HÀNH TRÌNH VỀ ĐÀ LẠT







Hồi ký ghi nhận lại  bao cảm nghĩ và hình ảnh trong những ngày tháng lang bạt trên khắp nẻo đường quê hương...




HÀNH TRÌNH VỀ ĐÀ LẠT-I






Cuộc hành trình nào về Đà Lạt kể từ năm 1999 tới nay, lần nào cũng bắt đầu bằng một chuyến ghé thăm công ty du lịch Sinh Cafe ở đường Đề Thám. Vợ chồng tôi thường mua vé của công ty du lịch nổi tiếng với dân ngoại quốc, nhất là dân Tây ba-lô - vì họ làm việc rất đúng theo nguyên tắc của nước ngoài. Nghĩa là luôn khởi hành đúng giờ, cho dù trên chuyến xe 45 chỗ có khi chỉ lèo tèo vài người - như năm 2008 chẳng hạn, cả chuyến xe chỉ có gia đình tôi 6 người và thêm 2 người khách ngoại quốc. Sau đó là tài xế không dừng để đón rước khách vẫy xe dọc đường - ngoại trừ khách đã mua vé trước và dặn đón họ trên tuyến đường lên Đà Lạt, và tài xế lái xe rất cẩn thận, phải gọi là quá cẩn thận chạy đúng tốc độ quy định, vì hớ hênh là sẽ bị Cảnh Sát Giao Thông (CSGT) phạt nặng, giam bằng lái - nếu không chịu "bôi trơn", hay nhờ "Cụ Hồ" năn nỉ dùm. Trong khi đó, có những hãng xe khác thì tha hồ mà lao nhanh, vượt mặt một cách rất nguy hiểm - vì họ ỷ đã có "ô dù" to che chở. Chưa hết, tài xế xe của hãng Sinh Cafe không bao giờ đưa hành khách đến những nơi gọi là "cơm tù", đó là những trạm dừng chân có quán ăn mà từ chủ, nhân viên tới môi giới (bây giờ hay gọi là “Cò”) thường nổi tiếng là dữ như gấu, ai không chịu vào ăn là có chuyện. Tôi cứ nghĩ, thôi - mình đi du lịch luôn tiện dư thời giờ để ngắm cảnh, chả có gì vội -  thà chậm mà chắc ăn.










Buổi sáng sớm hôm lên đường, trong lúc chờ đợi xe đến đón - khoảng vào lúc 7:30 sáng - tôi hay la cà đi dạo quanh  mấy con đường bên cạnh như Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão; thấy cảnh đời thường nào mà  sau này về có chuyện  để kể, tôi chụp vài ba tấm ảnh để dành - như  tấm hình cái nhà hàng Crazy Buffalo mầu đỏ chét này, cách đây không lâu, đó là một khách sạn mà tôi đã bị mất ngủ cả đêm, vì tiếng nhạc mở ầm ĩ đến gần 2 giờ sáng mới chịu ngưng từ cái quán Bar Go-Go phía đối diện. Quả là vật đổi sao dời - nhất là trong cái bối cảnh kinh tế vươn lên của một quốc gia sau hơn 25 năm bị đè nén, đi thụt lùi. Nhiều nơi tôi thấy mới năm ngoái còn khai trương, mở  quán có múa lân, có ban nhạc sống với kèn trống rất ư là hào nhoáng, nhộn nhịp, thế mà qua năm sau về đã thấy biến đâu  mất, thay vào đó là cái doanh nghiệp mới, thương hiệu cửa hàng hoàn toàn khác lạ.









Sống ở Mỹ coi như đã gần 4 thập niên, tôi từng thấy cứ mỗi lần kinh tế suy thoái, hãng xưởng đóng cửa thì số người thất nghiệp dĩ nhiên phải tăng theo, mà đa số thường hay sống theo kiểu "để mai tính" - nghĩa là sống trên từng tấm ngân phiếu lãnh lương phát hai lần mỗi tháng. Sau vài tháng mà không có tiền trả tiền nhà, tiền nợ thì coi như lên đường sống kiếp không nhà, không cửa. Đấy là một xã hội tân tiến, văn minh vượt bực như thế mà không tránh khỏi hình ảnh những kẻ tha phương cầu thực, ngủ bờ ngủ bụi thì
đừng nói chi là Việt-Nam lại có thể tránh khỏi. Chỉ cách vài trăm thước, nơi có đám du khách - cả Việt lẫn ngoại kiều  - đang tấp nập, tụ tập và háo hức chờ giây phút xe chuyển bánh lên đường đi đến những nơi xa lạ, phong cảnh đầy quyến rũ để tiêu tiền - tôi thấy có hai thanh niên đang rũ người ngồi bó gối ngủ gục với cái túi ny-lông bên cạnh, có lẽ đựng vỏn vẹn cái quần, chiếc áo của họ để thay đổi.

Trong lúc đang bần thần, chưa biết mình sẽ làm được gì cho họ, một thanh niên khác bán vé số với hai đôi chân tàn tật - đang lết dần lại ở đoạn bên kia đường. Tôi hồi tưởng lại những hình ảnh tương tự như thế khi lần đầu tiên - sau hơn 25 năm trở lại cố hương - và đã thầm nghĩ rằng: mỗi năm người ta dành dụm tiền nong, ngày nghỉ để du lịch DisneyLand, hay những chuyến du thuyền khắp Âu Châu, thế giới - sao mà mình lại cứ đâm đầu về chốn này, để  chứng kiến cảnh trầm luân của đời thường khiến cho tâm hồn  và cảm xúc cứ  lên xuống y như người ta cưỡi những roller coasters ở các khu giải trí khắp nước Mỹ, có điều là thiên hạ thì thích thú, la hét khản cả họng trong lúc mình chỉ biết đứng nhìn mà chỉ biết thở dài.



