NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - CẦN GIỜ








Hơn hai thập niên, từ 1989-2009, nhiều nhà khoa học gia, trí thức và nhất là Bộ Canh Nông của Việt-Nam đã lo ngại về chuyện Trung Quốc sẽ hoàn tất đập nước Tam Hiệp (Three Gorges Dam) vào năm 2012, trên giòng sông Dương-Tử ( Yangtze River) nổi tiếng là khó trị, sức nước chẩy mạnh như vũ bão. Đầu tiên là khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ hoàn toàn chủ động việc giữ & thải nước, khiến cho những quốc gia ở hạ nguồn trực tiếp bị ảnh hưởng trầm trọng đến thị trường canh nông, cầy cấy của họ; mà thiếu nước và phù sa (chất bổ mang xuống từ thượng nguồn) sẽ bị giảm đi rất nhiều, khiến vấn đề trồng trọt ngày càng trở nên khó khăn, và quan trọng hơn - khi thủy triều từ biển lên, con nước mặn sẽ tràn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nơi đang bị cạn nước bởi con đập Tam Hiệp của TQ nói trên khi họ khóa đập, ngăn chận dòng lưu lượng qua bao ngàn dậm, chẩy từ dẫy núi Hy Mã Lạp Sơn.

Sự kiện này sẽ khiến vùng mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam (và của Đông Nam Á trước năm 1975) sẽ bị trở thành vùng nước lợ - do cái mặn của biển hòa lẫn  với  sông nước ngọt của miền đồng bằng sông Cửu Long - khiến việc trồng lúa sẽ ngày càng trở nên khó khăn, tồi tệ nếu không có những biện pháp nghiên cứu, khai phá thêm giống lúa mới, giống lúa có thể sống và sinh trưởng ở những vùng nước lợ.

Cách đây hơn 7 năm, một cựu phóng viên chiến trường - của báo Sóng Thần trước 75 - đã làm một chuyến về miền tây, ghi lại phóng sự về cuộc nghiên cứu của ĐH Cần Thơ, nơi các giảng-viên Đại-Học từng cộng sức, hợp tác với các bạn đồng nghiệp bên Thái Lan, Phi Luật tân, Lào - đã sáng chế ra những giống lúa mới có thể trồng cấy tại những vùng nước lợ trong tương lai. Rất tiếc là tôi không còn lưu lại bản PDF  của anh ấy, nhưng cũng tò mò muốn biết vùng có dòng nước mặn lẫn ngọt thì các sinh vật lẫn thực vật đã sinh sống và phát triển như thế nào.

May mắn là chẳng cần tôi phải lái xe chạy tuốt xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long hơn cả trăm cây số để viếng thăm quan sát về sự kiện sinh thái của vùng ngập mặn. Việt nam có cả một khu rừng ngập mặn - rộng trên 7000 hecta - gọi tên là Cần Giờ - cách Sàigòn chừng khoảng hơn 45 km  về hướng Đông Nam, mà đường đi thì dễ nhớ. Từ con đường Hàm Nghi chạy ra phía bờ sông Bạch Đằng, quẹo phải là Tôn Đức Thắng để qua cầu Khánh Hội - trở thành đường Nguyễn Tất Thành, cứ theo con đường này sẽ đổi thành đường Huỳnh Thúc Kháng và tiếp tục đi mãi sẽ đưa bạn đến bến phà Bình Khánh. Giá vé đi phà hiện nay tôi chỉ tốn $5k đồng cho xe máy tay ga, xe thường thì vé chỉ có $4500.




cổng chào của Huyện Cần Giờ

Qua bên kia sông Sàigòn, bạn sẽ gặp ngay cổng chào của Huyện Cần Giờ, con đường vào tên là Rừng Sác,  đi mãi trên con đường này và khi sắp đến  cây cầu thứ nhì - chừng hơn 1 cây số - bạn sẽ đi ngang nơi gọi là Đảo Khỉ nằm phía bên phải - khu sinh thái Lâm Viên, rồi qua một cây cầu Hà Thanh là tới vùng duyên hải, bãi biển của huyện Cần Giờ. Lúc đi đường, tôi trộm nghĩ, giá mà cây cầu Dần Xây đã đi qua , đặt tên nó là cầu Thái Thanh có phải là hay hơn, rất phù hợp với cái cây cầu tên Hà Thanh này :)


