NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An
Nói về Hội-An, nếu ai đã từng một lần
ghé đến, chắc cũng đều phải thừa nhận rằng Hội-An ngoài chuyện từng là một
thành phố cổ đã có trên 300 năm, bến cảng của một thời sầm uất, thịnh vượng và
tấp nập thương thuyền từ các nơi ghé vào buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hội-An
còn có một sắc thái rất rõ rệt, đó là một mầu vàng tượng trưng cho mầu của
hoàng gia, của cổ kính - tràn ngập trên nhiều con đường chính của khu phố cổ
này. Tôi đã từng ghé đến Hội-An đã 5, 6 lần, nhưng chưa cảm thấy chán, mà vẫn
còn những thích thú muốn quay trở lại đó - ít nhất là một lần - mỗi khi trở về
thăm quê hương.
Nhiều lúc tôi thầm tự hỏi, chẳng biết
tâm hồn mình cũng từng già nua, xưa cũ tựa
như
mầu của Hội-An, cho nên dễ cảm thông và bị thu hút, hằng mong được quay trở về
chốn này. Có lúc, tôi tưởng tượng rằng mình sẽ về
hưu
sống ở đây - giống như người đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain - cũng
tính mua một miếng đất, đủ cho một vườn
rau mình tự trồng, vài bụi hoa mọc lác đác, loanh quanh đây đó, rồi có chỗ cho
vài con gà thả rong nuôi để lấy trứng, để thỉnh thoảng có thêm dĩa gỏi
gà...nhưng không hoàn toàn như dự tính của Anthony Bourdain , tôi chỉ cần một
căn nhà cỡ cấp IV, chẳng cần xa hoa mà chỉ đủ căn bản
tiện
nghi .
Ước vọng là một
chuyện, thời thế là một chuyện khác. Ít ra, bây giờ khi vẫn còn "phong độ",
thực hiện được những chuyến bay đi bay về Việt-Nam, ngoài chuyện được thưởng thức
những món ăn thuần túy của dân
xứ
Quảng (Nam), tôi còn có cái thú đi dạo để săn ảnh, những tấm hình để được xem
đi xem lại mai sau - khi không còn sức để ngồi trong chiếc
"ghế trên mây" gần 10 tiếng đồng hồ - và nhất là nó có
thể cho mình gom góp để in thành sách với hình ảnh của những nơi từng ghé qua,
cuối cùng là gợi hứng viết lên một truyện ngắn,
để trở thành một bài thơ.
Chẳng hạn như bài thơ "THUYỀN ĐÃ SANG SÔNG", nẩy sinh bởi một lần hai vợ chồng đang
đi tìm quán ăn tối dọc bên bờ sông Thu Bồn, thấy nhóm người đang nhộn nhịp dàn
dựng, sắp xếp để chụp ảnh cho một cô dâu - khi người chú rể kiên nhẫn ngồi chờ
cho cô vợ mới cuới chụp vài tấm hình để kỷ
niệm - hay để đời - nhân tiện họ đang hưởng tuần trăng mật ở Hội-An.
Nhìn
khung cảnh, mầu sắc - nhất là sẵn có người mẫu "chùa", không phải tốn
tiền, tôi bèn ghé vào , đứng cách xa và chụp liên tiếp vài tấm. Khi mở
Photoshop xem, tôi thấy quả là "hay
không bằng hên", tôi lựa đuợc một tấm mình ưng ý nhất, phóng lớn ra
xem. Trong lúc ngắm hình ảnh, tôi tưởng tượng rằng cô dâu này từng là người yêu
cũ của mình, nhưng vì duyên không trọn, nợ
không
thành cho nên nàng đã theo chồng sang sông, để lại người tình sững sờ, cô độc đứng
bên bờ, lặng
nhìn mà tưởng
nhớ
lại những lời thề xưa, mộng ước cũ :
Thuyền
đã sang sông về bến mới
ta còn đứng ngẩn tiếc thương chi
thề xưa ai hứa rằng sẽ đợi
khi tóc còn xanh tuổi dậy thì
ta còn đứng ngẩn tiếc thương chi
thề xưa ai hứa rằng sẽ đợi
khi tóc còn xanh tuổi dậy thì
Tóc
xanh môi thắm nay còn đâu
bọt bèo
trôi dạt nhánh sông sâu
ngày
xưa thôi bỗng như gió thoảng
người
xưa thay áo đã qua cầu
Ai chọn
áo mang mầu đỏ thẫm
tựa máu
trong tim tan nát hồn
son phấn
cho người thành lạ lẫm
tình
xưa thôi cũng đành lòng chôn
Đêm nay
trăng về trên phố cổ
trăng mật
cho người vui với chồng
riêng
ta đếm từng chiếc lá đổ
chạnh hắt
hiu lòng mỗi chiều đông.