Đối với xã hội  bên Ấn-Độ thì có lẽ những hình ảnh này rất thông thường, vì họ cho rằng mỗi người sinh ra đời đều có một định mệnh, những kinh nghiệm mà họ muốn trải qua, để sau bao nhiêu karma - tái sinh hay luân hồi – khi nào linh hồn đã hiểu thế nào là vô thường, thế nào là đau khổ và từ đâu mà đến, lúc ấy thì họ mới thoát khỏi cái gọi là vòng lẩn quẩn của đời người. Trong khi đó, kinh thánh của Thiên Chúa giáo cho rằng Chúa Jeus xưa đã có lần bảo : "Cái nghèo khó sẽ luôn luôn ở cùng với loài người", và càng nghĩ - tôi càng thấy thấm câu nói ấy vốn chẳng sai vào đâu, vì chung quy - cả nhân loại không sanh ra đời cũng một lúc, luôn luôn có kẻ trước người sau, cộng thêm cái gọi là : "9 người 10 ý" - thì làm sao có sự quân bằng, bình đẳng cho tất cả ? Biết thế, nhưng hình ảnh người thanh niên tật nguyền ấy vẫn ám ảnh trong đầu óc tôi mãi cho đến ngày hôm nay và không biết đến bao giờ trong mai sau. Sau này, đọc tin tức trên báo chí, tôi mới biết hiện nay có rất nhiều "diễn viên đường phố" (như người thanh niên tật nguyền trong tấm hình trên) kiếm được rất nhiều tiền qua những màn kịch trong vai khổ ải, vì nó dễ làm động lòng thương tâm, từ bi của khách đi đường, nhất là khách du lịch, ngoại quốc.



Một trong những thứ tôi hay mua đem theo trước khi xe chuyển bánh là  tìm vài tờ báo Việt ngữ để đọc giết thì giờ cho chuyến đi có thể kéo dài  từ 6 đến 7 tiếng, tùy đoạn đường tốt, xấu. Quanh khu  phố Tây ba-lô ở đường Đề Thám thì có cả đội ngũ người bán báo, bánh kẹo, bản đồ và đồ lưu niệm... lúc nào cũng đảo qua đảo lại, loanh quanh nơi những hàng quán, khách sạn và những  chiếc xe buýt vừa đậu lại, đón tiếp hành khách. 

Trong nhóm người bán hàng rong đó, lần đầu tôi gặp một cô gái bán báo từ năm 1999, mua dùm cô hai, ba tờ  báo để mở hàng, sau cuộc trò chuyện tôi biết quê cô ở mãi tận xứ Quảng, vào Sàigòn để kiếm ăn và gửi tiền về quê giúp gia đình. Từ đó về sau, mỗi lần hai vợ chồng tôi dùng hãng Sinh Cafe để lên Đà Lạt hay những chuyến du ngoạn về miền Tây, tôi thường gặp lại - không phải chỉ riêng cô  bán báo này - mà là hai cô gái bán báo giống hệt nhau như đúc. Hóa ra đó là hai chị em sinh đôi, và nhìn bề ngoài, chắc ít ai có thể nghĩ "cô bé" này tuổi cũng trên 28 và đã có chồng, con mà lương người chồng chỉ đủ trang trải phí tổn hàng ngày, muốn dành dụm thêm thì cả hai cô đều phải trở lại làm nghề bán báo - tuy không phải đi lang thang qua nhiều khu phố khác như nghề bán vé số - chỉ loanh quanh vài con đường quanh khu Đề Thám này thôi.

 
Xưa tôi thường lên xuống Sàigòn - Đà Lạt như cơm bữa, nhiều đến nỗi tuy dù có ngủ gà ngủ gật trên xe đò (thường là với một trong hai hãng:  xe đò lớn Thống Nhất hoặc xe Minh-Trung, nhỏ hơn chỉ 12 chỗ), tôi vẫn đoán biết mang máng rằng mình đang ở tỉnh lỵ nào, thị xã nào. Chẳng hạn như lúc xe chạy thật êm thắm, không bị ổ gà và tiếng người lơ xe còn liếng thoắng mời gọi những người mang hành lý đứng bên lề đường, tôi biết mình vẫn còn đang trên xa lộ Biên Hòa; khi xe bắt đầu lắc lư, nghiêng phải nghiêng trái và chạy chậm lại, đó là lúc xe vào địa phận ngã ba Long Thành - Long khánh, nơi có đoạn đường xấu nhất vì thường hay hư hại, nhiều ổ gà - nơi  hai tuyến đường tách những chuyến xe đò ra hai ngã - ngã đi về hướng Vũng Tầu, ngã tiếp tục lên Đà Lạt. Muốn kiểm chứng là mình đúng hay sai, chỉ cần hé mắt nhìn hai bên đường, chắc chắn tôi sẽ thấy cánh rừng cây cao su mọc dầy đặc, kín mít như đang chạy lùi lại phía sau. Chừng hơn hai tiếng sau, khi xe ỳ ạch, mệt nhọc như đang leo dốc, tôi có thể bảo đảm rằng mình đang ở đâu đó trên đoạn Đèo Chuối, tức là đã đi ngang qua Phương Lâm, Định Quán không xa. Tôi thường hay tỉnh ngủ khi bắt đầu cảm thấy có gió mát lạnh lùa vào trong xe, và chắc chắn hơn khi mũi mình đánh hơi, ngửi được hương vị mùi trà thơm quyện trong không khí, biết mình đang tiến dần vào thị xã Bảo-Lộc; và sau bữa ăn trưa, độ chừng 2 tiếng nữa là sẽ đến Đà Lạt.




