NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Tam-Kỳ & Hội-An
ĐÀ NẴNG - Về
Thăm Tam-Kỳ & Hội-An.
Sau hơn một tuần ở Sàigòn,
đáng lẽ hai vợ chồng tôi đã tính đi Đà-Nẵng từ sớm, nhưng vì Lou sau hơn 7 năm
sống ở Việt-Nam, cu cậu nhớ mấy món Hamburger, French Fries, Pizza...cho nên
quyết định quay trở về lại Mỹ một thời gian.
Gọi là "cu cậu" vì là đứa em út, kém tôi cả chục tuổi - cho dù
già đến cỡ nào đi chăng nữa, như hắn năm nay đã 50 - vẫn mãi là cậu út - mà tôi
là anh trai cả, cho nên ở lại Sàigòn thêm mấy ngày để hai anh em có dịp đi chơi
gần nhau hơn, trước ngày hắn tự một mình ra phi trường bay về.
Chuyến về Đà-Nẵng lần này, vợ
chồng tôi tháp tùng cô em dâu tên Lynh - vợ của Lou, coi như là đi chào bà con,
thân thuộc trước ngày Lynh sẽ sang đoàn tụ với chồng là đứa em trai út của tôi. Hai anh chị mới xa nhau
chưa tới đôi ba ngày mà chít chát nhau tơi tả; ngay cả lúc đi chơi, vào quán - món ăn vừa đem dọn ra bàn đã thấy Lynh lôi
cái iPhone, chụp và gởi hình ngay cho
Lou để gọi là "chọc kít ra ngửi", cho chàng thèm chơi.
(con đường cũ vào làng -
năm 2012 -, căn nhà vẫn còn trước khi đến đoạn đường rầy xe lửa )
Sáng thứ Bẩy dậy muộn, bởi
vì lúc ra khỏi căn hộ thì cũng hơn 7:30 - lái xe đến nhà ông bà ngoại Lynh để
đón dì Nguyệt chở về quê thị xã Tam-Kỳ, cách Đà-Nẵng 74 cây số, đã được nâng cấp
lên là thành phố - nghe cũng oai ra phết, mà cũng đúng thôi, con đường vào làng ba năm trước, hai bên mọc dầy đặc những
bụi tre, dầy đến nỗi khi trời vẫn còn chạng vạng tối mà con đường vào làng đã tối
đen như mực, phải dùng, đèn pin để xoi đường đi vào nhà. Sau gần ba năm, con đường
làng nay đã biến mất, thay vào đó là con đường tráng xi măng rộng gấp 5, 6 lần,
chung quy cũng chỉ vì khu này đã được nâng cấp trở thành khu công nghiệp, cho nên
người ta phong tỏa, mở đường để chuẩn bị phát triển cho tương lai. Nhờ vậy,
thay vì từ đường cái đi vào quẹo phải mất thêm vài chục mét, bây giờ mọi
người chỉ việc rẽ phải vài bước, rồi lái xe chạy thẳng vào nhà.
một con ngựa sắt, một ba lô
dù đường bằng phẳng, hay nhấp nhô
bình xăng đời còn ta cứ cưỡi
mai sau cũng chỉ một nấm mồ...
Nói về chuyện lái xe, ba năm
trước mẹ của Lynh thuê chiếc xe hơi 7 chỗ chở mọi người vào Tam-Kỳ. Năm nay tôi
với Lynh, mỗi người cưỡi một chiếc gắn máy, tôi chở Thúy-Hoa và Lynh chở dì
Nguyệt về thăm làng. Chiếc Honda Wave của dì Nguyệt thuộc loại lão thành nhất,
dì đã mua nó hơn 16 năm về trước, nhưng con ngựa sắt già vẫn còn thật phong độ.
Nghĩ cũng phục người Nhật, đã sáng chế ra loại phương tiện lưu thông thật tiện,
giản dị và bền bỉ, một thời đã đưa tôi vi vút vào đời của tuổi thanh niên mới lớn.
Sau khi nó đã nằm ổ không biết
bao nhiêu tháng, năm - chỉ cần tôi thay nhớt rồi đổ đầy bình xăng - thế là con
ngựa sắt lại được phom phom cưỡi trên 74 cây số, con đường dài nhất từ trước đến
giờ - sau năm 1975 - tôi đã từng lái. Trước đó, từ thành phố Nha-Trang tôi lái hơn 50 cây số lên Dốc Lết, nơi mà bãi biển
gần như còn hoang sơ nhưng thật đẹp để tắm biển; gần hơn là Sàigòn đi Biên-Hòa chỉ
hơn 35 km. Lần này về tôi mua lại chiếc xe cũ ở Sàigòn, loại 135cc - đủ để đi
đường trường, dư sức chạy lên Đà Lạt; nhưng cứ mỗi 1, 2 tiếng là phải tạt vào
những quán cà phê, bán nước dừa và có võng nằm nghỉ chân để giãn gân, giãn cốt
- nhất là để đi vệ sinh và khỏi bị cái gọi là "ông mê" sai khi ngồi
trên chiếc yên xe bị dằn lên dằn xuống
trên quãng đường dài.