Nhưng
không phải tất cả những hình ảnh đã đều có thể khơi động lên được những bài thơ
lãng mạn như thế. Trong tôi còn có cái máu ngông - nay thưòng gọi là máu
"tửng" - như trường hợp trong một buổi sáng sớm, khi nắng ban mai
chan hòa, rạng chiếu trên khu phố cổ, hai vợ chồng đi dạo bên bờ sông Thu Bồn,
tôi bảo "người mẫu" bất đắc dĩ của mình ngồi ở chiếc băng ghế, làm
dáng
vẻ như đã từng chờ đợi ai mòn mỏi, chụp một tấm rồi làm bài thơ ngông vừa chợt
thoáng qua trong đầu.
Bài thơ tự
cười - chế diễu mình(hay người) cũng đều muốn nói lên cái
hạnh phúc của nửa cuộc đời sau, lúc con cái như cánh chim đã lìa tổ ấm, là khi
hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau, mặc dù có nhiều lúc - ai cũng tưởng số mình như bị "giời đầy" bởi
người chồng(vợ)
bên cạnh. Mầu thời gian của hạnh phúc, có lẽ cũng tương tự như mầu sắc của phố
cổ Hội-An. Một thời hạnh phúc cực thịnh đã trải qua, và nếu biết duy trì và gìn
giữ, nó sẽ là những bảo
vật tinh thần
cho thế hệ kế tiếp.
Ngoài chuyện thích ghé thăm Hội-An, tôi
không biết
sau này khi con cháu của mình xem lại hình ảnh của
cha mẹ, ông bà của nó cũng đã từng
một thời "vàng son", du lịch bên nhau đây đó, sẽ tạo lên được
niềm tin trong lòng bọn chúng hay chăng?, để biết
nhường nhịn và nương tựa lẫn nhau đi hết quãng đời còn lại của con người. Tôi
hy vọng rằng sẽ được như thế.
Những
lần ghé đến Hội-An, tôi thường hay tự lái xe gắn máy từ Đà Nẵng vào, vì khoảng
cách chỉ chừng 30km về hướng nam, không quá một tiếng đi theo kiểu tàn tàn,
nhàn hạ; nhưng máu “ngựa bà” trong tôi hình như vẫn còn lưu lại từ thưở còn
thanh-niên, và con đường Trường Sa chạy dọc theo bãi biển trơn tru, rộng rãi
cho nên tôi chỉ mất chừng 40 - 45 phút là đã đến nơi. Qua những chỗ nghỉ dưỡng
(resort) xa hoa, tráng lệ dành cho ngoại quốc, khách xộp mà một đêm giá thuê
phòng có thể tốn chừng từ $500 ngàn đồng ($25 USD) cho đến một , hai triệu (tùy
theo mùa và dịch vụ đòi hỏi), tôi cũng thấy những cảnh nghèo phảng phất quanh
khu phố cổ, trên nét mặt của những người già nua mà vẫn phải làm lụng, buôn bán
để kiếm sống.
Hai "thiếu nữ" của một thời, nay vẫn còn phải chèo
thuyền
đưa khách để kiếm thêm chút cơm, cháo.
đưa khách để kiếm thêm chút cơm, cháo.
