ĐÀN BÒ VÀO THÀNH PHỐ











Trong lúc theo chân người bạn sang bên kia cầu Thủ Thiêm, chụp vài cảnh thành phố Saigòn đang dần chìm vào màn đêm, tôi tình cờ gặp một đàn trâu ai thả đang lang thang kiếm cỏ gặm bên bờ đường. Nhìn chúng và cảnh vật xung quanh, tôi chạnh nghĩ tới những mảnh đời lưu lạc từ khắp thôn quê hẻo lánh đã và đang đổ dồn về thành phố để kiếm chút  cơm chút cháo. Không khác chi mấy những con trâu trong hình đang tìm kiếm chút rau cỏ lẫn lộn trong đống rác gạch vụn, phế thải từ những công trường, và thôn quê đang chuyển mình thành đô thị hóa - biến cánh đồng xanh tươi khi xưa nay trở thành những con đường trải sỏi, trải nhựa - khiến những con trâu này dần dà sẽ chẳng còn chi để sống. Trong những ngày Tết sắp đến, có hơn một phần tư dân số  sẽ rời bỏ Sàigòn về với gia đình, với miền quê để đón xuân; tôi so sánh họ như những đàn bò, đàn trâu không phải để phỉ báng, chê bai, nhưng chỉ muốn nói về hai cái số phận như đang đi song song với nhau mà hình ảnh bên kia là đô thị với những cao ốc, tòa nhà cao chọc trời, còn phía bên này thì hoang tàn, đổ nát đại diện cho cảnh nghèo đói, cho những thân phận rác rưởi, lưu vong xa quê nhà. Một cô bé tuổi chừng mới hơn 21 tên Vân, kể rằng quê cô ở mãi tận Bình ĐỊnh, vào Sàigon để học Đại Học rồi ra trường có việc nên ở lại để đi làm kiếm tiền. Vân bảo thỉnh thoảng nhớ nhà chỉ muốn về, nhưng bảo ở luôn thì  cô lại nói không, vì cô thích cái nhộn nhịp , dễ kiếm sống của Sàgòn hơn. 



Câu chuyện đẩy đưa làm tôi liên tưởng đến một người bạn, nay đã về hưu - anh đang chờ giấy tờ để được sang Mỹ, và càng sớm càng tốt, vì anh không thể ở lâu thêm giây phút nào trên cái xứ sở này. Trong khi đó, tôi và một số những Việt kiều khác - và không kể bao nhiêu dân Châu Âu hiện đang tìm về đầu tư đất đai, nhà cửa ở Đà Lạt, Đà Nẵng và Nha Trang, vì họ muốn   ở bên này - rời khỏi nơi chốn mà họ cảm thấy sẽ không còn yên ổn trong những tháng năm sắp tới. Đúng là ở bất cứ thời buổi nào, câu     " cỏ bên kia đồi xanh non hơn" cũng đều có thể áp dụng được. Đàn bò ở thôn quê thì muốn lên phố, đàn bò trên phố thì lại muốn tìm về quê, mà thật ra cái nào cũng đúng cả, tùy thuộc vào cái gọi là biết thời, biết thế có vậy thôi.


Về Việt Nam tôi chỉ có hai cái thú duy nhất; một là làm những chuyện bao đồng, chuyện tào lao - chia sẻ những buồn vui, nhọc nhằn của đời người trên con đường xuyên Việt; và cái thú thứ hai đó là chụp hình, ghi nhận lại những đổi thay, cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Hai năm trước anh bạn này cũng đã từng đưa tôi đến đây chụp những cảnh hoàng hôn trên bến Bạch Đằng, nhưng anh kể - trong một chuyến về quê ăn giỗ - tuy nhà cửa đã khóa trong khóa ngoài rất kiên cố, thế mà cũng bị trộm vào nhà dọn sạch sẽ - trong đó đau lòng nhất là cả bộ máy vi tính chứa tất cả bộ ảnh mà anh đã chụp và lưu giữ  cả bao nhiêu năm trời. Mất máy thì còn thay thế được, chứ mất đi bao nhiêu hình ảnh quý giá thì quả là đau như... thiến ! Bởi thế, khi rủ anh trở lại chốn cũ năm xưa, anh bạn tôi liền hứng thú nhận lời ngay. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà anh bạn tôi chỉ mong sao thoát khỏi cái quê hương xứ sở của mình càng sớm càng tốt, nhưng tôi lại nghĩ - khi cái số phải bị mất tiền, mất của hay mất mạng thì ở đâu cũng thế thôi, khó mà tránh khỏi. Cái gì đã qua, tốt nhất ta hãy để cho nó qua, chỉ lưu lại trong ta những kỷ niệm đẹp - biến nó  trở thành những niềm vui xoa dịu, an ủi tâm hồn; còn bao nhiêu  mất mát, lỗi lầm chỉ nên giữ lại thành những bài học để tránh cho mai sau. Đã mất tiền, mất của rồi mà lại còn chuốc thêm đau khổ, để mất trí nữa thì quả là... lỗ to !






