NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - ĐÀ NẴNG
ĐÀ NẴNG - Ván Cờ Trên Đỉnh Sơn Trà
Từ căn hộ của đứa em trai nhìn thẳng
ra phía trước là cù lao Chàm, bên phải là thành phố Đà Nẵng, xa hơn độ 35 km nữa
là phố cổ Hội-An. Bên trái là bán đảo lấy tên của dẫy núi Sơn Trà, dưới chân
núi có chùa Linh Ứng với tượng Phật thật lớn, nhìn từ xa nhiều cây số cũng thấy.
Tôi đến đây là lần thứ ba, nghĩ bụng
thể nào cũng phải làm một chuyến leo lên đỉnh núi cao ấy, để nhìn xuống thấy
quang cảnh của thành phố dưới chân và cái mênh mông rộng của biển cả. Lynh, cô
em dâu mới hôm trước rủ đi phượt hai ngày một đêm - cưỡi xe gắn máy làm một vòng tam giác, Đà-Nẵng, Tam-Kỳ, Hội-An
rồi về lại Đà-Nẵng - con nhỏ cũng tuổi TỴ, thua tôi 2 con giáp, chắc tưởng
tôi sức trâu, hay còn trai tráng phông độ
như chồng nó, nhưng có lẽ chính xác hơn là chắc sợ hai vợ chồng tôi ở không
cũng buồn - nên rủ đi chơi cùng với bà dì, lấy xe chạy leo lên núi Sơn
Trà. Tuy cũng vẫn còn chút thấm mệt,
nhưng có người tình nguyện hướng dẫn, thế là tôi vác 2 cái máy ảnh, chai nước
đeo trên người leo lên con chiến mã Honda được bà dì của Lynh cho mượn. Chiếc
này có mã lực 125cc dư sức chở 2 vợ chồng tôi leo núi, không phải chiếc Honda
Wave chỉ 100cc hôm lái trước đi xa - mà phải là xe tay số nghe ! vì khi lên dốc
cao, xe tay số còn gài trả lại số #1 hoặc #2 cho máy kéo mạnh hơn; chứ xe tay
ga khi leo núi mà mất trớn thì nhiều khi phải ỳ ạch, vừa rồ ga vừa quờ chân đẩy.
Lynh sinh trưởng ra ở đây, và từng đi chơi với thằng em tôi đôi ba bận nên rất
rành đường và hiểu rõ những đường cua, con dốc gần như thẳng đứng. Leo lên đỉnh
rồi, đứng nhìn xuống con đường mình vừa vượt qua mới thấy ớn !
Một phần ba đoạn đường lên đỉnh núi.
Trên đường lên núi, rẽ qua một
con đường đưa đến cây cổ thụ, đặt tên là Cây đa Sơn Trà, có trên 800 năm, thuộc
loại Banyan-trea, họ Dâu Tằm - cao 22 mét, chu vi 85 mét. Nhìn những cây mọc
xung quanh ai cũng dễ tưởng lầm đó là những thân cây mọc riêng biệt, nhưng thực
ra, đó chính là những nhánh của cây đa mọc chỉa thẳng từ trên cành xuống, đâm
chồi để bám rễ và bao quanh, che chở cho cây cổ thụ này được đứng vững trên núi
cao, gió bão bao trăm năm nay.
Đứng trên đỉnh cao của ngọn
núi, nhìn phía dưới bên trái là biển
Đông, phía bên phải đi vòng theo dẫy núi Sơn Trà là phía bờ biển đi về hướng
đèo Hải-Vân, sau lưng rặng núi đó là vịnh Lăng Cô. Ở đây tôi có thể nhìn thấy
khu cao ốc mình đang ở và cây cầu Thuận Phước - một trong 7 cây cầu lớn nhất của
Đà-Nẵng.