Hơn 40 năm sau, hành trình lên Đà Lạt từ Sàigòn - trung bình cũng vẫn phải mất trên dưới 6 tiếng đồng hồ, kể cả thời gian dừng chân để hành khách đi vệ sinh và cho bữa ăn trưa. Trong hoàn cảnh chiến tranh thì con đường này thường hay bị đắp mô, cầu cống bị giật xập để tạo khó khăn cho kẻ thù địch; cộng với chuyện đất lở, đất lún,v.v... khiến di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào cũng chậm chạp, khó khăn. Vậy mà 40 năm sau giải phóng, giao thông trên con đường này vẫn ù lỳ, chậm chập - cho dù đã xây xong 20 km con đường cao tốc trước khi vào thị xã Đà Lạt, giảm được 30 phút thay vì gần 1 tiếng đi con đuờng cũ. Chẳng qua vì chính quyền trung ương lẫn địa phương (bây giờ chả hiểu sao, người ta hay dùng chữ "sở tại" thay vì địa phương như ngày trước) không có một kế hoạch thống nhất để trùng tu, xây cất, cộng thêm với cái gọi là công trình bị "cắt xén", ăn bớt một cách vô tội vạ - cho nên có nhiều đoạn đường mới sửa xong năm trước, năm sau đã bị hư hại, suy sụp nhanh chóng, nghe nói đâu như  vì nhờ cái sáng kiến có một không hai trên thế giới đó là loại "bê tông cốt tre" (dùng tre thay vì dùng cốt sắt) để "tiết kiệm" tài sản của dân. Không thể tưởng tượng nổi ! đó là câu dịch lại thật chính xác từ chữ "unbelievable" mà tôi đã lầm bầm trong miệng trong lúc nhìn đoàn xe nối đuôi nhau bị kẹt lại 1 tiếng đồng hồ ở đoạn sắp lên đèo Bảo Lộc vì đang có công trình sửa chữa ở phía trước.


Cho dù lên xuống Đà Lạt đã bao nhiêu năm, bao nhiêu bận, nhưng mỗi lần xe vào thành phố và từ trên cao nhìn xuống thấy hồ Xuân Hương ở phía dưới, lòng tôi vẫn cứ bồi hồi, giao động - mà có lẽ, trong tâm thức đã làm sống lại bao nhiêu kỷ niệm sâu đậm chìm sâu trong ký ức - nhất là nó khiến cho tôi nhớ lại cái cảm tưởng đầu tiên hơn 40 năm về trước, rằng tiền kiếp không chừng tôi đã từng sinh ra và lớn lên ở đây.





Về phố cũ tôi trở về phố cũ
Đồi thông buồn gió vẫn lạnh hơi sương
đi ngang qua cúi nhìn con nước
hồ im thăm thẵm mộng bình thường.

Đó là bốn câu thơ tôi đã viết lần đầu tiên sau hơn 25 năm trở về thăm nơi chốn mà mình đã một thời lang bạt, tạm ghé qua - xưa tưởng là nó sẽ mãi thuộc về dĩ vãng, của kỷ niệm, nhưng chẳng ai ngờ, có thể đây cũng là nơi tôi sẽ trở về - khi không còn sức để đi -  sống những ngày còn lại của đời người. Đà Lạt mỗi năm mỗi thay đổi theo thời gian, đó là điều tẩt nhiên, là lẽ thường tình; nhưng sau bao lần về thăm tôi thấy có một điều thay đổi tuy âm thầm mà sâu sắc, khiến tôi trầm tư, suy nghĩ không biết sau này nơi đây vẫn còn là nơi thơ mộng, lãng mạn và  người Đà Lạt vẫn còn lịch sự, dễ thương như ngày xưa. Chẳng riêng gì Đà Lạt, từ miền Trung cho đến tận mũi Cà mau, đâu đâu cũng có sự hiện diện, cũng nghe giọng nói của dân miền Bắc - mà từ xưa tôi vẫn biết sẽ có một cuộc di dân như thế tất nhiên xẩy ra sau khi đất nước đã hòa bình. Tất cả đều phải theo cái quy luật: ở đâu có sự tự do hơn, dễ sống hơn thì ở đó sẽ thu hút đông dân số hơn. Một người xe ôm - dân chính gốc ở đây -  ngồi uống cà phê và tâm sự với tôi, rằng người Bắc mới vào họ sống rất cần kiệm, kiếm được 10 đồng thì họ chỉ tiêu có 6 hoặc 7 là nhiều nhất, trong khi đó dân Đà Lạt khá lắm là để dành được 1, 2 đồng. Thành thử, khi gặp khó khăn và không đủ tiền để sinh sống, dân Đà Lạt dần dà bỏ đi trong khi dân miền Bắc lại nương theo họ hàng - những kẻ đi trước - sẽ dần dần trở thành số đông trên thành phố cao nguyên, thơ mộng này.


