NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - MỸ THO



MỸ THO -  DÌA MIỀN QUÊ.

Gọi là dìa (về) miền Tây, chứ thực ra mấy hôm ở thành phố ngột ngạt, ngứa chân - nhưng nói cho đúng là phần "cu Linh" (gọi là "cu Linh" vì cô nàng chả khác gì cu Lương nhà tôi tí nào! ham vui và có máu giang hồ) cũng cần phải xuống thăm, chào chị Tám và cô chú trước khi lên đường trở thành Vịt kiều trong tương lai. Chính xác và cóc cần nói dóc - đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi cái thành phố bụi bậm, khói xe là cả ba đều vui, nhất là mình có lý do chính đáng.

Sau chuyến đi phượt Đà-Nẵng - Tam Kỳ - Hội An, thì chuyến đi này coi như đã quen thuộc, không còn sợ màn "ông mê" (ê mông), vì ở miền Tây thì chả thiếu gì những trạm cà phê Võng để dừng chân, ghé vào uống một trái dừa rồi nằm võng đánh đu nhìn xe cộ đi lại; có khi còn đánh được một giấc ngủ, một chiêm bao ngắn ngủi để sau đó lại đội cái nồi cơm điện, đeo khẩu trang để tiếp tục con đường - từ Sàigòn xuống Mỹ Tho chỉ hơn 70 km.

Từ con đường Võ Văn Kiệt ra đến đoạn đường Nguyễn Văn Linh thì thoải mái , sạch sẽ và an toàn hơn xưa rất nhiều - vì có làn đường riêng cho xe gắn máy, xe ô tô và vận tải thì phải đi con đường riêng cho họ, khi vào Quốc Lộ 1 xuôi Nam thì xe tải, xe chở hành khách loại lớn hầu hết phải dùng con đường cao tốc, vì đường mới, êm và nhanh hơn; không bị kẹt xe như con đường cũ - nay gọi là QL1A - đi về hướng Mỹ Tho, Bến Tre chỉ dành riêng cho xe gắn máy và xe hơi nhỏ.  Tuy vậy, con đuờng cũ đã lâu không được chính phủ ngó ngàng đến cho nên đã bắt đầu xuống cấp; nhất là những khoảng đường tráng nhựa mà vì tính toán không kỹ lưỡng, để nhựa chẩy theo sức nóng của tháng 3, tháng 4 - rồi khi nó khô lại khiến con đường trở thành gập ghềnh, xe chạy nhanh dễ bị long lên như con ngựa sắt nổi cơn điên; rồi cộng thêm những xe chở cát & xi măng đi ngang để lại bụi bậm mờ mịt.

Sau khi lái xe hơn tiếng một đồng hồ, mà nếu đi xe hơi đóng kín cửa và mở máy lạnh thì chả nhằm nhò gì, nhưng dưới cái nắng của miền nam và bụi đường, tôi ra hiệu cho Linh tấp vào một quán Võng bên đường, nghỉ ngơi chốc lát rồi đi tiếp.




Quán võng bên đường thì muôn quán như một, cũng nào là bàn ghế nhựa, võng treo, và quanh quẩn chỉ vài thứ nước uống quen thuộc như nước mía, nước dừa, chai nước lọc,v.v... để khách dừng chân giải khát, đánh một giấc nếu muốn để nạp sức rồi sau đó lên dường tiếp tục cuộc hành trình, mà giới trẻ tuổi, sinh viên, học sinh vào mùa hè nhiều khi rủ nhau lái xe Honda chạy tuốt xuống mũi Cà Mau, điểm cuối cùng của đất nước. Sau này về đây ở lâu hơn, thể nào tôi cũng phải  làm một chuyến du hành với con ngựa sắt như thế.




