Chia Vui hay Chia Buồn ???




Nội trong 2 tuần lễ cuối tháng 3 và đầu tháng tư 2016, đã có tin chia buồn về 5 người ra đi: cha mẹ của 2 người bạn cũ, 1 ông cậu ở bên Úc mới 67 tuổi, còn khỏe mạnh - đi đánh Tennis xong than mệt rồi thóang chốc đã về trời nghỉ dưỡng; xong đâu đó là người thầy cũ và một người họ hàng xa ở Đà Lạt cùng qua đời trong vòng hơn một tuần. Họ rủ nhau đi như đi hội, mà ai sinh ra đời đều đã có một vé khứ hồi, rất hiếm có kẻ "đổi vé"  được một, hai lần.

Theo tập tục, thói quen - hễ có ai mất thì ta hay gọi phôn, gửi thiệp,
cườm hoa và những lời chia buồn. Không ai biết được rằng nên chia mừng hay buồn cho người đã ra đi, vì làm sao biết rằng họ đã vui và chấp nhận rằng cuộc đời họ đến thế là đủ; hài lòng thoát được cái bể khổ, hay họ buồn vì chưa đạt được nhiều ước vọng ? Dù gì đi chăng nữa, mình có chia buồn hay chia vui cũng chẳng làm được gì cho họ, mà  quan trọng hơn là chính linh hồn của họ đã thu thập, học hỏi gì những gì đã trải qua để sửa soạn ,chuẩn bị cho kiếp tới (hay trở về ở luôn với Chúa cho những người có đạo thiên chúa giáo).

Thế thì ta nên chia vui hay chia buồn cho người ở lại ? Dĩ nhiên, thường thường thì mình hay chia buồn với người còn ở lại chung quy - thứ nhất vì là quá quen với sự hiện diện của người vừa mới mất; thứ đến là tình cảm đã lâu năm, lâu ngày "đầu tư", gom góp vào đó, nay bỗng dưng (hay dù có biết trước) ra đi khiến họ cũng phải hụt hẫng, đau buồn.

Nhưng buồn rồi có giải quyết được điều gì? nếu không biết dùng cái cảm nghiệm ấy để suy ngẫm sâu xa hơn một chút. Tôi không cần nói đến vài  trường hợp, tuy không nói ra, nhưng nhiều người sẽ rất hể hả, hồ hỡi, lòng vui như mở hội khi một người nào đó ra đi, từ giã cõi đời. Đừng tưởng bở là tất cả người còn lại sẽ tiếp tục vui với cuộc sống hiện tại; nhất là những người đang
nằm liệt giường, liệt chiếu ở nhà hay trong nhà thương, dưỡng lão...những người "sống để chờ chết" thì đa số họ lại ước gì mình được ra đi "sớm" như thế.  Ngoài ra, một vấn đề nên đặt ra để mọi người suy ngẫm. Nhờ khoa học tân tiến, giúp một người sống được thêm 10 năm, nhưng họ phải nằm trên giường bệnh mà máy móc, thuốc men and thực phẩm được tiếp tế bằng những ống thuốc gắn vào ? hay ta nên "nhân đạo" hơn - như những người ở xứ nghèo, kém văn minh - đành để người thân sớm đầu thai sang kiếp khác?

Chia vui hay chia buồn chẳng qua cũng chỉ là những trạng thái luân chuyển, thoáng qua (không quá 100 năm) mà tất cả cũng chỉ là ảo tưởng. Giống như những kẻ mượn rượu để quên đi cái buồn, tan rượu thì nỗi buồn vẫn còn đó - cộng thêm cái nhức đầu!
 