Ấp Ánh Sáng năm 2009 (bên trái) và 5 năm  sau, dẫy nhà phía bên phải
nay là cánh đồng trồng rau, trồng hoa của thị xã, dùng cho những mùa lễ hội.
Cầu Ông Đạ về đêm

Một vài hình ảnh quen thuộc ở ĐL


Một vài hình ảnh quen thuộc ở ĐL




Một tên du khách chịu chơi và  gan cùng mình  ở đồi Mộng Mơ...:)







HÀNH TRÌNH VỀ ĐÀ LẠT – II



Cả cuộc đời ta lấy không làm có
đến cuối đời mới biết có là không.
 (tác giả vô danh)



 
Lên Đà Lạt mà không ghé thăm mộ người thân, nhất là người mẹ vợ đáng thương, đáng kính của mình thì thật quả là vô tình, thất lỗi - cho nên đó cũng thường là nơi đầu tiên vợ chồng tôi ghé thăm trước khi đi chào gặp, thăm viếng bà con, bạn bè. Khi xưa hồi còn trẻ, tôi  hay ghé ra Vũng Tầu và sau này là Nha Trang, đứng trên bãi biển mà thấy đại dương và trời xanh bao la, để thấm cho cái thân phận con người quá nhỏ bé chà là nghĩa lý gì cả, huống gì là đem so sánh với vũ trụ và bao nhiêu giải ngân hà, hàng tỉ ngôi sao sáng trên trời. Bây giờ, mỗi lần viếng thăm khu nghĩa trang, nó còn nhắc nhở tôi cái vô thường, ngắn ngủi của đời người. Mà quả thật, một trong số những người có định mệnh ngắn ngủi đó là mẹ vợ của tôi. Bà là người gốc Quảng nhưng mất ở Đà Lạt khi tuổi vừa chỉ mới 49 - nghĩa là hơi ngắn cho cái kỷ nguyên văn minh, tiến bộ về y khoa và khoa học.  Tôi dám nghĩ rằng ba vợ của tôi tuy bị mất mát bao nhiêu tài sản lớn lao trong đời, nhưng có lẽ không có gì đau khổ, đớn đau bằng mất đi một người vợ, một người mẹ duyên dáng, dịu hiền như người mẹ vợ của tôi. Hồi hai đứa mới quen nhau một thời gian, thấy con gái mình xưa đến giờ nhút nhát và khó kén chọn, lại có vẻ chịu đèn một tên Bắc kỳ cao lòng khòng, gầy nhom; mẹ vợ tôi có lúc lo lắng, bảo trông tướng tôi lưng dài chắc có lẽ lười lắm, sợ rằng con gái mình phải chịu cực, chịu khổ.

Sau khi gia đình chạy di tản từ Đà Lạt vào Sàigòn, thấy tôi khệ nệ bưng một thùng đựng đầy đủ nồi niêu, xoong chảo để gia đình tạm dùng trong lúc chờ thời; và tôi còn chịu khó mua bột gạo lức cho mẹ vợ tương lai của mình ăn để chữa bệnh chân bị phù thủng, không tiêu hóa được nước sau gần một tuần chạy loạn ăn uống thiếu thốn, thất thường. Đến lúc ấy thì mẹ vợ tương lai của tôi mới cảm thấy bớt lo. Bảo cái thằng sao thật chu đáo. Trong tấm hìng trắng đen dưới đây là ảnh kỷ niệm của gia đình nhà vợ chụp bên bờ hồ Xuân-Hương vào khoảng năm 1967, lúc ấy TH. chỉ độ chừng 12 tuổi - mà trong cái truyện ngắn "Ngộ Ái Nị", tôi có dùng tấm hình của vợ mình thuở đó ngồi với con gấu bông, gán nàng cho cái nhân vật chính "Cẩm-Linh" trong trí tưởng.  Đến lúc trước khi nhắm mắt lần cuối vào tháng 2 năm 1985, mẹ vợ tôi có than một câu rằng "nằm đây mà  mình chỉ nhớ con TH. !". Câu nói ấy thỉnh thoảng vẫn cứ ám ảnh trong tâm khảm của tôi một  nỗi buồn trộn lẫn hối hận mỗi khi về thăm viếng mộ, hay những giây phút bất chợt nhớ tới.








Một trong những nơi hai vợ chồng tôi thường hay đến ở thường xuyên - bắt đầu từ năm 1999 -  phải nói là khách-sạn Châu Âu ở số 76 Nguyễn Chí Thanh, mà dân Đà lạt thường gọi là dốc Ngọc Lan, vì xưa con đường này có một rạp hát lớn nhất của thị xã và rạp hát này mang tên Ngọc Lan. Hai vợ chồng chủ cái  khách-sạn này cũng là bạn học cũ - mà Phước, tên người chồng, cùng là bạn học của TH. ở trường Lycee Yersin năm xưa. Sở dĩ chúng tôi chọn cái khách sạn này phần lớn vì nó rất tiện cho việc đi lại, nhờ nằm ngay trung tâm thành phố, đi bộ thăm bà con họ hàng và đi đâu cũng tiện bằng phương tiện "lô ca chân". Khách-sạn Châu Âu này có lẽ là cái khách sạn đầu tiên được cất lên sau năm 1975 và rất được khách du lịch từ Âu Châu ghé đến vì Phước nói rành cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, hiểu rõ địa phương dễ như đọc trong  lòng bàn tay, vì hắn sinh ra và lớn lên ở đây.  Cuộc đời xẩy ra quả đúng như câu "vật đổi, sao dời", sau hơn bao nhiêu năm thường ghé đến ở cái khách sạn Châu Âu quen thuộc, năm ngoái (2014) khi trở lại Đà Lạt thì nơi này đã đóng cửa kín mít, ngoài có dán biển đề  vỏn vẹn 3 chữ "Bán Khách Sạn" với số điện thoại để người mua muốn liên lạc. Hỏi thăm thì được biết nó được bán với cái giá rất "hời" - chỉ có 25 tỷ - và còn dễ dàng thương lượng được. Nghe nói thì vợ chồng Phước đã về hưu và di chuyển về Sàigòn để tiện bề giúp hai đứa con đang theo học Đại-Học ở đó. 









