MỤC TÀO LAO - MISC

Rốt cuộc, sau bao nhiêu thế kỷ suy nghĩ đắn đo 😜, tôi đành phải mở thêm một "chương mục"
gọi là "Tào Lao" thiên địa, để quẳng hết những tư tưởng hay những gì mình viết không (hay
chưa ) được nghiêm túc cho lắm vào đây. Ai đã đọc xong những lời cảnh báo này mà vẫn
muốn vào đọc thì...ráng chịu, chớ có càm ràm gì xất ! (người miền Nam thì dùng chữ "gì hén?"
nghe coi bộ dzui và đỡ xấc xược hơn).











Nghề Sửa Tủ Lạnh, Máy Lạnh


Trong chuyến đi vừa rồi, tôi đã dự định chắc mình cần phải học thêm một thứ gì, biết thêm một năng khiếu thực dụng nào đó, chứ chẳng lẽ tháng ngày chỉ lêu bêu, rong chơi mãi cũng chán. Tính ghi danh học lớp tự bảo trì và sửa xe gắn máy, vì nhỡ đi dọc đường xe có bị hư thì ít ra mình cũng còn biết đường để tự xoay sở nếu không còn cách nào khác. Nhưng vì thời biểu của khóa học lại không thuận tiện, thấy lớp dậy sửa tủ lạnh, máy lạnh - mà học phí lại rẻ, chỉ $900,000 cho khóa học một tháng, và nhân tiện vì phải nấn ná ở lại Sàigòn trong cùng khoảng thời gian,  cho nên tôi vội ghi danh; bụng dạ chỉ mong biết được chút đỉnh để sau này nhỡ có kêu thợ đến sửa, mình cũng biết là họ có vẽ rồng, vẽ rắn để kiếm chác thêm hay không. Chứ một khứa lão tuổi trên 60 như tôi thì hơi sức đâu mà khiêng vác cái tủ lạnh - cho dù là cái nhỏ nhất - hay leo trèo lên nóc nhà, cao ốc để sửa máy lạnh cho mình hay cho thiên hạ. Đại khái là biết thêm chút nào hay chút nấy, "có còn hơn không, có còn hơn không" là bản nhạc cũ tôi tự hát trong lòng một buổi sáng trên con đường lái xe từ Phú Nhuận đến trường Trung Cấp Nghề Kỹ Thuật Công Nghệ Hùng Vương, ở tận mãi  con đường Nguyễn Chí Thanh khu quận 5. Đấy là một trường dậy nghề chuyên nghiệp do nhà nước và Quân Đội bảo trợ, để giúp đỡ các học sinh bậc Trung Học mà không được tuyển chọn vào Đại Học, hay những quân nhân trẻ được giải ngũ, và cho những ai muốn học nghề để kiếm sống. Chắc có lẽ vì thế mà học phí cũng khá thấp, giúp cho nhiều người dân có thể kham nổi học phí để tự học nghề.


Ngày đầu tiên cầm cuốn sổ tay vào lớp, khi ông thầy gọi điểm danh và hỏi lý lịch từng học viên, đến lúc gọi đến tên cúng cơm của mình, tôi rất lấy ư là hổ hỡi, lên giọng thật lớn và lòng đầy hào hứng "Có mặt!". Chừng khi ông hỏi đến tuổi tác. Tôi cho biết tuổi thật của mình, đúng y chang như trên giấy Hộ Chiếu. Ông thầy vừa nghe xong liền ngưng bút viết, buông một câu:

- Anh Đ. tuổi bằng với ông anh cả của tôi, mà trông anh tôi tưởng chừng trên bốn muơi.
   Vậy chứ anh đăng ký đi học nghề này làm gì, anh đã về hưu chưa?

- Thưa thầy, tôi còn hơn một năm nữa mới được ăn hưu trí, ở nhà bị vợ sai vặt hoài
  nên kiếm cớ trốn ra khỏi nhà có vậy thôi !

Cả lớp cười ầm lên, toàn là bọn con trai chừng 9, 10 đứa - khoảng từ 20 tuổi trở lên, trong đó đứa trông có vẻ cũng khá già dặn. Một thằng ngồi phía sau lưng nói:

- Vậy là anh T. phải nhường chức "đại ca" cho anh Đ. rồi !

Người mà tôi đoán lớn tuổi nhất có lẽ là hắn, mặt vẫn tỉnh tuồng, bảo:
- Thì Nhị Ca cũng đâu có gì là tệ, miễn là tụi bay chịu khó nghe lời cũng ổn cả.

- Thôi, để tôi giữ chức "lão ca", còn anh thì cứ vẫn là đại ca cho dễ gọi.
 Tôi cười cười, đánh một câu để tránh né đi sự hiểu lầm chuyện "chức vụ" lãnh đạo.

Trong lớp này, có một nhóc tì mặt mày cũng gọi là khá bảnh tỏng, sáng sủa nhất trong đám, nghe nó nói giọng Bắc nên tôi đoán chắc hẳn là con, cháu của đám "Bắc kỳ 75". Nó ngồi bàn ngay phía trước mặt, quay người lại phán cho một câu:

- Ông nội của em chắc cũng chỉ hơn anh 1, 2 tuổi là cùng, vậy mà anh trông có
  vẻ còn phong độ hơn nhiều...

“Tổ cha mày! " Tôi rủa thầm trong bụng.
 Buổi điểm danh sáng hôm đó xẩy ra nhanh chóng, nhưng phần hỏi thăm về lý lịch của tôi thì kéo dài thêm vài phút, vì mọi người chưa từng thấy một "lão già" còn dám phóng xe gắn máy giữa đường phố Sàgòn, và còn chịu khó học cái nghề mà ai cũng nghĩ không chừng đầu óc tôi chắc có "vấn đề", nên ai cũng tò mò hỏi dăm ba câu trước khi ông thầy phải hắng giọng, lên  tiếng tuyên bố mở màn khóa học sửa điện lạnh, khóa cuối cùng của năm 2016.




(từ trái) ông thầy, đại ca T. và 2 tên học nghề



Việc đầu tiên trước khi khai giảng, ông thầy bảo mọi người sang lớp học ở cuối dẫy hành lang, khiêng về mấy bộ phận của máy lạnh, tủ lạnh đã được ông tháo gở, chuẩn bị trước -  đem về lớp để giải thích cho khóa sinh nhận biết từng phần của dàn máy lạnh mà chỉ có 3 bộ phận chính: máy nén, quạt và phần làm đông lạnh. Người "đại ca" tên T. vội lên tiếng trước khi tôi kịp đứng dậy:

- Anh khỏi cần đi đâu hết, mình là đại ca thì đó là nhiệm vụ của tụi nhỏ.

Quả thật, mấy tên học viên khác cũng vui vẻ, lục tục kéo nhau đi và chia nhau khiêng về những thứ mà ông thầy đã dặn. Nói chuyện với đại ca T. tôi mới biết là khóa học thực sự đã bắt đầu từ tuần trước, nhưng vì chưa đủ số người cho nên ông thầy mới nấn ná chờ có thêm tôi ghi danh, cho nên hôm nay mới thực thụ giảng dậy. Tuần trước, mấy đứa học viên kể chuyện vì lý do nào mà họ chọn nghề này, có người còn đang làm thợ phụ, ngay cả thợ chính – nhưng muốn biết và hiểu rõ hơn về mặt lý thuyết cho tường tận. Đại ca T. thì hiện đang làm chủ một hãng sửa tủ lạnh, máy lạnh; muốn đi học để được cấp một cái bằng, chứng chỉ của nhà nước, để sau này nếu được xuất ngoại cũng dễ tính chuyện mở hãng làm ăn. Đó là cái lý do mà tại sao họ đều quen biết nhau chút đỉnh trước khi sự có mặt của tôi.