Theo cái triết lý cà tửng của tôi (có người bảo là cà chớn) , thay vì đưa tiền phúng điếu, tốn tiền thuê thầy cúng (hay cho tiền để LM làm lễ cầu xin ở nhà thờ - mà biết bao nhiêu cho đủ nếu không ai biết tội lỗi của tôi nặng ký đến cỡ nào? chẳng lẽ mất nhiều tiền để cha làm nhiều lễ, trong khi Chúa cười phán rằng: "cái tội ngông, phản động của thằng này dù có bị treo trên thập tự cù lét cho đến chết 10 kiếp cũng chưa đủ !  Thà dắt nhau ra một quán Nghêu Sò Ốc Hến (nếu ở Đà Lạt thì trên dốc Ngọc Lan, đường Nguyễn Chí Thanh) nhậu một bữa rồi mạnh ai nấy về, mai dậy sớm đi cầy tiếp !






Sau lưng chung cư tôi ở là một cao ốc - cũng thuộc loại chung cư - nhưng là hạng sang dành cho những người "thật" nghèo đã về hưu khá lâu, ít nhất là 10 năm trở đi. Mỗi căn phòng ở đó nghe nói giá ít nhất cũng khoảng nửa triệu trở lên, rồi còn phải đóng thêm tiền mỗi tháng từ $5 ngàn cho đến $10 ngàn cho đủ loại chi phí, trong đó có cả Y tá và Bác sĩ túc trực ngày đêm. Nghĩa là những người già ở đó - ngoài chuyện phải mua căn hộ để ở, họ còn phải trả phí tổn như là họ đang ở trong một viện dưỡng lão hạng cao cấp, khác chăng  một điều là họ làm chủ căn hộ họ ở cho đến ngày ra đi.

Thỉnh thoảng trong lúc dậy sớm ngồi đọc tin tức trên mạng, nhìn qua bên kia đường thấy bóng dáng một chiếc xe chữa lửa và cứu thương chạy đến mà không hú còi báo động, đến đậu trước cửa rồi hai nhân viên cứu thương xuống xe đẩy chiếc băng ca đi vào. Chập sau lại thấy họ đem ra một xác người được che phủ kín, rồi hai chiếc xe ấy lại lặng lẽ đi khỏi chỗ này  như lúc họ  đã âm thầm đến.

Năm đầu tiên ở đây, thỉnh thoảng chứng kiến được những cảnh tượng buồn bã như thế, ai mà không chạnh lòng thấm thía. Tôi cũng chẳng khác gì bao nhiêu người thường. Nhưng chả bao lâu sau, máu ngông lại nổi lên; bởi vì thế còn có gì gọi là lạ ? Ngoại trừ một thiểu số, đó là những bậc thánh nhân mới sẵn lòng và vui vẻ quay trở lại với loài người, để đem niềm vui, an ủi và khai phóng tâm linh cho nhân loại; đa số còn lại ít nhiều gì cũng mang một số tội lỗi, thiếu xót , hay còn gọi là nợ đời cho nên đã trở lại để "cải tạo tư tưởng" , mong đạt đến mức "đỉnh cao trí tuệ" ; rồi mới được ơn trên tha thứ - không bắt trở lại làm kiếp con người.

Kỳ vừa rồi về ở Việt Nam cũng khá lâu, hơn 4 tháng, cho nên hình như tâm não và đầu óc của tôi đã ít nhiều bị hũ hóa, xâm nhập bởi cái, ngôn ngữ quái chiêu của người Việt sau này, cho nên tư tưởng và ngay cả đến thơ văn cũng trở thành phản động, bị ảnh hưởng. Thí dụ như 4 câu thơ sau, sặc mùi triết lý, ngôn ngữ táo bón :

Hễ ra đời, đương nhiên là phản động !
mà thằng nào cũng sẵn vé khứ hồi
ngày trở về ai cũng trần như nhộng
tại sao
mình  cố đấm để ăn xôi ?