Đấy cũng là một trong những sắc mầu của Hội-An, và tấm hình “nguời
mẫu” (bên trái)
đứng trước một con hẻm - để người đọc có thể hình dung ra chiều cao - cảnh
lụt vào năm 2009; phía trên tấm bảng quảng cáo "BÁNH Ít, lá gai, bánh Susuê",
đó là mức lũ lụt (mầu xanh), đánh dấu khi nước sông Thu Bồn đã từng dâng cao. Bức
tường mầu rêu phong gợi lại hình ảnh của nhũng ngày mưa lũ, bao người dân xứ Quảng
phải hứng chịu cái lạnh lẽo và đói khát, kéo dài cả tháng trường, nhưng rồi
theo thời gian cũng phải trôi qua.
Mầu
thời gian sau đó là những buổi tối hàng quán đông khách, dân tứ xứ ghé thăm và
đóng góp vào nền kinh tế và cuộc sống của người dân nơi đây. Tôi vẫn thường ngụy
biện, không thích du lịch nơi nào khác ngoài quê hương mình vì nhiều lý do. Thứ
nhất là vấn đề thực tế, cũng một đồng bỏ ra tiêu sài
- như bên Âu Châu chẳng hạn - có ý nghĩa sâu đậm ở quê hương
hơn nơi nào khác. Thứ hai, thời còn trẻ và còn ở trong nước, tôi cũng giống như
tất cả mọi người, ước mong ít nhất là một lần trong đời sẽ ghé thăm nào là Ba
Lê, hay Luân Đôn, Thụy Sĩ...nhưng sau hơn 25 năm bận rộn với sự nghiệp lẫn gia
đình, lần đầu tiên được du lịch ra khỏi Mỹ, tiếng gọi của non nước, của quê
hương vẫn mạnh mẽ hơn hết. Sau chuyến về thăm Việt-Nam lần đầu vào mùa hè năm
1999, tôi biết rằng mình vẫn còn nặng nợ , dính
liền
với cái “cuống ruột" nghìn dặm này; và bây giờ, tình
hình xã hội đầy bất ổn bên Âu Châu đã khiến tôi mất đi cái hứng thú, đam mê để
làm một chuyến du lịch.
Nhất
là tôi đã có thể du lịch "ảo" sang bất cứ nơi nào bên đó qua trang mạng
YouTube. Ai đã từng đi nghỉ hè - du lịch đến đâu - cũng đều muốn khoe hoặc chia
sẻ hình ảnh & kỷ niệm của mình trên đó. Chẳng nói chi đâu xa, ông cậu của
tôi bên Việt-Nam, được con cái sắm cho cái TV thông minh to đùng 30", nhờ
xem YouTube mà cậu tôi biết khá rành rõi về văn hóa, hình ảnh cuộc sống ở bên Mỹ,
chả cần phải tốn vé máy bay, ngồi ê cả mông gần nguyên ngày mới tới được tận
nơi.
cũng con đường Bạch Đằng để tản bộ, biến thành thủy
lộ trong cơn lụt tháng 04/2016
Suy
ngẫm về một góc cạnh khác, đi nước ngoài chỉ mang lại những giây phút "uh, ah, whoa…!" trong ngạc
nhiên lẫn thích thú vì phong cảnh, và những đền đài, cổ tích khác lạ. Khi
về đến nhà tôi nghĩ chắc mình chẳng còn lưu lại được thêm điều gì khác hơn là
hình ảnh của những ngày đuợc tiêu sài, thư giãn và có chuyện để khoe với mọi
người là mình đã từng đi thăm chỗ này, ghé đến chỗ nổi tiếng nọ mà người Mỹ có
câu nói rất gọn "been there, đone
that" - đến rồi, làm rồi.
Quan
trọng hơn hết, không biết thời gian còn lại của đời mình sẽ là bao lâu - ngoại
trừ trong khoảng khắc bốc đồng, hứng thú nào
đó thì chẳng cần phải nói - cho dù nếu
ai đó sẵn sàng mua vé, bao hết tất cả chi phí cho một chuyến du lịch qua Âu
Châu, có lẽ tôi cũng rất ngần ngại mà đón nhận, vì đó là khoảng thời gian tôi
muốn san sẻ cho những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà hơn bất cứ nơi xa hoa, tráng
lệ nào khác trên thế giới.