Đà Nẵng nhìn từ đỉnh núi Sơn Trà
Nơi trai gái thề non hẹn biển
Trên đỉnh cao nhất có hai tháp
đài truyền tin, thuộc về khu quân sự có từ trước 1975 do quân đội Hoa Kỳ kiến
thiết, cho nên thường dân và du khách không được vào, nhưng cách đó vài trăm
mét cũng có nơi cho mọi người dừng chân để tham quan và ngắm cảnh hùng vĩ của
thiên nhiên nằm bên dưới. Ở đây, người ta khắc lên một tảng đá lớn, biến nó
thành bàn cờ tướng rồi đặt một tượng đá như đang ngồi chơi cờ, đặt tên đỉnh này
là Đỉnh Bàn Cờ, ai lên đây cũng đều như phải ngứa tay chụp vài tấm để làm
"kỹ nghệ". Tôi cũng chả là thánh thần gì, cũng xí xọn ngồi tự chụp
cho mình một tấm, rồi tức khí xổ...nho:
Chiều lên đỉnh núi chơi cờ tướng
cùng người tượng
đá ngồi trơ trơ
còn bao quân đâu mà đem nướng
quanh quẩn đời ta một ván cờ...
Hơn 42 năm về trước, tôi một lần
cũng leo lên đỉnh núi Tương Kỳ ở Vũng Tầu, nhìn xuống thấy cái hùng vĩ của núi,
cái mênh mông bao la của biển cả để cảm nhận ra rằng con người - và kiếp người
- chẳng là nghĩa lý gì đối với cái thiên niên trường cữu của quả đất, huống chi
là vũ trụ.
Tôi thấy số phận con người thật
quá mong manh, nhỏ bé như hạt cát giữa biển khơi, và từ liên tưởng đến chán
ngán cho cái định mệnh hầu như vô nghĩa của chính mình, nhất là trong hoàn cảnh
chiến tranh thời bấy giờ - khi bao nhiêu bạn bè đã sớm rửa chân, leo ngồi bàn
thờ trong lúc tuổi còn thanh xuân; có thằng còn chưa nếm mùi ái ân, nụ hôn đầu
đời với con gái. Ngẫm lại, không chừng chính vì vậy mà tôi đã nổi máu ngông, coi
đời như củ khoai, đếch còn biết sợ gì cả. Hôm nay, ngồi trên đỉnh núi Sơn Trà
mà tuổi đời đã gần đất xa trời, càng thấy thân phận con người thêm bé nhỏ, hư
vô. Tôi nhớ bài Phúc Âm, ngày nào của
TCS - khi còn lang bạt ở Đà Lạt - sống một mình càng làm thêm suy tư sâu sắc về
cuộc đời, về phận người : "Còn bao
lâu cho thân tôi lưu đầy chốn đây, còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân
này, còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người còn bao lâu, anh xa tôi cho tôi
xa anh... ", và mãi về sau, tôi mới tìm ra được một quan niệm sống mới,
coi như cái sinh mạng của mình trước đó đã qua rồi, đã bị ông trời "chiếu
tướng", từ bấy giờ trở đi tự coi mình như có một kiếp người mới, ván cờ mới
- tha hồ mà đem quân (đời mình) như ván cờ chơi tay đôi với ông trời. Ông trời
hôm nay đâu không thấy, chỉ thấy lão tượng đá trơ trơ như đang nheo mắt cười
trêu mình.
Chả biết ai là người có cái sáng
kiến dựng lên bàn cờ và tượng đá ở nơi này, vừa tinh nghịch vừa có ý nghĩa thâm
thúy, không chừng chắc tư tưởng cũng ngông như cỡ tôi là cùng.