Đường đi Cần Giờ rất vắng, như cu Lương nhà tôi đã báo trước "chán bỏ mẹ, chẳng có gì ở hai bên đường", nhưng nó còn thiếu xót một điều là đường đi tuy rộng lớn, nhưng nhiều đá sỏi, vì vậy bạn cũng nên cẩn thận, kiểm soát vỏ xe, ruột xe thứ còn thật tốt;  vì suốt hai bên đường cả hơn 25 km - đều vắng hoe không hề có tiệm sửa xe. Xe bạn gặp "sự cố" thì chỉ có nước chờ đón, vác lên xe buýt để về tận bến phà và chuẩn bị hầu bao cho chuyện sửa chữa. Thêm chuyện này nữa,  đi Cần Giờ có nhiều Cảnh Sát giao thông nên bạn phải chịu khó & tàn tàn đi theo đúng luật; tôi gặp một cu cậu lái xe nhưng không gắn gương chiếu hậu, thế là bị hai anh CSGT ngoắc lại sờ gáy; gặp anh chàng lúc trên phà về lại Sàigòn, hỏi thăm thì tôi được biết tiền phạt là $150,000 -  thế là toi một tuần lễ ăn sáng với cà phê của một anh lao động làm công trường.




       (hai kẻ lãng du, bụi đời dừng chân trên một chiếc cầu tên cũng ngộ nghĩnh "cầu Dần Xây")


Như đã nói trên, trên đường đi chẳng có gì là lạ, hai bên đường thưa thớt bóng người, toàn là những cánh rừng nhiều loại cây, chủ yếu là hai loại Bần Trắng, Bần Chua,  và dừa lá. Chỉ khi nào bạn đứng trên cầu nhìn bao quát, mới thấy cái bao la, ngút ngàn của biển và rừng. Những nơi nào nước cạn bạn mới thấy được mầu vàng của chất phù sa, một lượng lớn  đem xuống từ sông Đồng Nai, khiến cho vùng đất nơi đây trở thành phong phú, nuôi dưỡng hàng trăm loại động vật & thực vật, trong đó có nhiều loại chim, cò và giống bò sát như cắc kè (hay tắc kè),  kỳ đà,  cá sấu , trăn, rắn...sinh sản và  phát triển nhanh chóng.



một trong những nhánh sông chẩy ra biển Đông.
 
Năm 2000, khu rừng ngập mặn Cần Giờ này được cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận là Khu Tàng trữ Sinh Thái , một  trong những khu sinh thái quan trọng nhất của thế giới.  Khu rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay được coi như là "quả thận" của thành phố Sàigòn, có nhiệm vụ làm sạch không khí và nước thải từ các công nghiệp xung quanh  thành phố, trước khi xuôi theo hệ thống sông  ngòi Đồng Nai đổ ra biển Đông.




Chúng tôi đến khu thị-xã Cần Giờ khoảng giữa trưa nên bắt đầu cảm thấy đói bụng, ghé vào một quán bún Cá dọc bên đường. Ngồi ăn và hỏi thăm về đời sống cư dân ở đây, bà chủ quán vui vẻ bưng hai tô bún nóng hổi ra rồi kéo cái đòn ghế ngồi gần, tâm sự rằng dạo này buôn bán ế ẩm, mà không chỉ riêng bà. Chỉ cho chúng tôi cái căn nhà bên cạnh vẫn còn như vừa xây độ chừng vài năm, trông còn mới.  Bà bảo:

- Chủ nhà ấy mấy năm trước làm ăn khấm khá lắm, cho nên mượn thêm vốn
  để đầu tư.  Ai dè kinh tế ngày càng tệ dần, bây giờ căn nhà đó muốn bán
  để trả nợ nhưng còn bỏ trống hơn cả năm, vẫn  chưa bán được.

- Căn nhà ấy giá bao nhiêu vậy bác? Tôi tò mò.

- Mới đầu người ta đòi hơn tỷ rưỡi, bây giờ thì một tỷ cũng bán...