Khi
màn đêm dần buông xuống, mầu vàng
hoàng tộc của Hội-An càng nổi bật dưới những ánh đèn lồng treo khắp phố; nhất là
vào những đêm rằm âm lịch, cả khu phố cổ cấm xe cộ lưu thông, khi người dân và
du khách mua những đèn hoa đăng làm bằng giấy nhiều màu sắc, giá chỉ $2.500 - 5.000
đồng/chiếc, thả trôi lung linh trên sông
Thu Bồn. Thời khắc này thật là lý tưởng cho nhiều cặp vợ chồng, tình nhân, du
khách và những nhiếp ảnh gia như tôi; vì có rất nhiều khung cảnh và mầu sắc rực
rỡ để chụp hình và gửi cho người
thân quen; lưu giữ để thoảng chốc xem lại, nhớ những giây phút hạnh phúc mà
mình đã từng trải nghiệm.
sắc mầu của con đường Bạch Đằng về đêm
Nhiều
du khách sau khi đã mỏi chân rảo bộ quanh phố suốt cả buổi chiều, tối đến họ rủ
nhau vào đóng đô những nhà hàng mọc đầy rẫy hai bên bờ sông, vừa ăn uống và trò
chuyện, họ ngắm cảnh vật và
hình dung đời sống thanh bình, giản dị của một xã hội từng hiện diện cách
đây vài trăm năm. Tưởng tượng họ giống như là một
"Marty" - nhân vật chính trong bộ phim "Back To The Future" , Marty đang ở trong cuối thế kỷ thứ
20 (1985), dùng chiếc xe có kỹ thuật đi ngược dòng thời gian (time machine), để quay trở về năm
1955 - nhưng ở Hội -An, họ đang muốn sống lại khung cảnh, khoảng thời gian hơn
300 năm về trước.
Trong
lúc chụp những tấm ảnh sinh hoạt ban đêm
bên bờ sông Thu Bồn, nhìn những du khách ngoại quốc đang đắm chìm ngắm cảnh sống
ở đây, tôi ngẫm nghĩ tới câu "the good old days" (thời vàng son) mà nhiều người già thường
nhắc đến, nghĩ đến. Thời nào cũng có người hay dùng câu này và luyến tiếc những
dĩ vãng đã trôi qua. Phải chăng đó là những động lực có từ tiềm thức, đưa những
du khách này (và cả chính tôi) thích trở lại, ghé thăm những nơi mà bề dầy lịch
sử đã có ít nhất trên 100 năm, để được sống lại giây phút êm đềm trong quá khứ,
của kỷ niệm - hay là họ muốn tạm thời chạy trốn những phức tạp, hệ lụy của cuộc
sống hiện tại ? Có lẽ cả hai, giống như ban ngày coi như là thực, giấc ngủ và mộng
mị ban đêm chỉ là ảo. Con người sống giữa hư và thực luôn luân chuyển, thay đổi,
mà cuối cùng cũng chỉ được gọi là "cõi vô thường".
nhóc tì bán đèn hoa đăng bên song
buổi tối ăn quà vặt ở Hội-An
Nếu
muốn tận mắt chứng kiến thế nào là đời sống thật sự của Hội-An, có lẽ du khách
phải dậy thật sớm, khoảng 5 - 6 giờ sáng, mà chẳng cần phải đợi đến "tháng năm chưa nằm đã sáng",
mà hầu như quanh năm, cứ khoảng
hơn 5 giờ là ánh nắng mặt trời đã lên cao. Những tấm hình hai vợ chồng tôi dậy
sớm để đi chụp hình, đó đã là những giây phút
phải gọi là "hơi muộn". Vì bình thường, nhiếp ảnh gia nên
có mặt ở "hiện trường" ít nhất là nửa tiếng trước
khi mặt trời mọc, để bắt được cái khoảng khắc gọi là "giờ hoàng đạo" (giờ
tốt) - khi mầu vàng rực rỡ nhất lúc mặt
trời lên hay sắp sửa lặn xuống.