khuôn viên nhà 3 năm trước
nhà mới đang xây
Căn nhà ba năm trước được dựng
lều để đãi tiệc, nay đang được xây rộng lớn hơn. Khi mọi người xuống đến nơi
thì cũng đã hơn 1 giờ trưa, cho nên mọi người vừa mệt, vừa nóng, ai cũng kiếm một
góc nằm hay ngồi nhắm mắt làm một giấc. Tôi tẩn mẩn đi loanh quanh, trò chuyện
cũng người nhà của Lynh và những người thợ xây cất, thợ hồ, về cuộc sống của
người dân trong khoảng thời gian gần đây, khi đất đai được phát triển, khai
thác khiến nhiều nhà nông qua một đêm bỗng dưng trở thành tỷ phú, nhờ đất đai
được lên giá; nhưng cũng có người sau đó - khi hết tiền bán đất và không biết
làm gì để sinh sống - họ trở lại kiếp dân đi cầy thuê, làm thuê; chưa kể có người
bỗng thừa tiền đâm thích ăn nhậu, hay thích sắm xe mới - nhậu say bị té xe hay
lái ẩu bị xe đụng sớm ngủm củ tỏi, theo chân ông bà. Thế cũng xong một kiếp người,
"thà phút huy hoàng rồi chợt tắt",
còn hơn là số cu ly, nhọc thân mãi cả đời. Khổ là chỉ khổ cho người còn sống, vậy
mà ai cũng muốn sống dai mới quái dị không cơ chứ !
Mới hơn 4 giờ sáng mà nồi
nước luộc heo gà để nhổ lông đã có sẵn.
Khi cái nắng gắt của buổi
trưa đã qua, hơn 3 giờ chiều mọi người chia tay, từ giã khu làng quê ông bà ngoại
của Lynh. Leo lên chiếc Honda lái đi ngược về Đà-Nẵng độ 25 km, đến xã Vĩnh Điền
thì quẹo phải đi về hướng Hội-An. Sở dĩ tôi muốn đến đấy, tuy rằng mình đã bao
nhiêu lần ghé phố cổ, nhưng lần này đúng vào dịp rằm tháng 7 - ngày rằm lớn nhất
trong năm - tôi đoán chắc phố sẽ chật ních người. Quả vậy, vì quá đông người
cho nên tôi chỉ đi tham quan, ngắm cảnh - bỏ bớt thì giờ để chụp hình - xem
thiên hạ và du khách dạo chơi, ăn uống và mua sắm. Trong chuyến đi này, nhờ xem
trên YouTube có một phim tài liệu nói về "Làng lụa Hội An" cổ truyền ở đây, tôi đưa mọi người đến tận
nơi cho biết, mà theo tôi cái video phóng sự còn nói rõ, nhiều chi tiết hơn là
cô hướng dẫn viên, mỏi mệt vì cái nóng của
buổi trưa cuối hè.
Quán cơm gà Bà Nga - số 8
Phan Chu Trinh - Hội-An
Ở Hội-An mà không vào ăn thử
món cơm & gỏi gà ở quán bà NGA, số 8 đường Phan Chu Trinh, thì quả là một
thiếu sót lớn, mặc dù giá tiền hơn đắt một chút. Chuyện! nơi trung tâm du lịch
thì tiền thuê mặt bằng cũng đâu phải là rẻ. Sau khi gọi mỗi người một dĩa cơm
và một dĩa gỏi gà to đùng để ăn chung; lúc dĩa gỏi vừa đem ra - Lynh đã chụp và
gửi ngay tấm hình, kèm theo vài câu chòng ghẹo chồng mình.
Đây quả là một trào lưu của
thời đại mới, đi quán ăn nhà hàng nào cũng gặp. Ai cũng có điện thoại di động -
loại "thông minh" - nghĩa là ngoài nói chuyện ra, còn chụp hình, nhắn
tin, lên mạng, trò chơi giải trí, xem phim ảnh, v.v...càng nhiều tiện nghi thì
cách xã giao, đối xử và lòng nhẫn nại, nhường nhịn ngày càng dần rút ngắn. Người
xưa muốn chứng tỏ mình có trình độ văn hóa thì họ tỏ ra với lối ăn nói, tiếp
xúc xã giao và phong cách trong cuộc sống. Giờ thì nhiều người tưởng hễ ai có
cái điện thoại iPhone 6 (hay loại mới nhất), đó mới là người có "đẳng cấp" cao, biết sống !