Điều cần phụ đề thêm cho những "Lưu Nguyễn" chưa bao giờ về Việt-Nam, hay ít khi về thăm, là hiện nay người ta toàn nói chuyện bạc tỷ, vì cỡ một nhóc tì Việt kiều về nước được bố mẹ dúi cho khoảng $45 - $50 đô la dằn túi cũng đã là triệu phú;  ai cũng là triệu phú. Nhiều anh làm nghề Bảo Vệ (xưa gọi là bác "gác gian" - trông chừng kẻ gian) , chỉ ngồi không ngáp đuổi ruồi thì lương cũng đã trên $3 triệu đồng một tháng. Việt-Nam có một chuyện "thần kỳ" là tính theo đầu người thì lương bình quân (trung bình) hàng năm của dân Việt nghèo nhất Đông Nam Á (chỉ hơn Cam Bốt và Lào), nhưng giá nhà cửa, đất đai ở Sàigon & Hà Nội lại cao nhất, ngang hàng vàcó khi còn đắt hơn cả New York hay London. Thế mới thật quái chiêu.

Con đường mang tên Cần Thạnh là đường chính vào thị xã, phần vì khoảng giữa trưa và vào ngày thường, cho nên con đường vắng hoe, thỉnh thoảng mới có một, hai chiếc xe chạy qua. Bà chủ quán kể là mấy năm trước con đường này  thường xuyên tấp nập, bận rộn đón du khách; nhiều nhất là khách cuối tuần thường hay đón xe buýt (chuyến xe số 20 ngay trước cửa chợ Bến Thành, sau khi qua phà các bạn sẽ thấy xe bus 90 đứng tại bãi xe, hãy theo chiếc xe này nó sẽ chở bạn tới bãi biển) hay đi phượt bằng xe gắn máy đến đây để hưởng gió biển trong lành và thưởng thức đủ loại thức ăn hải sản.



(học sinh đùa giỡn buổi trưa trong công viên)

Dùng trưa xong, tôi  lái xe đến trung tâm thị xã, nơi có công viên dành cho gia đình và trẻ con đến chơi. Cách đó không xa, chỉ vài bước là bãi biển Cần Giờ. Với một tô bún ăn no cành hông, tôi cảm thấy hơi buồn ngủ lẫn khát nước mà bên cạnh công viên lại có một quán võng thưa người. Thế là tôi chui vào thuê hai cái võng, gọi hai ly nước mía. Chả mấy chốc, sau khi nằm ngả lưng chẳng biết được bao lâu, tôi đã ngáy ngon lành giữa buổi trưa hanh nắng và gió mát thổi vào từ biển. Trong giấc mộng ngắn ngủi, tôi nằm mơ thấy mình vẫn còn đang ở bên Mỹ, đang nằm ngủ trên giường và mơ đến giây phút mình được thảnh thơi nằm trên bãi biển nào đó ở Việt-Nam. Thức dậy và nhớ lại giấc mơ ngắn, tôi cảm thấy hơi là lạ, nhưng cũng mừng vì hiện tại, đó không phải là giấc mơ,  mà chính mình đang sống ở nơi tôi đã  sinh ra, đã một thời nghe về cái địa danh "Rừng Sát" mình đang đặt chân lên.




quán võng




Khu rừng ngập mặn ở Cần Giờ này trước đây còn có một cái tên vang dội trong lịch sử vào thời chiến, thưở đó người miền Nam thường hay gọi là chiến khu hay mật khu Rừng Sát, đã một thời chẳng ai dám héo lánh, mạo hiểm vào khu rừng ngập mặn này - ngoại trừ những dân quân, cán bộ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN); vì những cạm bẫy, hầm chông chết người; và thuốc khai quang, thuốc độc đã từng bị không quân Mỹ rải hòng để tiêu diệt quân giải phóng. Phải mất hơn 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, khu Rừng Sát này mới được hoàn toàn phục hồi để đón du khách đến viếng, và thư giãn.