bình minh ở Hội-An, trên con đường Bạch Đằng vắng
bóng du khách
Trong khi du
khách vẫn còn mải chìm đắm trong giấc mộng, vì họ thường hay thức khuya ăn chơi hưởng thụ cho tới
bến, sợ
kẻo vài hôm sau khi rời xa rồi lại đâm nuối tiếc. Những giờ phút đó Hội-An mới chính
thực là của người Hội-An, khi mọi người đã thức giấc từ sớm, chuẩn bị bữa ăn
sáng cho chắc bụng rồi mỗi người một việc, bận bịu cho công việc hàng ngày. Những con đường mới tối hôm trước còn nhộn nhịp
nhịp đông người qua lại, sáng sớm lại vắng
hoe,
ngoại trừ những người dân địa phương (và kẻ nào khoái săn ảnh), vì họ có cuộc đời
thường bận rộn chứ không như du khách. Đứng trên cầu Hoàng Diệu nhìn xuống con
đường Huyền Trân Công Chúa ở phía dưới, thấy chỉ còn lèo tèo hai chiếc thuyền
con, đem hải sản từ những thuyền đánh cá lớn, chuyển vào bờ giao cho những bạn
hàng đầu mối để họ đem ra chợ bán cho ngày hôm đó.
Trước
đó chừng khoảng một tiếng đồng hồ, nơi này tấp nập những kẻ mua bán tôm cá vừa
được xuống từ thuyền lớn, đem lên bờ. Họ chọn lựa và soạn ra từng loại hải sản,
kích thước rồi cân lượng ngay tại chỗ. Chợ Hội-An nằm cách đó chỉ chừng vài
trăm mét đã nhộn nhịp bầy đủ các mặt hàng. Thỉnh thoảng, hiếm lắm mới thấy một,
hai mái đầu cao tồng ngồng, lạc loài trong đám dân xứ Quảng Nam thấp người, nhỏ
bé. Đó là những tay du lịch, bụi đời này được gọi là "Tây ba lô", họ
thích trà trộn vào chỗ đông người bản xứ để quay phim, chụp hình để gửi lên những
trang mang giao lưu của họ.
bình minh trên sông Thu Bồn
Mầu của Hội-An có lẽ
sớm muộn gì cũng sẽ bị ảnh hưởng, bị nhuộm bởi một điều gọi là "mầu của thời gian", khi kỹ
nghệ du lịch đang ngày càng phát triển. Mỗi lần tôi trở lại Hội-An, tôi có cái
cảm tưởng con phố giống như một tiểu thư đài các thuở xa xưa đang dần chuyển
mình biến thành một thiếu nữ mang nhiều phấn son, trang điểm ở bên ngoài. Hội-An
nhộn nhịp, phát triển của năm 2015 khác hẳn với Hội-An của mười năm về trước,
khi phố cỗ vẫn còn cái nét vắng lặng, buồn hiu quạnh, nhất là sau trận lũ lớn
nhất lịch sử trong năm 2009. Những người ở quanh thành phố này, kẻ sống bám vào
kỹ nghệ du khách nay đã trở thành nói thách với giá trên trời, hay bắt đầu nạn
chèo kéo khách qua đường (tuy chuyện này xẩy ra cũng ít), nhưng vì miếng ăn và
hoàn cảnh kinh tế ngày càng trở nên khó khăn, đó sẽ là chuyện chẳng đặng đừng.
Điều
này khiến tôi một lần rưng rưng nhớ lại bài thơ "Chân Quê" của nhà thơ
Nguyễn Bính thuở xa xưa, khi thi sĩ lo sợ người yêu của mình bị cơn gió của chốn thị
thành cuốn lốc, lôi vào vòng xoáy của vật chất, của xa hoa phù phiếm bên ngoài.