(thêm một nạn nhân của thời gian, một XQ Sử Quán nổi tiếng một thời ở ĐL nay đã không còn hiện diện)






TH. còn có một người bạn gái học cùng lớp và còn chơi thân hơn Phước, cũng có một khách sạn nho nhỏ ở gần nhà thờ con gà, cho nên tuy có ở xa phố hơn chút xíu - chỉ chịu khó đi xuống con dốc Ngọc Lan qua bậc thang cấp gần bên cạnh (hình kế bên) để xuống tới bến xe đò cũ, băng qua cây cầu ông Đạo và leo lên con dốc nhà thờ Con Gà, hỏi thăm ai tên Thu-Hương trong khu nhà Chung - hay thường gọi là xóm Xuân An - thì có lẽ, chỉ những em bé chưa biết nói rành là không biết mà thôi.




Nhìn tấm hình cái cầu thang đi tắt xuống bờ hồ từ trên con dốc Ngọc Lan làm tôi nhớ lại khoảng thời gian phải gọi là thần tiên trong những ngày tôi mới lên Đà Lạt, vì cũng nơi này xưa có một xe bán Phở rất ngon (hay là tại buổi sáng đói bụng, trời lạnh lại được ngồi húp xì xụp tô phở nóng hổi), tôi thường ghé  ăn sáng, rồi gọi uống tách cà phê sữa nóng, ngồi nhìn xuống quang cảnh nhộn nhịp của bến xe đò với những chuyến xe nằm ngoan ngoãn, chờ đợi giây phút để lên đường - phần lớn là về Sàigòn, hay nhìn cảnh hồ Xuân Hương thưỏ đó vẫn còn nhiều sương mù khi mặt trời còn ngái ngủ, dậy muộn khi mùa đông tới. Từ trên đỉnh cao của con dốc Ngọc Lan này, tôi đã bắt đầu có những suy nghĩ về cuộc đời, về thân phận của con người - thật khác hẳn với con người của chính mình cách đó không quá sáu tháng, khi còn đang ăn chơi xả láng - mỗi tháng đóng cho mình một đôi giầy mới, bộ quần áo mới và những dĩa nhựa 33, 45 tua - toàn những bản nhạc ngoại quốc – Hit Parade -  thịnh hành nhất, và luôn có những buổi nhẩy đầm suốt đêm tới sáng.



Năm 2008, bốn thằng con lần đầu theo gia đình về thăm Đà Lạt, chúng nó đều nghe  xưa tôi cũng từng giang hồ lên ở đây, nên tò mò muốn biết bố của chúng đã từng ở trọ nơi nào, sống và đi học một mình ra sao. Tôi dẫn cả bốn thằng đi bộ từ trên con đường Minh Mạng - nay gọi là Trương Công Định - đi xuống đường Nguyễn Biểu mà dân quanh đây đều quen miệng gọi là “dốc  Nhà Làng” - chỉ cho chúng nó căn nhà chị của nhà văn Tưởng Năng Tiến, nơi mà tôi từng thuê một căn phòng để ở trên hơn một tháng khi vừa mới lên đây. Tuy chỉ ở một khoảng thời gian quá ngắn, nhưng đấy cũng đủ cho tôi - hơn 10 năm sau - viết thành một truyện ngắn với tựa là "ĐÊM GIÃ TỪ PHỐ NÚI " , để  nhớ lại một thời lãng mạn đã trôi qua.




 
Dốc Hòa Bình về đêm





Như tôi vẫn thường tâm sự, rằng bắt đầu từ những ngày đầu mới lên Đà Lạt, tôi cái thú đi dạo quanh bờ hồ Xuân Hương vào buổi sáng sớm tinh mơ -  vì nhất là để được hưởng cái không khí tuy hơi lạnh nhưng rất trong lành, thứ đến là trong cái tĩnh mịch của ban mai tôi dễ cảm nhận những gì trong tâm thức bỗng trỗi dậy,  sau một khoảng thời gian dài tiềm ẩn, chôn dấu từ lúc tuổi còn thơ cho đến những năm mới lớn, mới biết nếm mùi đời. Trong buổi sáng bình thường của một ngày nọ, khi tôi đã đi dạo hết một vòng bờ hồ và đang trên đường băng qua cầu Ông Đạo, một cặp du khách có lẽ tưởng lầm tôi là dân địa phương mới đi tập thể thao về nên chận lại hỏi thăm, nhờ tôi cho biết nên đi chơi những đâu, chỗ nào,v.v... Tôi thản nhiên chỉ cho họ thấy chiếc xe buýt giống như con voi đang rời bến để đi về hướng Trại Hầm. Từ xa, tôi đoán hai người du khách này có lẽ chưa chắc đọc được bảng tên nên tỉnh bơ bảo:



- Ông bà cứ đến bến xe phía bên kia đường, đón chuyến xe đò đi Trại Hòm, rồi từ Trại Hòm
  thì kế đó là Hồ Than Thở và sau cùng là Suối Vàng, thăm mộ Ông Hào… là những nơi nổi tiếng
  nhất để du khách thường thăm viếng...


- Úi trời ! sao mà toàn những nơi nghe tên thấy mà  lạnh gáy ! nào là Trại hòm, hồ Than Thở
  rồi tới Suối vàng...