Chiều dần xuống, bóng tối bao phủ
dần thành phố Đà Nẵng ở phía dưới. Khi tới
bãi biển Mân Thái, cách căn hộ đang ở chừng 10 phút đi bộ, mọi người ghé
tạt vào quán nước mía cạnh bãi, kéo ghế gọi một ly ngồi uống cho đã khát và
nhìn lại tượng Phật Linh Ứng sáng chói dưới ánh đèn từ đàng xa và ngọn núi Sơn
Trà vừa từ trên xuống. Trong đầu tôi vẫn còn lẫn quẩn về cái bàn cờ bằng đá
trên ngọn núi, nó dường như trùng hợp, biểu tượng cho những gì đang xẩy ra trên
chiến trường tiền tệ và kinh tế trên thế giới. Bàn cờ hai bên quân chỉ còn vài
con, đều kẹt vào chung thế bí - chẳng còn bao nhiêu để đem quân thí, và chẳng
biết rằng bên nào sẽ được đi bước kế tiếp. Đây là ván cờ quốc tế giữa Ngân Hàng
Trung Ương của Hoa-Kỳ (cũng như Âu Châu) đang đương đầu với Trung Quốc. Không
biết rằng lãnh đạo Trung Quốc đã có cái tầm nhìn xa, hay giới lãnh đạo tài phiệt
của phương Tây đang giăng cái bẫy để đưa cả thế giới vào tròng. Ai đúng ai sai,
một sự thật sẽ đương nhiên phải xẩy ra: "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết",
muốn còn chút hy vọng để sống, ruồi muỗi - như đại đa số quần chúng đang sống trong
ảo tưởng, chẳng biết đâu là sự thật hay dám nhìn thẳng vào sự thật - phải nên
biết tránh xa khỏi tầm ảnh hưởng cuộc cuộc chiến. Điều này đòi hỏi sức mạnh của
lý trí, tuyệt đối trước khi đem tình cảm lồng vào trong quyết định. Ít ai biết
rằng người có sách bán chạy nhất - dĩ nhiên sau quyển Kinh Thánh - từ thế kỷ
1900 đến nay có lẽ chẳng ai bằng người đàn bà nổi tiếng thông minh có một không
hai: Ayn Rand (Ayn Rand and the Prophecy of Atlas Shrugged 2011) . Những gì người ta cho rằng bà
này "tiên đoán" đã xẩy ra đúng như lời bà này tuyên bố, đã viết thành
sách. Tôi đóng ngoặc hai chữ "tiên đoán" vì chẳng có gì để gọi là
tiên đoán khi sự việc đã xuất hiện và theo định luật thiên nhiên áp dụng, thì tất
nhiên nó PHẢI xẩy đến; thí dụ như một toa xe lửa không thắng, không người điều
khiển đang lao đầu xuống con đường đèo. Kết quả như thế nào chẳng gì gọi là
"tiên đoán" cả. Ít người hiểu rõ điều sâu sắc của Ayn Rand nói lên
trong phương diện "từ thiện", "bình quyền" - điều mà chính
trị gia thường ngụy biện, lừa gạt dùng để cai trị, điều khiển đại đa số dân
chúng.
Bài học này đã được minh chứng
qua sự kiện lịch sử 30/04/75 mà người Mỹ nói riêng và cả khối Âu Châu nói chung
vẫn chưa sáng mắt. Ngay chính Chúa Jesus đã từng bảo ngài đến với con người
không phải để "xóa đói giảm nghèo"
- cái mà sẽ đeo đuổi con người cho đến khi có một nhân loại mới , hay ngày tận
thế. Con người được sáng tạo ra bởi thượng-đế,
để giống như thượng-đế; nghĩa là ai cũng có cái bản năng và cái quyền
nghĩ mình "toàn hảo, toàn năng"
như thượng-đế. Chỉ khác một điều là đời người thì giới hạn chỉ trên dưới 100
năm ,và từ đó mà sức mạnh & khả năng cũng giới hạn, chỉ có giới chính trị
gia (hay vua chúa) mới tự cho rằng họ có cái quyền năng ấy. Họ nghĩ sao thì kệ
họ, khổ một điều là số đông kẻ ngu đần đã tin tưởng và giao quyền cho đám cai
trị này. Đấy mới thật sự là vấn nạn của kiếp người.
SVT
04 Tháng 9,
2015
Comments
Post a Comment