Hôm qua em đi tỉnh
về
Đợi em ở mãi con
đê đầu làng
Khăn nhung quần
lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm,
em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa
sồi?
Cái dây lưng đũi
nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ
thân?
Cái khăn mỏ quạ,
cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng
em
Van em em hãy giữ
nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ
chùa
Cứ ăn mặc thế cho
vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa
vườn chanh
Thầy u mình với
chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh
về
Hương đồng gió nội
bay đi ít nhiều.
Nguyễn Bính(1940)
Văn hóa là dáng vẻ,
là văn minh hội nhập vào với đời sống ảnh hưởng đến lề thói, thuần phong mỹ tục
và những nét riêng của một dân tộc, của một vùng đất. Chỉ có những người lo xa,
như Nguyễn Bính - sợ cho cái bản tính của người mình yêu bị thay đổi, hay những
kẻ "lão làng", cổ hũ chỉ muốn khư khư ôm giữ những quá khứ, phong tục
xưa nên chẳng muốn bất cứ sự đổi thay nào.
Đó cũng chỉ là điều
mơ ước mà thôi, vì khi trái đất còn xoay vần, vũ trụ còn biến chuyển thì con
người sớm muộn gì cũng phải cuốn theo giòng đời, như con sông sẽ chịu cảnh bên
bồi, bên cạn - ước vọng chăng, đó chỉ là tốc độ của cuộc đổi đời xin hãy được
chậm lại, cho tri thức (không phải trí thức) và tâm linh con người được bắt kịp,
theo kịp để biết những gì nên thay đổi
và lúc nào sẽ được áp dụng.
Tôi nhớ lại những
năm từ 1969 - 73, văn hóa và xã hội của thành phố Sàigòn thay đổi một cách
nhanh chóng khi mức quân số lính Mỹ đạt đến cao độ khoảng nửa triệu người. Xem
lại những tấm hình xưa cũ, dưới thời TT Ngô Đình Diệm cho đến đầu thập niên 70s,
họa hoằn lắm mới thấy hình ảnh phụ nữ trong chiếc váy đầm tây phương dài quá đầu
gối xuất hiện trong phố. Đa số là hình ảnh
của những bộ áo bà ba, rồi áo dài, rồi áo tứ thân.
Sự xuất hiện của
lính đồng minh cũng là khi những quán bar, phòng trà, hộp đêm, nhà tắm hơi, đấm
bóp mọc lên như nấm khắp Sàigòn. Thời ăn chơi nhẩy đầm "cực thịnh" của
tôi đó là những kiểu "mini jupe" - khi váy đầm ngày càng ngắn - che đủ
mông mà rất thịnh hành, dám mặc ra đường
chỉ có dân chịu chơi học ở trường Tây (Marie Curie, Couvent des Oiseaux,
v.v...) và đám con ông cháu cha, giới trưởng giả, đua đòi theo thời là đám tuổi
trẻ không có tình thương của gia đình, tuyệt vọng vào tương lai cho nên họ bất
cần đời, sống xả láng. Đây là một trong
những lý do khiến tôi sớm tỉnh mộng, từ giã cuộc sống khi mình luôn chạy đi tìm
cuộc vui tạm bợ, và rất sợ đám con gái học trường Tây.
Câu "ghét của nào, trời trao của đó"
quả chẳng sai. Tôi bỏ thành phố Sàigòn bị biến đổi theo thời cuộc để trốn lánh
lên Đà Lạt, rốt cục trước khi trở lại
Sàigòn - mình lại vác một nường - dân
trường Tây chính cống bà lang trọc - học từ tiểu học cho hết Trung-Học, về làm
vợ, để sau này tôi lại "hiên ngang" kể lại cái chiến công của mình
qua bài "TÔI LẤY VỢ ĐẦM".
Tóm tắt là, trong
cuộc đời, có những biến cố ban đầu tuy không có vẻ gì là quan trọng, nhưng nó
đã khai mào, dần thay đổi cục diện, văn hóa của một xã hội, của một nước - dĩ
nhiên trong đó cả con người, như tôi chẳng hạn; huống chi là Hội-An; danh từ
"phố cổ" và những căn nhà có trên 300 năm, nay cũng chỉ là hình thức,
là cái vỏ ảo ảnh đã được khoác lên cả thành phố.