Họa đồ của những bộ phận điện lạnh

 
 Những buổi học kế tiếp cũng vui nhộn, không kém phần hào hứng. Có điều là buổi sáng sớm, ngay sau ngày đầu tiên, trong lúc chờ những học viên khác đến cho đông đủ, ông thầy nhắc lại sự ngạc nhiên của mình ngày hôm trước - khi biết tuổi thật của tôi đã trên 60.

- Nhìn anh khó mà đoán được tuổi thật, tôi cứ tưởng anh vừa trên 50 là cùng !

Trời đất! mới sau chỉ một đêm mà tôi bị mất xuống đi 10 tuổi, hôm qua đây "tưởng chừng trên bốn muơi " mà hôm nay đã trở thành "vừa trên 50". Tôi không ngờ mình lại già đi một cách nhanh chóng đến như thế ! Chưa hết, thằng nhóc Bắc kỳ sau này cũng tại sao bỗng dưng lại nổi hứng, bắt đầu gọi tôi bằng "ông ngoại"; nhưng nói chung, đứa nào cũng lễ phép và luôn tỏ vẻ "kính lão đắc thọ", cho nên tôi và đại ca T. đều chẳng phải làm việc gì nặng nhọc; ngoài ra - đúng là tuổi trẻ học đâu nhớ đấy, chả bù như cái tuổi già xế bóng - học trước quên sau - trong lúc thực tập thỉnh thoảng cũng nhắc nhở tôi điều thiếu xót, nhưng cũng may là không bị "sự cố" như một đứa gắn lộn giây điện, khiến mạch điện bị cháy nám. Một bài học, kinh nghiệm quý báu cho mọi người rút tỉa. Cứ mỗi một tiếng rưỡi học và thực tập, ông thầy cho mọi người nghỉ giải lao mười, mười lăm phút. Tôi ghé xuống căng-tin mua cho thầy - trẻ hơn tôi những 17 tuổi - một chai nước hay lon CocaCola để thầy thêm hăng hái, có giọng để thuyết trình. Một cử chỉ mà tôi muốn làm để muốn đề cao lòng kính sư, trọng thầy mà xã hội bây giờ đang bị thiếu xót, chứ chẳng phải sợ họ giấu nghề , hay cho dù có như thế, cũng sẽ khiến họ đổi ý, tự trọng nghề nghiệp của họ hơn.


trong giờ thực tập

***

Trong lúc thực tập, trò chuyện, một học viên kể lại là có người leo nóc nhà để sửa máy lạnh, bị té gẫy xương cho nên bị bại liệt một chân, nhưng chẳng được bồi thường hay giúp đỡ gì cả, ngoài  ít tiền do người chủ cho gọi là để bồi dưỡng. Bây giờ người đó chỉ còn cách đi bán vé số, phụ giúp vào cho gia đình. Đây là một điểm thiếu xót lớn của nhiều nước chậm tiến, khi chính phủ không biết thiết lập một màng lưới cuối cùng để bảo vệ cho những người đi làm lao động chân tay bị tai nạn như thế. Lẽ ra, nếu  bắt người chủ lẫn người đi làm, chỉ cần đóng 1% số tiền lương - mà cả chủ lẫn nhân công đều phải đóng góp như nhau  - vào quỹ bảo hiểm, để ít ra khi bị tai nạn không còn làm được công việc hiện tại, ít ra nạn nhân cũng sẽ có đuợc một số vốn khác để làm lại cuộc đời, gia đình không bị xáo trộn, sa cơ  một cách trầm trọng.





Hệ thống & cơ cấu của máy nén

 
Một trong những khả năng mà tôi muốn học hỏi, biết cách làm đó là chuyện sử dụng mỏ hàn một cách chuyên nghiệp; mà chỉ cần tường tận, thành thạo về cái năng khiếu này cũng đủ giá trị cho cả khóa học, vì nhiều gió quá cũng dễ bị tắt, bị nổ, mà ít quá và oxy lại lớn thì công dụng của nó lại trở thành cắt kim loại chứ chẳng còn gọi là hàn, v.v... Tôi phải mất gần nửa tiếng mới canh được cả sức gió lẫn mức Oxy đến mức thật chuẩn cho việc hàn lại bình nén đã bị hở, trong lúc tụi trẻ - như thằng nhóc con Bắc kỳ - chỉ cần sau vài phút là nó đã làm y chang như thầy dậy. Chuyện ! nó đã từng đi theo làm thợ phụ , thực hành cả mấy tháng làm sao tôi có thể so bì được. Có điều là trong lúc thấy tôi loay hoay canh, đo mức gió, oxy cho chuẩn thì cu cậu đứng kế bên cứ trêu chọc:

- Ông ngoại tại vì bồng bế cháu, hay lo bế mấy cô chân dài, sao mà mấy ngón tay
   của Ô.  ngoại
cứng ngắc vậy ta ?

Tôi làm bộ trợn mắt, lòng rủa thầm "tổ cha mày!", nhưng cũng thừa biết câu "tre già măng mọc", mình thua nó thì đã có sao đâu. Thằng nhỏ lần đầu thấy món đồ nghề đa năng, đa dụng (multi-tools) mà tôi luôn đeo theo ở thắt lưng, dùng để vừa cắt giây điện, tuộc-nơ-vít để mở ốc, kìm để kẹp...hắn thích mượn để táy máy, nghịch ngợm. Lúc đó, tôi ước gì mang theo thêm vài cái cho mỗi đứa, để có món đồ nghề tiện dụng trong lúc đi làm sau này. Riêng trong lúc trò chuyện với ông thầy, tình cờ lúc nói về chuyện nợ nần, khi nghe ông ta bảo rằng đang còn nợ nhà băng 4 cây vàng, tôi khuyên là với tiền lời bây giờ rất thấp - chỉ 7%, 8% - trong lúc giá vàng lại hạ (chừng $35 triệu một lượng), tại sao không mượn tiền mua vàng để trả, nhỡ khi giá vàng tăng nhanh thì không thể nào trả nổi. Mấy hôm sau ông thầy rối rít cám ơn, bảo rằng nhờ tôi đưa ý kiến, ông mượn hơn $100 triệu, mua được 3 cây vàng, trả nợ 2 cây và giữ phòng hờ lượng vàng còn lại. Khi gần cuối khóa học, nay thấy giá vàng càng lúc càng tăng, cho nên vẻ mặt ông tươi tỉnh hơn, không giống như bị "táo bón" trong những ngày đầu khóa.


Hồi tháng 03 vừa rồi, nhà nước ra luật mới - cấm ngân hàng cho vay tiền để mua vàng. Lý do rẩt dễ hiểu. Ông thầy này coi bộ vậy mà hên.

Không được vay ngân hàng để mua vàng miếng (03/2017):

http://luatvietnam.vn/default.aspx?tabid=684&q=39%2f2016%2fTT-NHNN&st=&i=identity&p=1&size=10&by=doc_publicdate&order=desc

 



Nhóc tì Bắc kỳ với món đồ nghề của tôi


Trông dễ nhưng không dễ à nha! cắm lộn giây điện là...nổ!