Phải chập sau họ mới hiểu tôi chỉ muốn đùa chút chơi, mà kể cũng lạ - đi đến đâu - từ Sàigòn ra đến Huế, thỉnh thoảng tôi cũng bị người đi đường hỏi thăm, chỉ cho họ về đường phố, cứ làm như tôi là dân địa phuơng chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Ngay cả trong chuyến đi vừa rồi ở Đà Lạt, tôi cũng bị dân địa phương chứ chẳng phải du khách hỏi thăm, chỉ đường. Như thế có lẽ sau này khi hồi hương về đây ở,  tôi sẽ dễ dàng hòa nhập với dân ở đây mà cũng có thể sẽ được bầu làm Tổ Trưởng khu phố nữa không chừng ! Tôi phóng đại một chút cho vui về chuyện này chẳng qua là vì tình cờ kỳ rồi gặp một bác mới đi bầu chức Tổ Trưởng trong xóm về, bác bảo rằng chả ai muốn ra tranh cử cho nên chức vụ ấy lại thuộc về người vẫn từng nắm giữ cái ghế "lãnh tụ" đó. Tôi cười hỏi bác, như vậy người ta gọi bà ấy là "Tổ Trưởng hay Tổ Bà ?" và được bác vỗ mạnh vào vai, cười ha hả nói "Gớm ! Cái cậu này coi vậy mà tếu ghê ta ơi !"








      



Riêng cho một thằng bạn – HNS - đã sớm bỏ cuộc chơi.

HÀNH TRÌNH VỀ ĐÀ LẠT -III










Ở Việt-Nam, nói đến địa danh Đà Lạt thì đa số, ai cũng nghĩ đến đó là một trong những nơi danh lam thắng cảnh rất hữu tình để du ngoạn, và nhất là cho những cặp vợ chồng mới cưới lên đó để hưởng tuần trăng mật. Con người ai cũng muốn đi tìm một người, một nơi chốn nào đó để đem đến hạnh phúc cho chính mình. Khổ một điều là mỗi người định nghĩa chữ "hạnh phúc" - hay thế nào là hạnh phúc - mỗi người một khác, mà nhiều khi,  cái hạnh phúc của chính họ bây giờ cũng sẽ khác, cũng thay đổi theo thời gian và không gian. Nếu ai đã từng mua nhà, xây nhà hay sửa nhà có lẽ đã biết thế nào là tốn kém, nhọc sức khi mình mua lầm kiểu nhà, thiết kế kiểu bếp - để sau khi dùng nó một thời gian ngắn lại thấy nó không được như ý mình muốn.



Tôi còn nhớ vanh vách cái thời năm 1979, khi một người bạn trước đây du học rồi kẹt lại ở Mỹ sau năm 1975, ngày  nghe tin anh ấy vừa ra trường ngành Kỹ-Sư mà đã có việc làm với số lương là $21,000.00 một năm, khi lúc đó lương tối thiểu chỉ mới là $2.10/giờ. Tôi nghĩ bụng giá mà mình hàng năm được lãnh số lương như thế cho cả chục năm, mình cũng sẽ rất ư là vui sướng, "hạnh phúc". Chỉ vài năm sau tôi ra trường và cũng được số lương như thế, nhưng chưa đầy một năm mà thấy không được lên lương là lòng y như là có chuyện chẳng vui. Thật ra, đấy chẳng phải vì muốn có nhiều thêm tiền, nhưng đó cũng là cái thước đo cho cái tài năng, sự đóng góp của mình cho công ty, mà nếu không được tăng lương thì chắc có lẽ mình vẫn còn dở ẹc, hay thiếu xót ở một điểm nào đó. Thời may là năm nào mình cũng được lên lương và nhiều tiền thưởng, nhưng cái gọi là đủ để "hạnh phúc" thì cũng chưa thấy nó bắt đầu lộ diện, cứ như cái bóng ma ẩn hiện khiến đôi lúc, tôi phải ngẫm nghĩ - nhớ lại cái thời còn lưu lạc, lang bạt ở Đà Lạt - nơi mà ai cũng mong muốn dành dụm có tiền để lên thăm ít nhất một lần trong đời, còn mình thì lại ở đó và đang đi tìm cái hạnh phúc, mà nhất là tìm hiểu thế nào mới gọi là hạnh phúc mà ai cũng tìm kiếm. Lúc ấy, tôi mới hiểu rằng định nghĩa về hạnh phúc thường thay đổi, chứ chân lý thì không, sẽ chẳng bao giờ đổi thay. Bởi thế cho nên, lần về Đà Lạt năm 2008, trong lúc đi ngang những mảnh vườn trồng rau ở ngoại ô thị-xã, tôi dừng xe đứng nhìn và chụp tấm hình (bên dưới) - để nhắc nhở cho mình là chớ có đi tìm hạnh phúc mà phải hiểu thế nào là chân lý của hạnh phúc, có như thế thì tâm hồn mình mới an, mới được tĩnh.




Sở dĩ nhìn tấm hình những mảnh vườn rau xanh um khiến tôi chạnh nhớ cái chân lý mà khi xưa mình đi tìm, vì đã một thời sống chung dưới một mái nhà với người bạn nghèo học cùng lớp - Hoàng Như Sơn - ở cạnh những ô ruộng trồng rau xá lách xoong, chỉ đủ cho gia đình của Sơn để bán sống cho qua ngày, nhưng đó lại là những ngày êm đềm, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi.
Nói như thế không có nghĩa là từ đó về sau tôi không có cái hạnh phúc nào bằng, nhưng chân lý chính là khi cái thời gian hiện tại đã qua đi thì nó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại, hạnh phúc nghĩa là biết cảm nhận và tâng tiu cái mình đang hiện có, như câu tôi vẫn thường hay dùng "có những cái bây giờ hiện tại, mai vẫn chỉ là mới qua, mốt cũng vẫn còn là mới qua; mai sau nó sẽ trở thành dĩ vãng và kỷ niệm", chúng ta thường hay lưu lại trong ký ức và dễ nhớ lại những kỷ niệm đẹp, và muốn chôn vùi những gì gọi là xấu xa, đau buồn nhất ở tận đáy lòng.