Người ta thường hay
nói dân xứ Quảng xưa nay "ăn một
hòn, nói một cục". Nghĩa là thấy (biết ) sao nói vậy, rất
đơn giản và chân thật. Sau cuộc đổi đời của năm 1975, tiếp theo đó là một khoảng
thời gian sống trong thời "Bao Cấp", thế mà người dân Hội-An vẫn
không thay đổi, bị ảnh hưởng mấy. Cuộc bể dâu nào cũng để lại bao nuối tiếc về
dĩ vãng. Theo sự quan sát và nhận xét của tôi sau bao chuyến ghé về thăm Hội-An,
trong lúc bên Âu Châu đã và đang bị thay đổi, đảo lộn bởi chính trị - nhất là
kinh tế - nay lại còn bồi thêm cú "di dân" của người Hồi Giáo, khiến
bao nhiêu người già sắp sửa hoặc đang nghỉ hưu, họ đã tụ tập, rủ nhau về Việt-Nam
mua đất, thuê nhà để ở - để chạy trốn những điều bất an đang xẩy ra trong nước
của họ. Nếu so với đám dân Âu Châu tình nguyện "di tản" sang Việt-Nam thì người Mỹ tuy ít hơn lúc ban
đầu, nhưng con số này ngày càng tăng dần. Trong Youtube có một công dân Mỹ, tên
tắt là "JC" có những đoạn phim của ông ta, phân tách về giá cả và mức
sống ở Cam Bốt, Thái-Lan và Việt-Nam
và còn khá nhiều
người ngoại quốc cũng muốn về Việt-Nam để dưỡng già, hay ít ra tạm trú trong một
khoảng thời gian khi quốc gia của họ đang trải qua một cuộc đổi đời sau gần một
thế kỷ tạm thời được gọi là thịnh vượng, bình yên. Hội-An bây giờ (và nhiều đô
thị nổi tiếng khác như Đà Lạt, Đà Nẵng, SG, Hà Nội) đang có những chương trình
quy hoạch tầm cỡ quốc tế, xây lên những khu biệt thự, chung cư cao cấp dành cho
những giới "di dân" có tiền của và tình nguyện này.
Hơn 2000 năm trước,
chúa Jesus còn bị bán đứng với vài đồng xu, vì con người rất dễ bị thay đổi, ảnh
hưởng bởi xã hội mà ít người tự nhận thức ra. Sớm muộn gì thì ngay đến thứ
"Áo cài khuy bấm" tân tiến
trong thời đại của Nguyễn Bính nay cũng đã được thay thế bởi những chiếc áo
thun bó sát cơ thể, hay những chiếc quần đùi bằng vải Jean ngắn đủ che mông, và
chỉ cần kéo cái "phẹc-ma-tua" xuống là...tuốt luốt. Tôi tưởng tượng rằng
nếu 5 năm sau tôi mới quay trở lại Hội-An, đa số những người ngoại quốc ngồi uống
bia, tụ tập trò chuyện bên bờ sông Thu Bồn có lẽ lại là đám dân cư ngụ ở đó, chẳng
phải như tôi - chỉ là một du khách ghé ngang, ở tạm một vài hôm để rồi khi về
nhà lại ngậm ngùi, khóc thầm cho số phận của Hội-An, của chính đời mình.
Những hình ảnh đời thường (với chút
ngông) của Hội-An
thuyền chài nay trở thành du thuyền chở khách, đỡ phải ra khơi tận diệt những đàn cá
sáng hôm sau, bắt quả tang kẻ sang sông, đang dụ khị tên chồng mới cưới...
ở Hội-An mà lòng hướng mong về ngày lãnh cái check lương hưu trí...
tự lèm bèm trên con đường lái xe về lại Đè Nẽng (Đà Nẵng)
SVT
12/2016
Comments
Post a Comment