Khóa học hơn 1 tháng thấm thoát vậy mà cũng qua nhanh, hay tại vì khi tuổi mình đang ở lúc cuối thu, lập đông cho nên tôi cảm tưởng như là bóng câu qua cửa sổ ?  Khi ông thầy bảo thứ hai tuần tới sẽ bắt đầu cho khóa kế tiếp - mà phải qua tất cả là 3 khóa mới được cấp chứng chỉ tốt nghiệp, có đứa thì rất vui vì  thấy mình đã đi hết 1/3 đoạn đường, đứa thì lo âu vì phải kiếm  thêm tiền để đóng học phí. Riêng đại ca T. lẫn cả ông thầy hơi luyến tiếc khi nghe tôi cười cười, bảo mình "bụng đã căng đầy một bồ chữ ",  mà sự thật thì tôi phải lên Đà Lạt hơn 1 tháng để lo công chuyện sửa sang cái căn hộ trên đó, rồi đưa mẹ tôi về Mỹ Tho chơi mấy tuần, sau đó lại phải trở xuống đón về Sàigòn trước khi  đưa mẹ tôi về lại Mỹ. Năm ngoái, em tôi cũng ghi danh học được một khóa sửa máy điện thoại di động, nó bảo để kiếm tiền cắc lai rai trong những lúc nhàn rỗi, mà chẳng biết nó đã kiếm được xu teng nào hay  chăng, mà ngày đưa mẹ tôi từ Mỹ Tho về, chẳng ngờ - đó lại là lần cuối cùng tôi được nhìn mặt em tôi.

Riêng tôi, chuyện ghi danh học nghề  trong chuyến đi vừa rồi, không những tôi đã thu thập thêm một năng khiếu, nhưng quan trọng hơn là tạo thêm và nuôi dưỡng những giao lưu, tình thân đã được hình thành từ những chuyến đi trước. Tôi vẫn thường hay tưởng tượng (và biện hộ) cho chính mình rằng thay vì mỗi năm làm một chuyến về Việt-Nam, tôi đi những nơi nào là Ba Lê, Luân Đôn, Thụy Sĩ, Ý, Đức,  Hongkong, Singapore...nghĩa là khắp thế giới, nhưng  cuối cùng tôi sẽ có những gì ? ngoại trừ tất cả cũng chỉ là những cảnh đẹp, kỷ niệm ăn chơi, tiêu tiền và  mua sắm mà chẳng có chút tình thân nào để lại trong ký ức.


Hồi còn trai trẻ, đọc thân - tôi thích được đi khắp nơi trên thế giới. Sau này, tôi biết mình đã có quá nhiều may mắn mà nhiều khi chẳng cần phải làm gì nặng nhọc hay vất vả; nghe nhiều người từng đi chơi khắp Âu Châu kể lại sự thật về cái kém "văn minh"  - là muốn tìm một chỗ đi vệ sinh cũng không dễ, nhất là cho phụ nữ và những người lớn tuổi; nào là chuyện hay  "đạp mìn" của chó để lại rải rác nơi kinh đô hoa lệ Paris, trộm cắp, móc túi ở Ý và bây giờ ngày càng xẩy ra vụ khủng bố trong vòng 10 năm trở lại. Nhiều người hay tiếc rẻ cho vợ tôi, có một ông chồng hình như gàn bướng nhất thế giới, chẳng thích đi đâu ngoài về Việt-Nam. Nếu tôi thuộc loại "già dê" như những người đàn ông khác thì đương nhiên sẽ bị gom chung vào một nhóm đàn ông ham về vì lắm gái đẹp. Họ đâu biết là ngay ở nước Mỹ này, tôi cũng đã được vài cô, vài bà tán tỉnh mình ngay trước mặt vợ. Tôi chỉ cười trừ đánh trống lảng, đợi gì phải tốn vé bay về Việt Nam để tìm kiếm. Đối với tôi, chỉ "một lần là trăm năm" cũng đã là quá đủ. Tội vạ gì phải đi tìm và tự đeo thêm gông vào cổ, trong khi bao nhiêu kẻ khác chỉ cần một câu chào hỏi, cho họ một nụ cười, một chén cơm hay ổ bánh mì...để thấy cuộc đời cũng không đến nỗi nào cạn kiệt, chỉ còn những cái xác sống không hồn, chạy theo vật chất. Nói đến chuyện vật chất, em tôi những tưởng rằng để dành được một số tiền khá lớn, đem về Việt-Nam để sống một cuộc đời nghỉ hưu, nhàn hạ. Hôm kia là ngày thứ 49th của nó, tôi không biết rằng em tôi có còn luyến tiếc gì những gì chưa được hưởng, chẳng được nếm mùi ?

Tôi chỉ mong sao là đến giây phút, hơi thở cuối cùng của mình, tôi sẽ chẳng còn gì để luyến tiếc - mà có lẽ chỉ còn là ân hận cho những gì mình đã  sai lầm, hoặc chưa làm được ? Đời người, theo thiển ý của tôi, chẳng qua cũng chỉ là những "khóa học"  của nhiều kiếp người, mà như những lần phải ở lại lớp như tôi khi xưa, thì những lầm lỗi, thiếu xót đó sẽ càng giảm đi, để rồi đến một lúc nào đó, con người chẳng còn gì để muốn học hỏi - mà chỉ muốn trở về ở cạnh với thuợng đế, với thiên chúa như câu nói của Chúa Jesus đã từng nói "Cái gì của Caesar trả lại cho Caesar, cái gì của Chúa trả lại cho Chúa", ("Render unto Caesar the things that are Caesar's, and unto God the things that are God's" - Mathew 22:21 ) -  có thể mang ý nghĩa là thân xác từ cát bụi sẽ trở về với cát bụi, còn linh hồn là của thiên chúa sẽ trở về với thiên chúa. Miễn là đừng để "mắc nợ" quá nhiều với một  hay nhiều người - chỉ sợ Chúa sẽ cười ruồi, khuyên thôi ráng chịu khó xuống trần gian để hết trả nợ cho ngưòi ta (chắc có lẽ vì đó nên mới có câu "duyên nợ" ?) - mà đã là giống người thì chuyện "Hỉ, Nộ, Ái, Ố"  - bố ai mà né tránh được cho hết ? Thôi chịu, thế là đành phải Bí !

SVT

Hôm qua đem xe đi thay nhớt, thay dầu thắng, bộ lọc gió, lọc xăng, v.v...để chuẩn bị cho một chuyến xuôi nam về miền nắng ấm CALIF., thăm ông bà cụ, trước khi mình về Việt-Nam. Công việc cần sửa tốn hơn 4 tiếng  đồng hồ cho nên quẳng chiếc xe ở đó, bảo khi nào xong gọi về nhà sẽ trở lại lấy; vừa đi vừa bấm bụng coi bộ kỳ này có lẽ cũng tốn bộn tiền chứ không ít !

Dec. 31, 2016






HÊN Không Bằng XUI  !!!!