Ước gì  ta trẻ vài chục tuổi
để chụp cho em ảnh để đời
nói để cho vui dăm ba buổi
một lần cũng đủ thấy tả tơi....



Trong lúc tôi và người bạn chụp phong cảnh của thành phố Sàgon vào lúc buổi chiều tàn,  tình cờ thấy một cặp tình nhân cũng đưa nhau ra đây để chụp ảnh. Nhìn họ, tôi bỗng dưng cảm thấy mình như người "tiền sử"- hóa ra cái thời thơ mộng, lãng mạn yêu đương của mình thoáng đó mà đã lùi lại hơn bốn thập niên qua.  Tôi nghe vài chuyện mấy ông già thích về Việt-Nam lấy vợ thật trẻ, tuổi chỉ đáng con, cháu mà kết quả thì thường là dở khóc, dở cười - nhưng giống như biết bao nhiêu người mua vé số, ai  cũng hy vọng cái tình yêu chân thật cuối cùng sẽ đến với họ. Tưởng tượng đến hình ảnh cái đám cưới chú rể là Việt kiều, mọi người sẽ chúc tụng cho cặp tân hôn câu sẽ sống hạnh phúc đến khi "răng long, tóc bạc" thường dùng. Rõ khỉ ! chú rể thì tóc đã bạc nay nhuộm đen bóng hơn bọn trẻ; răng thì đã rụng, mang toàn răng giả từ khuya. Thảo nào hạnh phúc chỉ còn 7 lần 3 là 21 ngày; mà 21 ngày được ôm ấp một nàng trẻ hơn mình cả ba, bốn chục tuổi cũng đã là "phước 70 đời" rồi, tuy cái giá phải trả có khi phải hơi đắt. Thôi, cứ theo câu ca dao "Ta về ta tắm ao ta, ao nhà dù đục nhưng mà vẫn... free" là yên thân, yên chuyện.

Tôi không biết đàn trâu trong hình có bao giờ biết hay nghĩ tới bên kia sông sẽ chắc có cánh đồng cỏ non và ngon hơn không, nhưng con người vì nhờ có trí khôn...dở hơi nên thường hay tưởng tựợng và cho rằng chắc hẳn phải như thế, chừng hiểu ra tuy dù cho rằng cỏ bên kia có ngon hơn thật, nhưng cái giá phải trả - như con trâu nào dám lội qua con sông này có thể dễ bị mất mạng như chơi vì con sóng, hoặc vì những chiếc thuyền,  con tầu chạy tạt ngang; và khi sang được bên kia bờ có khi lại vỡ mộng vì toàn là cỏ giả, cỏ được xịt thuốc cho xanh rờn, cho đẹp mắt chứ không phải để gặm ăn - hay những người đẹp chân dài chỉ dùng để làm cảnh, trưng bầy chơi cho đẹp. Nghĩ đến chuyện người bạn đang tưởng tượng rằng - đối với anh, Việt Nam là một địa ngục - thì một kẻ như tôi, đang ở xứ thiên đàng hạ giới mà cứ thích đâm đầu muốn trở lại quê hương vào lúc tuổi già; trên cái phương diện này, con người quả chẳng khác chi là một đàn bò, đàn trâu trong cõi đời ô trọc. Thế mà trong kinh thánh có kể là nhiều thiên thần lại thích xuống thế gian để làm người, rồi lại lấy chồng, lấy vợ, đẻ con nữa chứ !  Thật là quái chiêu !

Bọn mình một lũ người khùng hết
thôi tớ chiêm bao hết đời này...



SVT
11/2014

Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An