Ngoài bộ quần áo để thay đổi cho chuyến đi tốc hành (và tốc kê) về Mỹ Tho thăm bà con và bạn thân, trong cái ba lô của tôi còn có 2 cái máy ảnh, một Tablet để liên lạc thư từ khi đến chỗ nào có "Free Wife"; không mấy ai biết tôi còn có đủ đồ nghề để chặt & chẻ củi , lò nấu và bộ nồi nhôm của quân đội - để sẵn sàng nấu nước, tô cháo cá, hay nấu mì gói khi sự cố dọc dường xẩy đến. Đó là chưa kể cái túi ngủ (chỉ dùng cho miền nhiệt đới) cuốn gọn bằng nắm tay, nhẹ không tới 2 oz - dùng để ngủ, chống muỗi, nhất là ở những nơi có cái ao như tấm hình trên, lăng quăng nhiều đến nỗi cá ăn không hết. Thêm một túi cứu thương nho nhỏ tạm cho 1, 2 ngày đi đường. Tuần trước, tôi mua được cái túi ba lô khá nổi tiếng và  thịnh hành cho giới gọi là "preppers" (kẻ chuẩn bị) - tôi lựa cái túi "Rush 24" - mà giá chính của nó ở Mỹ "chỉ có" $130, chưa kể tiền chuyên chở.  Trong khi đó bên này tôi "phải" mua nó với cái giá $600 ngàn (chưa tới 27 đô la) ! Đắt quá chời ơi đất hỡi !

Đến Mỹ Tho được người quen giới thiệu, luôn tiện họ đang sẵn  ở đó, cả ba chúng tôi thuê căn phòng sang nhất (một chuyện lạ và hy hữu như trúng vé số), mà nếu trừ tiền ăn sáng  thì cũng chưa tới $30 đô la một đêm. "Cu Linh"  lớn xác vậy chứ không bao giờ dám ngủ khách sạn một mình (chắc bởi vậy đi đâu cũng phải rủ Cu Luơng nhà tôi đi theo!) – nên tôi chọn căn phòng có hai giường, mà cũng may, Linh kể là tôi không ngáy to và lâu như Lương em tôi. Tôi chỉ cần ngáy "đề ma rơ" , rồi chập sau ngủ êm re, thẳng cẳng cho đến sáng.



Buổi tối ra bờ sông hóng gió, nhìn thiên hạ rong chơi...



Hình ảnh con sông Tiền Giang vào một buổi sáng, xa xa đó là cây cầu Rạch Miễu bắc ngang qua tỉnh Bến Tre, xưa người ta qua lại bằng những chuyến phà ngang, bây giờ đã là quá khứ, thay đổi cuộc sống của bao nhiêu ngàn người sống quanh hai bến phà.




Mãi gần 8 giờ sáng Linh - quen giấc ngủ trễ - mới dậy, tắm rửa rồi hai chị em dâu - một cả một út - đi bộ băng qua bên kia đường vào quán cà phê Union quen thuộc (thường gọi cà phê Công Đoàn) mà mọi người đã chờ đợi sẵn.


Mọi người vừa ăn sáng, uống cà phê và nói chuyện tầm phào cho đến hơn 10 giờ mới chia tay, họ thì về nhà lo chuyện cơm nước trong khi cả ba chúng tôi ghé thăm cô chú, nay đã già ở lủi thủi với đứa cháu.

 






Chiều khoảng sau ba giờ, trên đường về lại Sàigòn, lúc qua khỏi cây cầu Tân An, đến một ngã năm cách thành phố Mỹ Tho  khoảng chừng 15 km, con đường trải đá xanh để chuẩn bi tráng nhựa, xe của Linh bị trượt - người và xe té nhào. May một điều là nhờ đi tốc độ khá chậm trên quãng đường đang sửa cho nên Linh không bị hề hấn gì, chỉ có chiếc xe Vespa bị đổ xăng và chút nhớt ra đường, mấy người đi đường đã vội vàng xuống đỡ Linh và dựng xe dậy khi tôi vừa ngừng lại.

Sau đó Linh tiếp tục lái đi độ chừng 2, 3 cây số thì đi phía sau, tôi thấy xe bắt đầu nhả khói trắng, dấu hiệu cho biết nhớt bị thấm vào thùng xăng - hay vào buồng nổ; một trong hai lý do sẽ khiến xe dễ bị cháy máy, cho nên tôi vội phóng lên, bảo Linh nên tấp vào lề, ngừng lại để tôi xem xét.