                                       2009 HONDA Element &; Cargo on top



 Chiếc này là chiếc xe thứ hai được mua còn mới toanh sau hơn 40 năm ở xứ thiên đường hạ giới này. Chiếc xe hơi mới đầu tiên là cái Renault - hiệu của Tây - sắm nó vào năm 1984 sau khi ra trường và được việc làm,  tưởng sẽ cố thủ - giữ nó - cho đến khi nào nó già nua, xụm bà chè rồi mới tính chuyện mua chiếc khác.
Ở  Mỹ này, khi mình lái chiếc xe mới toanh ra khỏi đại lý xe (dealer) là trị giá của nó rớt xuống cũng chả kém thê thảm gì như con gái "bỗng dưng"  đã trở thành đàn bà. Vẫn biết là so sánh như thế , thể nào cũng bị phe "bên kia" mắng xối xả, mắng cho hói đầu; nhưng ức thì vẫn ức, vì khi không trị giá cái xe của mình chưa chi trong tích tắc đã bị lỗ vốn, toi đến 25% một cách thật vô duyên, trơ trẽn !

Trở lại chuyện chiếc xe Renault 4 cửa mới tậu, đủ rộng cho một gia đình hai vợ chồng với hai thằng con. Vài tháng sau, đùng một cái "khi không" vợ tuyên bố khơi khơi là nàng có bầu ! khám bác sĩ thì lại bị giáng cho một tin rụng rời nữa là sẽ sinh đôi ! Thế là chưa kịp hưởng thụ, hít vào lồng ngực cái mùi xe mới được bao lâu, tôi phải bán gấp chiếc  Renault  và rước về cái xe to cỡ như xe đò "con voi" thường đưa đón khách từ Đà Lạt xuống trại Hầm ngày nào: đó là một chiếc xe Vanagon của hãng VW tuổi đời đã gần chục năm - tính theo như loài người thì nó thuộc vào tuổi xồn xồn không hơn, không kém !


Mãi cho đến  hơn 20 năm sau, nhờ ơn và công đức của ngài TT Obama, qua chương trình "Cash For Clunker" - một kế hoạch nhằm để thúc đẩy nền kinh tế - giúp cho mấy hãng xe đang ngoắc ngoải – nên thay vì may ra bán lại chiếc xe Toyota SUV 1990 cũ mèm - uống và tốn xăng nhanh hơn tiền uống bia - mà bán khá lắm được trên dưới cỡ ngàn bạc; nhờ chương trình trợ giúp kinh tế trên, chiếc SUV này được đánh giá $4,100 khi đổi lấy xe mới. Trời  ! đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh,  và tiền chùa cho thì dại gì mà không đổi ?



lễ bàn giao trách nhiệm cho chiếc Toyota 1990 SUV 4Runner


Đổi được chiếc HONDA Element 2009  - được thiết kế cho những kẻ khoái bụi đời, có máu giang hồ, hay đi phượt của mình, tôi  sắm thêm cái thùng (cargo) gắn trên mui xe để chở thêm đồ cắm trại, du hí. còn bên trong xe khi ngả hai chiếc ghế phía sau  sẽ biến thành giường ngủ đủ cho 2 người, nghĩa là không có chỗ cho thêm một cung phi, mỹ nữ nào khác.

Đây là nguyên do chính - cái thùng ca gô -  đã đưa đến chuyện "Hên không bằng Xui" này để tôi bà tám, viết chơi giết thì giờ.  Đúng hơn 4 tiếng đồng hồ sau, hãng HONDA gọi về nhà, giọng tên tiếp viên lo chuyện sổ sách có vẻ hơi ngập ngừng, ngại ngùng loan báo:

- Dạ bẩm, mọi dịch vụ cho xe của ngài đã xong, có một điều sơ xuất cũng muốn
   cho ngài biết.  Đó là người thợ vô ý làm trầy cái thùng chở đồ trên nóc xe của
  ngài. Tôi sẽ chờ ngài xuống đây  để ước tính thiệt hại, và hãng HONDA  sẽ sẵn
  lòng bổi thường rất thỏa đáng cho ngài.


- Trẫm đang bận hú hí với các cung-nữ (lúc đó khoảng 11 giờ sáng), xong chuyện
   ta sẽ ghé xuống.  Cứ ở đó chờ ta. Liệu hồn!


Mười phút sau, nhờ thằng con đưa đến hãng bán & sửa xe HONDA. Vừa bước vào trong phòng khách đã thấy tên tiếp viên quen mặt chạy ra xum xoe, niềm nở :

- Đại nhân quả là người mau mắn, ẩn hiện thần thông, xin mời ngài cất bước về
  hướng này, nơi hạ thần  đang để chiếc xe và cho người đứng canh gác.


Hắn dẫn đến chỗ đậu xe và chắp tay đứng nhìn tôi leo lên khảo sát tình hình. Kể ra sự "thiệt hại" chả mấy gì là nặng nề cho lắm, chỉ có hai lằn bị trầy xước vẫn còn dính mầu sơn của trần nhà có lẽ hơi thấp . Quái lạ. Tôi hỏi tên tiếp viên:

- Mới mấy tháng trước đây ta đi thay nhớt đâu có chuyện vớ vẩn này ?

- Dạ bẩm, tên cán sự đáng lẽ de xe vào phía bên phải có trần nhà cao
   hơn, hắn lại de vào khu bên trái  cho nên đâm gây ra sớ sự.


- Thôi, ta lấy lòng đại lượng tha cho các quan quân nhà người, chỉ
   cần thay nhớt miễn phí  cho ta hai lần là đủ. Cho ngươi lui !


Tên tiếp viên này cúi rạp người cám ơn rối rít, vì hắn đã được cấp trên cho phép, mua cái thùng cargo mới để thay nếu tôi đòi hỏi - giá khoảng đâu gần $500, tôi mua trong lúc được bán khuyến mãi, giảm xuống chỉ hơn $340 cộng thêm thuế. Thấy chủ xe dễ dãi không đòi hỏi mấy, chập sau hắn làm giấy tờ giao lại xe và chìa khóa, một lần nữa  cúi rạp mình tung hô:

- Đội ơn Đại nhân khoa dung, chúng thần bằng lòng sẽ thay nhớt
   miễn phí cho ngài 3 lần,   và tiền sửa xe kỳ này cũng coi như
   nơ-pá, mậu tính, free,   miễn phí hoàn toàn....


Hắn nói một hơi tràng giang đại hải - ý như khoe khoang rằng mình biết tiếng Tây tiếng u , đoạn hắn ghi vội vài lời cam kết lên lấy tấm danh thiếp của hắn, xong đưa cho tôi để giữ sau này cần thay nhớt cứ việc chìa ra thay  vì trả tiền. Cầm tấm danh tiếp với vài chữ "Free" gì gì trong đó, tôi luôn nhìn xa mọi thứ, nên tò mò hỏi:

- Nhỡ nhà người ngày mai trúng số Jackpot rồi nổi hứng xin
   nghỉ việc thì ta tính sao đây?


- Dạ bẩm ngài, con đã ghi cẩn thận vào hồ sơ đầy đủ cả, không
  có tấm này cũng không sao ạ.


- Thế còn tên cán sự kia đâu ?

- Dạ bẩm, thưa ngài cần gì hắn ạ ?

- Ta chỉ muốn nhà người đừng có đuổi việc hắn vì chuyện này,
   trái lại - lần sau ta  muốn hắn  làm một cú như vậy nữa; khi
   xe ta cần tune-up, bảo trì máy móc. Nhớ chửa ?


- Dạ bẩm nhớ.