Hè năm 1973, sau khi ở Đà-Lạt  được hơn một tháng, tôi trở về Sàigòn trong một dịp cuối tuần để mang lên cái giá vẽ và những khung vải tôi đặt sẵn từ trước. Đang ngồi trên chuyến xe đò chờ giây phút khởi hành, một thanh niên xa lạ từ đâu bỗng bước đến hỏi chuyện:

- Xin lỗi, có phải anh về SG phải không?

- Vâng.

- Tôi cũng thế, thấy anh trông có vẻ dân văn nghệ nên muốn làm quen, 
  
để trò chuyện trên chuyến đi.  Tôi tên Sơn.
Hắn đưa tay cho tôi bắt.

- Tôi tên Sinh, người nam gọi là Sanh.


Được biết Sơn hôm đó mang bó hoa Hồng về SG để tặng cho người yêu, một cô SV học ở trường Luật Khoa, và khi nghe tôi nói lý do chuyến đi của mình. Sơn vỗ đùi tự khen: "Biết ngay mà! bạn có dáng trông rất nghệ-sĩ, nhìn biết liền!". Tôi lúc đó nghĩ và cười ruồi trong bụng "Mẹ! tướng tá mình gầy nhom, trông như chó ốm. Văn ghệ với văn gừng con khỉ!". Từ đó Sơn trở thành thằng bạn thân đầu tiên ở ĐL. Hắn lớn hơn tôi gần hai tuổi, được cha mẹ đặt tên là Hoàng Như Sơn, nghĩa là cao lớn như núi - nhưng Sơn lại lùn tè, đứng cỡ chỉ một thước mốt. Có lần tôi bảo Sơn:

- Chả cần tao chấm tử-vi gì ráo, số mày phải lấy
  con vợ cao ráo, chân dài...

- Tại sao? Sơn tò mò.

- Này nhá, mày lùn và tròn như hột mít, lấy một hột mít nữa thì con mày sẽ thành hột đậu, mà nó mà lấy vợ hột đậu nữa thì sẽ sanh thằng cháu nhỏ như hột tiêu, rồi hai  hột tiêu mà lấy nhau thì coi như triệt...tiêu luôn! Nghe lời ông đi con.


Cũng hên là Sơn có tánh giống tôi, cũng là dân Bắc Kỳ di cư , hai thằng đều có máu đùa dỡn, nghịch như quỷ - có khi quỷ sứ chắc cũng phải chào thua - cho nên nó đấm vào vai tôi để trả đũa cho câu sấm truyền đùa giỡn về tương lai và cái lùn của hắn. Có lẽ vì ông trời bắt Sơn  mang cái tội phải lùn cho nên đã đền bù  nó với những tài năng khác, thằng này ăn nói rất có duyên, dẻo quẹo và hoạt bát. Ngoài ra hắn tự học,  chơi đàn guitar rất tuyệt mà tôi đã học từ Sơn cách búng ngón tay, chơi những bản Carulli. Nhà Sơn ở đường Phạm Hồng Thái, không xa Nha Địa Dư và nhà ga xe lửa,  và có hai mảnh vườn trồng rau sà lách xoong mà cả nhà sống nhờ vào đó. Trước khi quen với tôi, Sơn làm nghề cưa chữ để bán cho du khách làm lưu niệm, mà những tên, chữ hắn làm rất cầu kỳ và công phu cho nên mất nhiều thì giờ để nắn nót từng lưỡi cưa và   phải cẩn thận khi chà giấy nhám. Thay vì tốn tiền phòng trọ ở một mình, Sơn rủ tôi dọn về  ở chung với gia đình hắn - nghe cũng có lý nên tôi đã đồng ý, và nhờ ở chung mà  sau khi quan sát lối làm việc của Sơn, tôi đề nghị Sơn thử cưa loại chữ mới, dùng bút pháp  mà tôi viết theo kiểu chữ của Trịnh Công Sơn, vừa tao nhã phóng khoáng, vừa đỡ tốn gỗ và cưa rất nhanh. Một chữ kiểu cũ Sơn làm để bán bấy lâu nay bằng thời gian để cưa bốn, năm chữ kiểu mới tôi vẽ. Không ngờ điều này lại đưa đến một sự thành công bất ngờ cho Sơn, nó kiếm tiền dễ dàng và nhiều hơn từ dạo đó. Một điều trùng hợp giữa tôi và Sơn là tôi vì ham chơi, ham nhẩy đầm cho nên thi rớt tú tài cho nên năm đó tôi phải học lại lớp 12, còn Sơn không rõ vì lý do gì cho nên cũng phải học lại cùng lớp. Ban đầu hai đứa rủ nhau ghi danh học ở trường Việt-Anh mà tôi còn nhớ một buổi sáng sau khi mọi người đứng ở ngoài sân chào cờ, thầy Phỉ là Hiệu Trưởng đi "duyệt binh" trong hàng ngũ học sinh, chọn mấy tên cao ráo để cầm cờ, phù hiệu đại diện trường trong buổi diễn hành ngày kỷ niệm lễ Hùng-Vương. Xui một điều là thầy HT "chấm" tôi với điểm cao ráo, bắt tôi phải cắt cái đầu tóc dài mới "được" vinh dự đi diễn hành -  lúc đó chẳng phải tôi vì khoái làm hippy gì ráo, mà đã chán ăn chơi, chán đua đòi một cuộc sống thác loạn, không tương lai ở SG - nhưng tôi không thích ai bảo mình phải làm thế này, theo kiểu nọ. Tôi cười ruồi hỏi ngược lại:

- Nếu tôi không cắt tóc thì sao?