Lúc khám bình nhớt thì thấy vẫn còn nhiều, nghĩa là chưa cạn để bị cháy máy, thế là chắc chắn nhớt bị rỉ vào máy, và hệ thống bảo toàn (safety) của loại xe đắt tiền  - sản xuất và nhập cảng thẳng từ Ý - khiến cho muốn đề xe để đi tiếp thì cách mấy nó vẫn không chịu nổ.



Nhìn tấm hình cả hai coi bộ đang hồ hỡi, sung sướng như sắp sửa được lái xe
mới toanh - ai biết rằng xe đang hư không biết phải tốn bao nhiêu tiền để sửa !


Bất đắc dĩ, sau khi dắt bộ, đẩy chiếc xe đến một trạm xăng gần đó - bảo hai chị em ngồi chờ trong lúc tôi chạy đi tìm thợ sửa xe. Thời may, cách đó không xa, chưa tới 1 cây số - tôi tìm được một tiệm sửa xe nên quay lại, giúp Linh đẩy chiếc xe Vespa đến nơi này. Trong cái rủi lại có cái may. May mắn nhất là tìm được một nơi sửa xe không quá xa, cái may thứ hai là "phước chủ may thầy", gặp được người thợ chuyên sửa xe tay ga, xem xét sơ qua là anh chàng biết ngay căn bệnh - đúng như tôi dự đoán: tháo tung bộ phận chứa nhớt, rồi rửa sạch bộ phận này và carburetor. Luôn tiện Linh bảo người thợ điều chỉnh lại luôn cái thắng phía sau, phí tổn tất cả chỉ $200 ngàn, mà xe chạy ngon lành, phọt mạnh hơn trước khi bị tai nạn, và chỉ mất hơn nửa giờ đồng hồ,  sau đó cả ba chúng tôi lại phom phom lên đường.


Trên đường về, tưởng mọi chuyện sẽ êm rơ, thuận buồn xuôi gió, chắc hẳn sẽ có mặt ở nhà trước 5 giờ 30 chiều. Ai dè đi chưa được bao lâu thì thấy trời kéo mây xám, nhỏ vài giọt mưa. Tôi đưa cái áo mưa, - loại bao trùm từ trên xuống dưới - cho Linh để "bảo vệ" cái bao gạo 25 ký mua từ Mỹ Tho về, vì đó là loại gạo ngon, không bị xịt thuốc, mà cô nàng này vẫn còn nặng máu dân quê loại nặng ký. Hồi ở Đà Nẵng, nếu có dịp đi về quê ở Tam Kỳ, gặp mùa gặt lúa mà thấy gạo ngon dân làng bán, ít nhiều gì Linh cũng ráng khệ nệ rinh một bao về. Lần này không phải là mùa Mít, chứ không thì dám nó cũng chở thêm trái mít đèo phía sau lưng, mà ăn một mình làm sao xuể, lại chia năm xẻ bẩy chia chác cho bạn bè, hàng xóm. Có lẽ nhờ cái tánh sởi lởi mà trời thương, Linh buôn bán gì cũng được lời, mau lẹ.
Trở lại chuyện mưa gió. Từ hồi cha sinh mẹ đẻ  đến giờ, tôi chưa bao giờ bị mắc phải một cơn mưa lớn và dai đến thế. Nghĩa là mưa bắt đầu từ Bến Lức, càng lúc càng lớn - cộng với sấm chớp, nổ liên tục trên bầu trời - cho đến khi về đến Quận Nhất thì mới tạm yếu dần. Trên đoạn đường gần 50 cây số, ớn nhất là lúc leo cầu vượt ở Bình Chánh, gió thổi mạnh đến nỗi xe chở hai người mà nếu lơ đễnh chạy nhanh hơn 20 km/giờ thì có lẽ dám đã bị gió lốc thổi té lăn cù trên xa lộ. Cũng may là xe của Linh thuộc loại nặng cân, chở thêm bao gạo ở dưới chân và chạy thật chậm, cho nên khi cả ba về đến nhà an toàn, nhìn đồng hồ thấy vừa hơn 7:30 tối. Hú vía, tuy trong đôi giầy của tôi bị ủng nước, tôi đùa rằng hình như mấy ngón chân đang bị cá lòng tong rỉa ! Người ngợm thì ướt sũng khỏi cần phải bàn.