Trên đường lái xe về lại "triều đình"; tôi lèm bèm, nghĩ thầm trong đầu: "Mèn ơi! nắp thùng cago  chỉ bị trầy trụa có chút xíu, chả nhàm nhò gì cả, vậy mà được sửa xe chả tốn xu teng nào cả, đã thế sắp tới còn đưọc những 3 lần thay nhớt...chùa! không phải trả tiền”. Theo triết lý Âm-Dương thì trong cái may luôn ẩn chứa điều không may mắn, hoặc ngược lại. Chuyện xẩy ra hôm nay phải nói là "Hên  không bằng Xui"; vì nhờ gặp cái xui là thùng cago bị trầy cho nên mình mới được hên mọi thứ chẳng phải tốn xu nào; chứ vớ được điều gì hên rồi mình  cứ nơm nớp lo, chẳng biết điều xui xẻo gì sẽ đến - gớm, phải nói là...hổng khá !". Tựa đề bài này chẳng qua chỉ là để lôi cuốn sự tò mò, théc méc của độc giả (chứ "Độc Thiệt" thì đã biết tỏng từ khuya!).




SVT 

06/2016





TẠP GHI MỘT NGÀY Ở  BỆNH VIỆN



Hai năm rồi mới làm cái hẹn với bác sĩ để đi khám tổng quát, xem tình hình "thời tiết và khí tượng" có gì thay đổi trong cơ thể “cành vàng lá ngọc" của mình hay không, ngoài cái bệnh  mỗi ngày mỗi già thì từ ngày chào đời đã biết tỏng ông cụ từ khuya.



Gần 10 năm trước, hai vợ chồng lăng xăng chạy đi kiếm mua căn hộ ở ngay phố, tiện cho đủ thứ, nhất là khỏi cần phải lái xe đi đâu xa; chỉ cần ra đường cuốc bộ bằng xe " lơ ca chân", chút xíu là đến chợ, xa hơn chút xíu nữa là khu sắm sửa - shopping mall, và chỉ cần băng qua đường là thư-viện thành phố to đùng, tha hồ mượn phim về coi - chả cần biết cái Netflix là cái quái gì. Thây kệ, cũ người mới ta, miễn trước sau cũng được xem mà lị! Ngoài ra, còn một điều rất lợi nữa là khu nhà ở gần hai cái Bệnh-Viện to tổ chẳng, mà tôi thường hay ví von rằng nếu sau này hai vợ chồng có phải ngổi trên xe lăn thì chỉ việc buông thắng cho xe lăn xuống dốc, quẹo phải thì vào Group Health Hospital (GHH), còn quẹo trái thì vào OverLake Hospital (OVH) cũng xôm tụ, đầy đủ bác sĩ, y tá cũng chẳng thua kém gì - có khi còn ngon hơn cái GHH. Bằng chứng là cách đây cũng  tám năm, chính bác sĩ của cái OverLake Hospital chôm mất của tôi cái túi mật hồi nào cũng chẳng biết. Tỉnh dậy không thấy mặt thánh St.Paul thì biết rằng mình vẫn còn nặng nợ trần.




 Hai bên là hai cái BV to đùng, nổi tiếng




Sáng sớm sau khi uống cà phê ăn sáng, xem tin tức và viết trả lời vài cái email xong đâu đó, tôi mới thay quần áo tàn tàn đi bộ xuống khu BV, mất đâu chừng 8 phút - kể luôn cả hơn 2 phút chờ 2 cái đèn xanh đèn đỏ mắc dịch. Đó là đi tàn tàn đấy nhá! Chứ đi kiểu hành quân thì chắc chắn là đã đến từ khuya.

Đến nơi thì khung cảnh vẫn như xưa, chẳng gì thay đổi. Thay đổi chăng là phòng đợi của những năm về trước thường đông nghẹt người lớn lẫn cả con nít; nhiều lềnh khênh như đỉa bơi trong rạch ở Cà Mau hơn 50 năm về trước. Bây giờ thì vắng hoe như chùa bà Đanh, cứ xem tấm hình dưới là biết, khỏi cần cãi nhau cho mệt!







Dóc chơi cho vui, chứ 50 năm về trước mình còn nhỏ xíu, chưa bao giờ ra khỏi Sàigòn thì làm quái gì biết Cà Mau ở đâu, mà có thấy cũng cóc biết đỉa là con gì, biết đâu lại vớt lên đem về chơi nữa cũng không chừng. Nghe người lớn nói xưa Cà Mau nhiều đỉa hơn con lăng quăng - mà lăng quăng thì mình dư biết, nó thành muỗi chích ngứa bỏ mẹ!



Thiên hạ bây giờ vì sợ phải trả tiền dịch vụ cho nhà thương nên họ sợ đến nơi này còn hơn là sợ bịnh. Trong lúc ngồi chờ thấy một bà già cỡ khoảng gần hay hơn 70 chút xíu; kể lể là bị té trong phòng tắm - sợ phải tốn tiền nhà thương nên ban đầu đi đứng cà nhắc, giờ thì nhấc chân lên cũng hổng nổi, cho nên cả tháng sau, chịu đời không thấu nên mới lăn lóc vào đây cho BS khám cái chân, cái cẳng. Đang ngồi trò chuyện, một trợ lý y tá ra gọi tên, tưởng mình quá hên sao mà BS đúng hẹn. Ai dè hắn bảo rằng BS sẽ bị trễ 40 phút, xin vui lòng chờ đợi. Tôi nổi máu tửng nói vói theo sau lưng khi hắn vội vã muốn biến vào trong:



- Nè ! nói BS là tui tính mỗi giờ chờ đợi là $20/giờ thôi.
  Giá tối thiểu (minimum wage) đó nha!



Hai bà già ngồi gần cười tỏm tẻm, chẳng hiểu vì câu nói hay tại người nói có máu tửng. Trên đường đi, tôi đã định bụng rằng mỗi tháng mình phải đóng "hụi chết" gần ngàn bạc cho bảo hiểm sức khỏe, bữa nay tới phòng mạch mình sẽ quậy tới bến để xả xúp bắp bấy lâu nay những bực dọc. Bây giờ cái mẹ gì nhà thương cũng tính tiền - chẳng hạn như  chuyện thử máu, hồi xưa (năm ngoái chứ xa xưa mẹ gì!) cái mục này khỏi phải tốn một xu, chỉ cần đóng $25 đồng cho cái gọi là "co-payment" - dịch đúng nghĩa theo chữ miền Nam là "hè nhau cùng trả", mà "hè nhau" cái con khỉ mốc! Một tháng đóng gần ngàn bạc, rồi mỗi lần muốn diện kiến dung nhan của BS mà phải đóng thêm $25 giống y như mình phải cho tiền "boa" không bằng ! có thằng cu cái hĩm nào trả tiền cùng với mình đâu mà "hè nhau" - co-payment với pây miếc !



Hình như hồi nẫy tên trợ lý Y Tá bảo rằng BS của mình là phụ nữ chứ không phải ông BS ngày trước. Điều này khiến mình vừa nửa mừng, nửa lo. Chẳng qua là khi tới màn khám căn bịnh Ung thư Prostate - tục gọi là  Tiền Nhiếp Tuyến gì gì đó - tôi cầu trời khẩn phật và hy vọng là bàn tay phụ nữ sẽ "dịu dàng" hơn lúc dọ thám vào "căn cứ tối mật" của đờn ông.