Sau khi thức dậy,  hai vợ chồng đi bộ ra bãi biển vắng người. Trưa nắng, thủy triều xuống thấp, chỉ còn trơ trọi lại một chiếc thuyền mắc cạn, hoặc  đang chờ sửa chữa và một chiếc xe đạp, không biết chủ nhân của nó là ai và ở đâu. Tôi nhìn về phía xa tít mù khơi đằng trước - phía có hàng rào cọc gỗ - mà thường là những bãi nghêu, sò được người dân ở đây chia thành từng lô để chăm sóc, theo định kỳ cào lên bán cho thương lái hay ngay bên trong chợ. Biển vùng này có rất nhiều phù sa từ thượng nguồn mang về cho nên nước biển thường luôn đục và mang mầu vàng của vùng đất đỏ ta hay thấy ở các miền tây bắc cao nguyên như tỉnh Lâm Đồng chẳng hạn.

Trong lúc trả tiền thuê võng và nước uống, tôi hỏi thăm người chủ quán là nghe nói ở đây có những bãi biển sạch đẹp mà du khách thường hay ra tắm, chị bảo là cứ đi theo con đường chính ra khỏi thị xã, gặp con đường 30/4 (Ba mươi tháng Tư), quẹo trái đi thẳng là tới. Đúng như lời chỉ dẫn, tôi đến một khu có nhiều bóng cây xanh mát mà tôi đoán có lẽ là chố đậu xe. Lúc đến gần tôi mới thấy một bức tường dựng lên bằng những tấm thiếc dùng làm mái tôn - chạy dài cả hơn cây số, che khuất cả bãi biển.





Đang hỏi thăm một đứa bé thì nó bảo rằng bây giờ bãi biển đã được tư nhân thuê lại của chính phủ, đang "thi công" xây thành một khu resort - nghỉ dưỡng - sang trọng. Chưa kịp suy nghĩ , tưởng tượng rằng rồi khu bãi biển này mai sau sẽ chỉ dành riêng cho những kẻ thừa tiền lắm bạc, tôi thấy một toán người - ít nhất là 10 đến 12 – lái xe gắn máy ào ào đến vây quanh xe của tôi, họ luôn miệng mời chào, khuyên tôi nên đi chỗ này, chốn nọ mà họ rất sẵn sàng đưa đường, chỉ dẫn. Tôi vốn không thích bị gượng ép, chèo kéo  - nhất là giới ở đây gọi là "cò" - vì chẳng biết đâu là thật, đâu là giả; và nhờ chị chủ quán khi nẫy cảnh báo trước là coi chừng đám cò mồi, chặt chém. Tôi khéo léo từ chối và nhanh chóng - nhưng không hối hả - rời khỏi khu du lịch "30/4", nhờ một chiếc xe buýt mới tấp vào  đã thu hút nhóm cò mồi cưỡi ngựa sắt rầm rộ, bỏ hai vợ chồng tôi để bu vào nhóm du khách mới đến.



Trên chuyến phà qua sông Sàigòn

Nghe nói ở Cần Giờ hiện đang có vài nơi đang được phát triển để thu hút du khách tham quan, hay mạo hiểm ghé vào;  như có chỗ đưa khách đi câu cá sấu (thực sự ra là nhử cho cá sấu cắn mồi với thức ăn) bằng  xuồng bọc kẽm gai, hoặc leo lên chỗ chòi cao 268 bậc, ngắm đàn cò đậu kín cả một khu rừng; chỗ thì cho câu cua – ai bắt được bao nhiêu thì nhà bếp sẽ làm những món ăn theo ý muốn; rồi khu Đảo Khỉ mà du khách nên coi chừng, vì lũ khỉ này đã quá thuần thục, dạn dĩ với người cho nên phải cẩn thận đồ đạc, máy ảnh, dễ bị chúng chụp giựt, quăng lấy đi mất. Thu hút nhất có lẽ là khu lưu lại những di tích lịch sử của thời chiến tranh, nơi vẫn còn những hầm hố trú ẩn, chỗ hội họp bí mật của những du kích quân kháng chiến, v.v... Tôi sợ nếu về trễ hơn chút nữa, không chừng trên đường đi lại mắc mưa ướt như chuột lột như những lần đi gần đây - nhất là cho kịp chuyến phà, nên hai vợ chồng lại phom phom cưỡi con ngựa sắt , lại một chuyến "ông mê" lên đường trở về, hẹn mai sau sẽ trở lại khi có dịp.


SVT
09/2015

Comments

Popular posts from this blog

THƠ - KHUNG TRỜI TUỔI TRUNG-HỌC

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - MỸ THO