*Câu thành ngữ "cố đấm ăn xôi" chẳng rõ xuất xứ từ đâu, nhưng từ thuở nhỏ đã từng nghe người lớn,
nhất là dân Bắc kỳ, thường hay dùng câu này; ý muốn nói là những người lỳ lợm, chịu đòn cho dù bị
hành hạ, nói xấu nhưng vẫn kiên trì chịu đựng để được điều mình mong muốn.

Thiệt tình, chả ai biết vé khứ hồi của mình để đâu !
Mặc kệ, vậy thế mà hay, chứ nếu biết vé mình số #99 mà loa phóng thanh vừa mới gọi số #95, 96... ! Thế có phải là teo...bu gi, muốn tè ra...tả không? Bởi vậy tôi nghĩ , kệ cha ! đời muốn tới  đâu mình hay tới đó. Chúng ta toàn là một lũ “phản động” đang tập trung ở trong một trại cải tạo tư tưởng và tâm linh khổng lồ không hơn không kém; mà trên người nếu chỉ có trên răng dưới...dép thì chả sợ bị  ai  cướp của, bóc lột. Ai chầy cối muốn bóc, muốn lột rồi thì cứ việc tha hồ  mà nhìn, mà ngắm, nhưng cấm cười nha !


SVT

TB: Như đã nói, thông thường người ta hay chia buồn với gia đình người đã khuất. Tôi không giống ai nên lại muốn thành thực "chia vui";  vì đó mới chính thực là lúc con người - đúng ra là linh hồn - được giải thoát khỏi kiếp người; mà quãng đời họ vừa mới đi chẳng qua cũng giống như là một chuyến du hành, cắm trại xa nhà lâu ngày. Nay được trở về để nghỉ ngơi, thanh thản và sau đó tự chọn cho mình một chuyến viễn du cho kiếp tới nếu muốn. Nhưng nếu nói "chia vui" thì dám chắc sẽ có nhiều người không hiểu, rất lấy làm khó chịu nếu không nói là phẫn nộ. Tôi không muốn chia buồn - nhất là nỗi buồn của mình - cho bất cứ ai; cuộc đời của họ vốn đã có quá đủ, mà dù chia sớt cũng chả làm được gì hơn nếu mình không biết làm thế nào để nỗi buồn, chuyện đau khổ sẽ không bao giờ xẩy tới. Tôi đã từng chia sẻ điều này với một vị Thượng-Tọa trong một buổi cầu siêu cho một người đã mất. TT chỉ mỉm cười bảo: "vậy là thí chủ đã ngộ, việc cúng kiếng này chẳng qua chỉ làm cho tâm tư của thân nhân được tạm thời an tâm, thanh thản có thế thôi, rồi nó cũng thoáng qua khi những lo âu, bôn ba của cuộc sống hiện tại cứ thế mà tuần tự hay  cùng một lúc ập đến...".
Vậy thì ta cứ việc  theo cái chính sách "im lặng là vàng" - chẳng cần nên chia buồn hay chia vui ?
Chắc chắn sẽ có người cho mình là "đồ cà chớn, thứ vô tâm, không có con tim !".
Bởi thế cho nên tôi mới viết lên vài câu thơ để sau này khi tới phiên mình được gọi tên (hay số):

Mai ông mất, chả cần ai đưa đám
một thùng xăng, cây diêm quẹt cũng xong
đừng chia buồn, mà cũng đừng nhỏ lệ
cát bụi thôi, có chi phải nhọc lòng ! 



nhưng khoan đã, bây giờ ông còn sống
mắc mớ gì, lo nghĩ chuyện tào lao
không có ông, đời cứ vẫn xôn xao
vậy cỡ nào cũng nên chơi tới bến !



Mai ông mất, chả cần đốt ngọn nến
cũng chả cần phung phí một bó hương
vì điều gì chẳng muốn rồi cũng đến
sao không vui với nhau một chặng đường.



SVT

Comments

Popular posts from this blog

THƠ - KHUNG TRỜI TUỔI TRUNG-HỌC

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - MỸ THO