Hổng hiểu sao mỗi lần đi khám vụ này, tôi lại nhớ đến đoạn phim "Fletch" mà tên tài tử Chevy Chase đóng vai chính. Lúc BS bảo hắn tụt quần xuống và chổng mông, giây phút sau nghe hắn rống lên bài "Moon River" giọng nghe lạc hẳn đi. Mấy năm sau chính mình đi khám chuyện này lần đầu, lúc đó mới hiểu nguyên do và tại sao. Lỡ xui gặp người BS có mối hận tình nào đó với chồng hay bồ cũ; mà lỡ hắn xấu trai cỡ mình mới là bỏ mẹ. Tha hồ cho BS trả mối hận tư thù với đàn ông. Nội chỉ cần suy nghĩ miên man mà đã thấy teo....mọi thứ tuyến cha nó mất! Thôi đành bám theo câu "phước chủ may thầy",  tới đâu hay tới đó.







Hơn 40 phút sau tên của mình mới được gọi cho phép vào gặp BS, nhưng trước khi được gặp dung nhan mùa hạ của bà BS, tên trợ lý này bắt mình phải làm qua vài thủ tục linh tinh cơ bản. Thứ nhất, bắt cởi giầy - nhưng vẫn để nguyên vớ (chắc sợ cởi ra sẽ bốc mùi) , rồi bảo dựa thẳng lưng vào tường cho hắn đo chiều cao.



- 5 feet 7.2 inch - so với hai năm trước ông vẫn chưa teo lại chút nào. Ông làm cách
  nào mà hay vậy?  Chứ ai ở tuổi này ít nhiều cũng bị rút, teo lại chút xíu.

Tên trợ lý gật gù giảng nghĩa.



- Teo người tao không ngán, teo chỗ khác mới ngán !



- Ông nói teo cái gì tôi không hiểu? Tên trợ lý ngẩn người ra.

- Thôi! cóc hiểu thế mà tốt, mày còn trẻ mà. Còn lâu lắm mới
   phải lo đến chuyện này. Bỏ qua đi tám!



Kế tiếp là mục đo áp xuất, nhịp tim.

- 130 trên 82. Bình thường nhưng vẫn quá gút (good) cho cái tuổi của ông. Nhịp tim đập hơi cao một chút, ông có uống cà phê sáng nay không?



- Có, uống cả ly cối  lận !

Tôi hơi phóng đại một chút, có chết thằng tây nào đâu mà sợ.



- Thảo nào, nhưng không sao; không uống cà phê mà hơi cao thì nên cẩn trọng. Rồi, mời ông lên bàn cân dùm...

-...

-  Nặng 145 lbs, kỳ này ông sụt đi 3 lbs thấp hơn kỳ trước. Vậy là tốt.



- Chắc hẳn là thế, vì mới hôm trước tao cân 150, chắc sáng nay đi bộ và lo quá nên teo mẹ nó cả người. Tao tưởng phải tụt hơn 10 lbs mới đúng!



- Thật không? mà ông lo sợ điều gì !



Tên này quả là thành thật vô tội vạ. Lỡ trớn, tôi chơi tiếp luôn:

- Thì sợ nhà thương tính sổ, vẽ cái này cái nọ để moi thêm tiền bịnh nhân...



- Heh!heh!heh! ông không phải là người duy nhất nói câu này đâu nhé !



- Ủa, nói dỡn chơi mà thành thiệt hả?



- Thì ông thấy hai, ba khu ngồi đợi bây giờ vắng như ma đấy thôi !

   Bây giờ mời ông chịu khó ngồi chờ chút nghe, BS sẽ đến ngay.
Bà BS đến 5 phút sau, đứng ở ngoài  lịch sự gõ cửa:

- May I come in ? Tôi có thể vào được không?

- Bà có trát tòa (warrant) trong tay không mà hỏi? thôi vào đi...



Bà BS - người gốc Pakistan - chắc đã được tên trợ lý Y Tá cảnh cáo trước, bước vào cười khoe hàm răng trắng và đưa tay cho tôi bắt.



- Tôi là BS Falim, rất vui được khám sức khỏe cho ông hôm nay. Ông có   điều gì thắc mắc cho cái sức khỏe của ông không?



- Thắc mắc thì nhiều lắm, chỉ sợ hỏi thì lại lòi ra những thứ khác...



- Vậy ông có bị những dị ứng (allergy) gì không?



- Có, nhưng vỏn vẹn chỉ 1 thứ thôi !



Bà BS lúi húi đánh máy, tay gõ lên phím mắt nhìn lên màn hình PC, nhưng vẫn chăm chú nghe lời của tên bệnh nhận nặng máu tửng thành khẩn kê khai:



- Tôi rất có dị ứng với hóa đơn (invoices) của Bệnh viện, cứ thấy nó là muốn té xỉu liền tại chỗ.  Ngoài ra chả có dị ứng nào hết ráo!



- Hah!hah!hah! ông này funny thiệt ta ơi, quả như tên trợ lý hồi nẫy nói.



- "Nụ cười là liều thuốc bổ" bà dư biết mà !



- Vậy chứ ông chắc dư biết câu "mỗi ngày ăn một trái táo sẽ khiến Bác Sĩ phải né xa ?"



- Dễ òm ai mà chả biết ! Tui chỉ thắc mắc là không biết mỗi ngày phải ăn trái gì
  để giữ cô Y tá xinh đẹp  luôn bên cạnh đây!



- Ông vui thật, thế ông có dùng thuốc gì hằng ngày không?



- No. Chả uống thuốc gì ráo !



- Quá tốt. Ông làm cách gì mà giữ gìn sức khỏe hay vậy ?



- À, cái này là "ancient Chinese secret" ! Bí mật của ba Tầu, cho bà biết là chết liền! Nhưng thôi, thấy công việc bà thuộc loại lương thiện, tui bật mí cho bà biết: đừng quá tin gì vào thuốc tây, mà nên để ý xem cơ thể đang  muốn nói gì với mình. Chỉ có thế thôi. Dễ ợt quá phải không?



- Lâu lắm tôi mới được nghe những lời này. Người Pakistan chúng tôi cũng thường
 hay bảo nhau như thế.



Rồi bà BS hạ giọng xuống:

- Ông nghĩ xem, hồi xưa cha tôi học ngành BS không tốn kém là bao nhiêu, lại có
  chính phủ  trợ giúp để sản xuất nhiều BS cho dân chúng. Sinh Viên Y Khoa bây
  giờ ai ra  trường đều mang nợ ngập đầu, không nghe theo lời của hãng thuốc Tây
  bắt  mình phải quảng cáo, thử nghiệm thuốc của họ là coi như  khó mà giữ được
  việc, tiền lương đâu mà trả nợ....



- Tôi hiểu những gì bà đang nói. Xã hội bây giờ là vậy, tổ hợp Nhà Thương và
   Dược Phẩm muốn nuôi bệnh như nuôi bò vẳt sữa hơn là  thực sự chữa bệnh.
   Ngoại trừ những người có tiền của và biết chuyện.



- Trở lại chuyện sức khỏe của ông. Ông muốn khám căn bệnh Prostate cho ông
   không thì tôi sẽ đặt thời khóa biểu để khám ?



- Ủa ? chứ không phải là khám thường xuyên như lần trước à?



- Không, bây giờ phải lấy cái hẹn riêng, thử máu để biết độ PSA cao hay thấp...