Ngoại ô của Hội-An, cách xa
chừng 2 km - có một làng chuyên trồng rau sạch, nghĩa là hoàn toàn thiên nhiên,
hay chính xác hơn, theo phương pháp cổ truyền không dùng chất phân bón hóa học,
ngoại trừ những chất lấy từ thiên nhiên, có sẵn từ thú nuôi trong vườn, trong
làng. Trên con đường quay trở về Đà Nẵng, tôi ghé tạt vào làng Rau sinh thái
này thăm một lần cho biết. Nhiều du khách tây phương tò mò muốn biết đời sống
nông dân trồng rau, bán để sống như thế nào; họ lên mạng ghi danh và đóng tiền
để được quyền làm nông dân trong vài giờ. Nghĩa là khi đến đây, họ phải tập
gánh nước lấy từ giếng, đem gầu đi tưới từng luống rau; rồi nhặt cỏ dại, cuốc đất
sới lên trộn với phân bò, phân gà. Trưa được học cách xay gạo để làm bột, phơi
bánh tráng. Học cả cách tự làm vài món ăn trưa, chiều do họ chọn. Cực bỏ mẹ mà lại còn hồ hỡi đóng tiền, quay
phim chụp hình để đem về nước khoe bạn bè, họ hàng.
Con người rõ khỉ, thật quái
chiêu ! dân thì mơ làm được làm vua, làm quan; ngược lại kẻ cai trị dân, giầu
sang thì lại muốn một lần làm "phó thường dân" để được nếm mùi đời.
Kinh thánh cũng đã đề cập về căn bệnh dở hơi này, khi thiên thần muốn xuống lấy
người trần gian. Lắm lúc tôi nghĩ biết đâu! không chừng mình cũng đã từng là một
thiên thần (hay ác quỷ) đang ở trển sung sướng (hay ở dưới được hành hạ kẻ
khác) lại không chịu, khi không lọt xuống cõi trần để trải qua những thăng trầm,
đau khổ cả thể xác lẫn tâm hồn.
Sẵn tiện nói về chuyện khùng
của giống người, ngay cả những ngày còn ở Đà-Lạt, đi đến đâu cũng nghe thiên hạ
bàn tán, nói về chuyện cần bán nhà, bán đất vì sắp sửa đi Mỹ (hay ngoại quốc). Ở
Đà Nẵng cũng thế, cứ gặp mười người thì có hết 3, 4 người nói chuyện họ sắp đi
ra nước ngoài để sống, hoặc về hưu. Trong khi đó, vì nhu cầu hồi hương, muốn một
cuộc sống hưu trí ở Việt-Nam, cho nên nhiều Việt kiều đã khiến chính phủ Việt-Nam
phải thay đổi chính sách và luật pháp làm sở hữu chủ bất động sản ở quê nhà.
Nghĩ đi nghĩ lại, đó chẳng qua cũng chỉ là sự tuần hoàn của Âm Dương; cùng thì
biến, biến tất thông. Thời đã thế, thế thời phải thế, v.v... Người nông cạn thì
hay "đứng núi này trông núi nọ"; nghĩa là khi chưa thấm, chưa
hiểu đến tận cùng cái hiện tại mà đã mơ ước điều xa vời, thì suốt đời cũng chỉ
là "đứng núi này trông núi nọ". Tôi hy vọng mình chẳng phải là thế,
vì đối với tôi - bên nào cũng như nhau, cũng vậy thôi - có điều là tôi không
thích kẻ khác lớn giọng bảo "Ê ! ra đứng chỗ này (hoặc chỗ nọ).". Không biết tôi đã có quyền chọn mình phải ra
đời, hay tại ông bà già khi không trong giây phút "hồ hỡi" rồi 9
tháng sau lòi ra thằng con; ít ra bây giờ tôi có quyền chọn mình được đứng ở
núi nào, lúc nào. Ai nghĩ sao mặc xác thiên hạ.
Bún Chà Cá bà Hờn
Về đến Đà-Nẵng hơn nửa giờ
lái xe, sau khi tắm rửa nghỉ ngơi chưa đầy một tiếng, tôi lại cảm thấy đói bụng.
Nhớ lại thưở xa xưa, mỗi lần ra Vũng Tầu chơi cuối tuần, cứ ngửi mùi gió biển
không mà bụng lúc nào cũng thấy đói, hay là tại lúc đó mình còn tuổi đang lớn ?
Dù gì đi chăng nữa, hỏi nhỏ
Lynh thì muốn ăn cái gì nó cũng biết; em họ, chị họ và bạn gái của nó ở đây còn
cả đống - mà con gái ăn hàng thì phải biết.
Món bún Chà Cá bà Hờn ở hẻm 113 đường Nguyễn Chí Thanh, một tô chỉ có $25 ngàn
(1 đô la 5 xu) ăn ngon và no đến lè lưỡi. Tưởng nhỏ Lynh nói chơi, quất một tô
rồi mới biết bụng no căng muốn lòi kèn ! Đà Nẵng còn nhiều món ngon, nhiều điều
dễ thương lắm, nhưng sẽ kể sau.
SVT
09/03/2015
Comments
Post a Comment