Cũng may là đi trong mưa gió, ướt lạnh như thế cả mấy tiếng đồng hồ mà sáng hôm sau chẳng ai bị cảm lạnh hay ốm đau gì cả. Linh chỉ cần xoa dầu nơi bắp chân bị té rồi cũng xong, rồi chít chát và "bà tám" với chồng, kể lại chuyện chuyến đi khiến chàng nghe xót xa, bảo đừng lái xe đi như thế nữa, rồi chàng Lương - khoe với vợ là đã sắm chiếc Acura SUV đời mới ngon lành - tha hồ hai vợ chồng lại ngao du sơn thủy ở bên Mỹ.

Nghĩ đến chuyện so sánh những cánh đồng lúa ở Việt-Nam  với những cánh đồng lúa mạch giống GMO ở bên Mỹ; hình ảnh  dân tình yên bình, mức sống sung túc, đầy đủ nhưng cô lập, riêng rẽ - khác hẳn với những hoàn cảnh khó khăn, nghèo nàn sống chen chúc ở bên này; hàng xóm khi hết gạo, mắm chạy sang mượn đỡ nhau - mặc dù trước đó có chửi nhau chí chóe. Đây không có nghĩa là hàng xóm ở nước ngoài không tình nghĩa như người Việt, có khi còn rộng lượng hơn. Điều tôi thương xót người dân ở đây hơn vì những ngu muội của cả một dân tộc mà sau bao nhiêu thế kỷ - hết bị đô hộ, kềm kẹp rồi đến những cuộc chiến tranh tương tàn mà ngoại nhân đã tạo dựng, xem Việt nam như một con cờ thí không hơn không kém. Hiện tại thì không biết bao nhiêu dân Trung Đông cũng đang chịu những thảm họa nội chiến, rồi di dân - màn thảm kịch lập đi lập lại - tất cả cũng chỉ vì quyền lợi riêng tư của một  giới tài phiệt muốn cầm quyền, muốn cả thế giới phải trở thành nô lệ.



Nơi góc đường trên quốc lộ 1A, cứ mỗi lần đèn đỏ bắt mọi xe cộ phải dừng lại; tôi thấy mấy đứa bé vội bồng em (thực hư không là vấn đề quan trọng) chạy túa ra đường xin tiền - mà nhiều người đã cảnh báo rằng đầu nậu, đám ma cô đang ở gần đâu đó; điều hành, chỉ huy mấy đứa trẻ thơ dại này, dang nắng suốt ngày nên người đen hơn cả dân thiểu số; nếu không đủ số tiền mang về mỗi ngày thì có nước bị bỏ đói hay ăn đòn. Thấy tôi đưa máy ảnh ra chụp, được răn đe, cảnh báo từ trước  nên đứa nào cũng lấy nón hay cái gáo nước che mặt, hay quay mặt đi chỗ khác. Chúng sợ nhất dân phóng viên, nhiếp ảnh gia đưa lên mạng hay báo chí để than phiền với nhà nước, rồi công an, cảnh sát đến làm rùm beng khiến chúng nó phải né tránh vài bữa, và dĩ nhiên những hôm "thất nghiệp" như thế chúng phải nhịn đói, hay chỉ được cho ăn uống cầm hơi, rồi sau khi công an biến mất, thì cảnh tượng trên lại tái hồi Kim-Trọng, diễn lại. 
Ngoài Đà Nẵng luật pháp nghiêm chỉnh hơn, nhiều nơi dán bảng cấm ăn xin hay bán hàng chèo kéo, đeo bám quấy nhiễu du khách. Ai thấy những hoạt cảnh - như những đứa trẻ trong hình - sẽ bị người dân gọi Công An đến và dẹp ngay. Đến ở Đà Nẵng đã hơn 3 lần, chưa kể một lần chỉ ở lại qua đêm trước khi ra Huế, tôi phải công nhận  là thành phố Đà Nẵng mới đích thực là nơi xứng đáng được dùng hai chữ "Văn Hóa"; chả bù với bao nhiêu nơi khác, hẻm nào cũng tự nhận là hẻm có "Văn Hóa", mà người ngợm, tính tình thì eo ơi, nói đến mà buồn.

SVT
19/09/2015

Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An