- Vậy là phải trả thêm tiền cho cái dịch vụ này à?



- Điều đó tôi không biết, ông cứ hỏi phòng giao dịch và kế toán chắc họ sẽ rõ.



- Thôi! mai mốt tôi về Việt-Nam, làm thử nghiệm bao  hết tất cả mà chỉ tốn $100 USD.

 

- Ừ thì tùy ông. Việc khám nghiệm hàng năm của ông đến đây đã xong. Chúc ông may
  mắn và được nhiều sức khỏe, hẹn ông sang năm nha!



Trời ! từ đầu đến cuối không tới 20 phút, mà tên Trợ Lý đã "xử lý" mình mất cha nó hơn 10 phút trước đó rồi. Nhà thương hà tiện đến cái độ họ chẳng muốn tốn một đôi bao găng tay nylông để cho mình có cơ hội rống lên một bài "Moon River" . Thế giới này đúng là ngày càng toàn là lũ chết tiệt....



SVT

2015






Chân Lý của Sơ-Vơ

Vợ ta, ta sợ - chẳng sợ ai
cười chê, diễu cợt - bỏ ngoài tai
chẳng qua âu cũng vì duyên nợ
còn hơn đơn chiếc, đêm thở dài.

SVT

                                                                    (tác giả vô danh)

Có lẽ ở bất cứ xã hội nào - không gian hay thời gian - đều hiện diện  cái hiện tượng "Le Sơ-Vơ" (lâu lâu xổ tiếng Tây nghe cho xôm tụ!), mà nếu cần phải giải thích cho tường tận, thì câu thơ thứ #3 chắc gần đúng ý nghĩa nhất. Nếu chịu khó lùi lại - nghĩ xa hơn chuyện sợ vợ, sợ chồng - thì những người sinh ra trong một quốc gia không có sự tự do, bị đàn áp, đè nén mà dân thường chẳng ai dám mở miệng lên tiếng chống đối thì định mệnh của họ cũng chẳng khác gì chuyện "Le Sơ-Vơ", có điều là ảnh hưởng bao trùm  một cách rộng lớn hơn có thế thôi.


 Nguồn gốc của "Le Sơ-Vơ" có lẽ xuất hiện liền tù tì ngay sau khi Adam lỡ dại, mở miệng xin Chúa (hay ngầm ám chỉ rằng ngài vẫn còn điều thiếu sót) người bạn đồng hành. Đúng như câu "You asked for it!" (nhưng chẳng được chiếc Toyota!) Adam đã được "toại nguyện" để rồi từ đó truyền lại cho con cháu mãi đến ngàn sau.


Theo kinh nghiệm từng trải của chính mình, sự di truyền của "Le Sơ-Vơ" không hẳn do cha truyền con nối, mà có lẽ nó diễn tiến theo đúng như câu "cha ăn mặn, con khát nước". Ông bà nội tôi mất sớm khi bố tôi còn đang ở tuổi thanh thiếu niên cho nên tôi không rõ, nhưng mọi người trong họ hàng và trong nhà đều rõ bố tôi vì thương vợ quá cỡ thợ mộc (hay vì duyên nợ) cho nên trở thành hội viên của "Le Sơ-Vơ" ngay từ lúc lên xe hoa về nhà vợ :)

Đến thế hệ của tôi, vì "cha ăn mặn" cho nên tới phiên vợ tôi "phải khát nước" - nói một cách ngược ngạo, diễu cợt - nhưng cũng nhờ vậy mà cả bốn thằng đều thương mẹ chúng nó rất mực, chẳng có thằng nào - nhất là khi ở tuổi thanh thiếu niên (teenager) - làm điều gì khiến vợ tôi phải điên đầu như nhiều người thuờng trải nghiệm. Đứa con trai cả, chẳng biết vì rút tỉa kinh nghiệm xẩy ra trong gia đình nó lớn khôn, hay là theo di truyền của ông nội để lại, càng ngày tuy không "khoe" thẻ hội-viên "Le Sơ-Vơ", nhưng nó thể hiện cái khuynh hướng này  mỗi ngày một rõ rệt. Nếu tôi nhìn tướng người và cá tánh không lầm, thì thằng con thứ hai của nó có lẽ về sau  lại đi ngược hướng của bố, mà giống ông nội (là tôi) sau này. Cả một vòng tròn định mệnh luẩn quẩn.


 Đó là chuyện tôi lèm bèm về vấn đề "Le Sơ-Vơ", về cái triết lý "cha ăn mặn, con khát nước", nhưng nó không hẳn chỉ xẩy ra trong phạm vi hôn nhân, gia đình mà đồng thời vẫn xẩy ra trên phương diện quốc gia - khi chủ thuyết chính trị - hay đường lối lãnh đạo đất nước phải có sự thay đổi, sau khi người dân không bằng lòng với những gì đã xẩy ra cho họ, cho tuong lai của thế hệ kế tiếp. Đúng hay sai (luôn cả chuyện "Le Sơ-Vơ") không là vấn đề, mà bài học nên rút tỉa đó là mọi chuyện xẩy ra đều có nguồn gốc và nguyên do. Khi con người xây đập, đào sông hay xây những cao ốc chọc trời thì trái đất thỉnh thoảng xẩy ra những cơn địa chấn (động đất) chẳng qua cũng chỉ cân bằng (balance) lại trục địa cầu, để không phải nghiêng lệch về một phía khiến một bên sẽ bị nóng hơn vì luôn hướng về phía mặt trời (hay bên kia lạnh hơn vì thiếu nắng). Thể chế và lãnh đạo quốc gia bị thay đổi cũng chẳng khác gì hơn. Khác chăng là thiên nhiên thay đổi theo đinh luật của tạo hóa, còn con người vốn thuộc loại "phản động" (hiểu theo nghĩa Kinh Thánh), có dịp đều hay dở quẻ (giọng kiểu Bắc kỳ) chẳng chịu yên, rồi cứ thế lại gào lên than trời, trách đất. Rõ, bố khỉ !


 SVT

 NÓI CHƠI HÓA THẬT.



                                           
 




Tối hôm qua hai vợ chồng được người bạn già mời đến dùng cơm. Gọi là bạn già vì hai bác tuổi cũng đã trên 80s, không có con cháu ở gần, nên thỉnh thoảng muốn hai vợ chồng tôi đến chơi để trò chuyện. Vừa đến nơi, bác trai vỗ vai tôi nói liền: "Đọc tuần trước bài viết ‘ĐÀN BÒ VÀO THÀNH PHỐ’ tưởng cậu nói chơi ai dè lại là thật. Vào đây, cậu phải kể tôi nghe thêm những ai cậu đã gặp, đã biết về những biến chuyển thế giới".

Tôi còn bỡ ngỡ, chưa hiểu bác trai nói về điều gì trong bài tạp luận, vì ít khi tôi để tâm, nhớ những gì mình đã viết, vì tội vạ gì phải nhớ, cần thì mở ra đọc lại - dễ ợt.

