổi cũng chẳng được, cố gắng bao nhiêu cũng chỉ tổ nhọc tâm, phí sức. Nhìn rừng người đổ xô tan sở ra về dưới bầu trời ảm đạm sau cơn mưa, tôi bật cười tưởng tượng mình đang nhìn những cọng lông đang chạy ngược chạy xuôi, rồi chạnh nghĩ giây phút đầu tiên trong cuốn phim "Forrest Gump", mình cũng giống như cọng lông đang bị cơn gió của giòng đời cuốn lốc chẳng khác gì. Bởi vậy, nội cái chuyện mình muốn bay về hướng nào, bao xa mà cũng chưa chắc làm được thì thôi khỏi nghĩ chi đến chuyện vuốt cho thẳng cọng lông ! Thà nhổ mẹ nó cho xong....HAH!HAH!HAH!

SVT
09/14/2015

Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An