Sau khi rót cho tôi ly rượu mận, uống cho ấm bụng trước khi bữa cơm tối đang được bác gái và vợ tôi phụ một tay trong bếp, bác trai ngồi xuống sát bên cạnh  - vì mắt bác bây giờ rất kém, không còn lái xe được từ lâu, tai cũng đang lãng dần. Bác bảo:

- Trong bài đó cậu viết là " dân Châu Âu hiện đang tìm về đầu tư đất đai, nhà cửa ở Đà Lạt, Đà Nẵng và Nha Trang, vì họ muốn ở bên này - rời khỏi nơi chốn mà họ cảm thấy sẽ không còn yên ổn trong những tháng năm sắp tới....". Tôi đọc và ngẫm nghĩ không biết chuyện gì mà người ngoại quốc lại lo lắng đến thế, thì ba, bốn hôm sau lại xẩy ra vụ    thảm sát 12 người ở Ba-Lê hôm 8/1/2015 , tôi mới giật mình chẳng ngờ tưởng cậu viết chơi ai dè chuyện lại sớm xẩy ra  như thế !

- Thật ra, chuyện xẩy ra từ lâu rồi bác ! ít nhất là bắt đầu từ năm 2005-2006 - và đó là chỉ riêng cho khối Âu Châu, còn gọi là EU, chứ nói chung  cho cả thế giới thì phải nói bắt nguồn từ năm 2001.

- Thế lúc nói chuyện với họ, cậu có đồng ý về những điều lo sợ của họ không ?

- Dạ có chứ, cháu biết cả trước khi về VN, tình cờ gặp những anh chàng tây ba 
   lô ở SG, du khách Âu Châu ở Đà Lạt, cháu muốn hỏi để thăm dò, kiểm chứng
   những gì mình đã suy đoán.   Vì chỉ nội trong vòng hai ba năm gần đây, nhiều
   chuyện xẩy ra đều theo một chiều hướng, hay đúng hơn là rập theo  một 
  
khuôn mẫu  (pattern) - tất cả chỉ vì muón bảo vệ giá trị của đồng đô la - kể 
  
cả cái biến cố Chín-Một Một.

- Cậu làm máu tò mò của tôi nổi lên. Sao loại rượu mận này ngon không?
   để tôi rót thêm chút  nữa nhá ? cậu phải kể rõ cho tôi những gì cậu đã đọc,
   đã biết mà cậu vì lý do đó mà muốn mua nhà, mua đất ở VN. Càng nghe tôi
   thấy càng hứng thú đấy...

- À, chuyện đó thì cháu sẽ kể cho bác sau, vì cũng có nhiều người ở VN thắc
   mắc là trong khi bao nhiêu người muốn thoát ra khỏi nước thì cháu lại đâm
   đầu muốn trở lại, còn bây giờ thì  cháu có thể kể vài chuyện có thật, đã xẩy
   ra và báo chí đăng rùm beng trong thời gian qua, bắt đầu là những tin mới
   nhất:

 1) Hôm 6 tháng Giêng năm nay, 2015 - Tổng Thống Pháp Francois Hollande tuyên bố là nên chấm dứt chuyện cấm vận nước Nga, mấy ngày sau thì vụ thảm sát xẩy ra ở Paris.

2) Ngày 5 Tháng 7, 2014 - Tổng Giám Đốc Christophe de Margerie  phát biểu với báo chí rằng không nhất thiết phải dùng đô la để trao đổi mậu dịch, mua bán dầu hỏa. Ngày 21 tháng 10, 2014   chiếc máy bay chở ông này bị rớt và ông ta bị tử nạn.


3) Hơn 80 người bị thảm sát ở Oslo, Norway, sau khi Ngân Hàng Trung Ương của nước này từ chối không muốn "đầu tư" vào Ngân Hàng Trung Ương Luân Đôn - nhằm hổ trợ cho cái gọi là  Quantitative Easing (QE) của Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ.


Tôi nói tiếp:

-  Đó là chưa kể những vụ "tự tử" của 14 nhân viên cao cấp về tài chính, tiền tệ  làm cho ngân hàng Pháp và hơn 22 vụ tự sát tương tự xẩy ra ở Âu Châu và ở Mỹ chỉ nội trong Tam Cá Nguyệt II (2nd quarter) năm  2014 vừa qua.  Vụ Japan  tsunami năm  2011; 2 trận cuồng phong liên tiếp ở Phi Luật Tân mà trong lịch sử nước này chưa hề xẩy ra. Tất cả đều liên quan, dính dáng đến đồng đô la  - và hiện tại  việc giá xăng dầu tụt trên 50% cũng chỉ nhằm quy tụ vào một mối. Tất cả mọi chuyện chỉ là trùng hợp hy hữu thôi ư ? Cũng có thể, nhưng bảo là một người trúng vé số độc đắc 3 lần liên tiếp  thì quả là hiếm có.

Ngưng một chập, đợi cho bác trai kịp thấm những gì vừa nói, tôi bảo cho bác là đó chỉ là chuyện "nhỏ", rồi sẽ còn những chuyện tương tự nhưng quy mô hơn nữa sẽ xẩy ra trong năm nay và năm tới. Chẳng qua cũng chỉ vì "cùng tất biến", lịch sử đế quốc nói chung và lịch sử về tiền tệ nói riêng - cứ lập đi lập lại, chẳng có đế quốc hay tiền tệ nào tồn tại mãi cả; mà nghĩ về khía cạnh tốt thì  cũng giống như những bà mẹ đang trên giường đau đẻ, qua những cơn đau quặn thắt  sẽ xẩy ra và sau đó sẽ cho chào đời một thế hệ mới, một kỷ nguyên mới - coi như là "biến tất thông" có vậy thôi.

- Tôi phải mượn lại quyển Kinh Dịch của cậu để đọc, cho dù càng
   đọc thì thấy mình càng dốt, chả biết gì cả !

- Thôi bác ơi, đời mình còn là bao lâu để mà theo đuổi những triết
   thuyết xa xưa đó nữa bác, cháu cũng chả biết nó nằm đâu, trong
   thùng giấy nào đó ở nhà kho. Điều mà cháu nghĩ có lẽ nếu hai bác
   muốn về VN một chuyến, cháu sẽ là hướng dẫn viên và chắn chắn
   là bác sẽ vui lắm.

- Ối giời ơi, được thế thì còn gì bằng. Tôi muốn về đó thuê một căn
   nhà hai, ba tháng trốn cái lạnh ở đây, rồi từ đó mình sẽ đi bất cứ
   đâu. Tụi nhỏ thì chả có đứa nào làm được cả, ai cũng bận  công ăn
   việc làm, mà tôi già mắt kém đi đâu cũng chỉ thêm gánh nặng cho
   bà nhà tôi, muốn lắm từ lâu nhưng không cách gì đi được, nay
   cậu rủ đi như thế tôi đồng ý cả hai tay.


Những câu chuyện sau đó ban đầu loanh quanh chuyện thời sự và về chuyến đi Việt-Nam của hai vợ chồng tôi vừa qua. Sau bữa ăn, trong lúc vợ tôi phụ giúp dọn bàn, rửa chén,  tôi nói để trấn an hai bác, rằng thoáng đó mà đã hơn 80 năm trôi qua trong cuộc đời của hai người, mà biết bao nhiêu thăng trầm, đau khổ mà cả hai đã từng trải qua, rồi mai sau trong giây phút cũng chỉ là hư vô, như một vở tuồng ngắn chớm mở, sớm hạ mà - tất cả những gì xưa nay vốn tưởng là thật nay bỗng dưng chỉ như là một trò đùa, bởi vậy những gì tôi đã biết, đã kể lại cho bác cũng thế thôi - chơi hay thật cũng chỉ là một vở tuồng đời - không hơn không kém.

SVT
01/2015

 








Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An