- Thì cậu không được chọn để đi diễn hành.

- Vậy hả. Tôi cũng chẳng thích đi diễn hành.

- Cũng không được. Cậu phải cắt cái mái tóc dị hợm đó tôi mới cho vào lớp.

- Xin lỗi thầy, tôi sẽ kiếm trường khác.


Thế là tôi  bước ra khỏi trường ngay hôm đó, mà Sơn cũng ba gai không kém, nó cũng có mái tóc dài gần bằng tôi cho nên hai thằng tỉnh bơ sách cặp bước ra khỏi sân trường, không đợi thầy HT đuổi hay cãi cọ chi cho tốn thêm nước miếng. Những tháng sau đó, trong khi tôi còn la cà học thử ở hai trường khác - trường TH Bồ Đề và trường bán công Quang Trung mà tôi thấy cả hai đều dở tệ. Khi gần đến tháng chót phải ghi danh học ở một trường để được hợp lệ cho kịp kỳ thi Tú tài IBM năm 74, tôi theo Sơn - hắn đã "đầu quân" vào trường Văn-Học của thầy CBA, mà tôi chỉ vào lớp trong những ngày  "lành tháng tốt", thường thì cúp cua vào thư-viện gần nhà thờ con gà đọc sách, hay lang thang trên đồi cù ngồi dưới gốc thông để ngẫm chuyện đời. Ban đầu, Sơn tưởng tôi là dân mồ côi, không gia đình hay cha mẹ, đi giang hồ rồi ghé thích và ở lại ĐL vì nó chưa hề nghe tôi nhắc chuyện về SG hay đi đâu thăm gia đình. Có nhiều hôm hai thằng nghèo mốc đít, đói meo không tiền ăn sáng. Đôi khi cả nhà nó và tôi ăn cơm trộn khoai cho no, rau thì món sà lách xoong vừa nấu canh, vừa xào tỏi với ớt ăn dài dài. Hôm nào hên bán được nhiều thì có vài miếng gà kho gừng mặn chát, ăn cho uống nước nhiều vào để căng bụng, đỡ tốn. Hoặc có hôm ăn ổi còn xanh mét trừ cơm, bị táo bón cả mấy ngày sau.  Một hôm, tôi rủ nó về SG thăm nhà ở đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng), đối diện nhà nghị-sĩ kiêm chủ nhà băng Nguyễn Tấn Đời. Buổi sáng thức dậy ở lầu ba, trên sân thượng là cái "giang san" phòng ngủ riêng của tôi, người làm đã bưng đồ ăn sáng và cà phê để sẵn, Sơn nhìn tôi lắc đầu bảo "Mày, rõ là thằng khùng!". Từ đó trở đi, khi trở lại ĐL để tiếp tục học, tôi bảo gia đình thường xuyên gửi tiền để tôi đóng góp, giúp đỡ gia đình Sơn - ngoài những công việc phụ nó cưa chữ, chà nhám, sơn phết đánh bóng và đem đi giao hàng cho cách sạp ở ngoài chợ. Mùa thi tú tài năm đó, cả hai thằng đều may mắn thi đậu, mà nó đậu cao hơn tôi nhờ học siêng hơn. Tôi còn nhớ là hai môn thi cuối cùng là môn Toán trắc nghiệm và môn Pháp văn; dù làm chưa hết bài nhưng sau khi tính nhẩm cho những môn khác cộng lại, tôi chắc mình đã đủ điểm nên nộp bài tàn tàn ra về. Hôm đưa mẹ tôi đi xem kết quả ở SG, thí sinh nào đạt được tổng cộng trên 162 thì sẽ đủ điểm để đậu. Trong lúc tôi hý hửng, thầm phục tài bấm độn, tiên đoán cỡ như Khổng Minh của mình vì tôi vừa đủ khít khao 169 điểm, mẹ tôi dò bảng tên đọc mà muốn xỉu ngay tại chỗ - không biết vì mừng hay vì bị tôi chơi một cơn ú tim! Dù sao đi chăng nữa, cái thằng nghịch tử hai năm ở nhà thi không đậu, nay la cà ở phương xa, học lơ tơ mơ thế lại mà được, mẹ tôi mừng hết lớn, nhất là thấy thằng con đã trở về nhà và "tự dưng" lại chăm chỉ chuyện học hành.


Thêm một chuyện kể về thằng bạn.  Sơn có cái tật là thích tán gái, và có lẽ để che dấu cái mặc cảm "thiếu chiều cao, thừa bề ngang", bạ ai nó cũng ve vãn tán tỉnh. Trên con đường đến trường VH, hai đứa thường hay gặp một cô bé "má đỏ môi hồng" rất dễ thương mang phù hiệu của trường BTX. Tôi thích chỉ lẳng lặng đi theo sau để ngắm, tưởng tượng rồi mơ mộng để làm thơ giải trí tinh thần. Sơn thì gặp một thiếu nữ tuổi chừng 15, 16 xinh như mộng nên hắn ta khoái bét tĩ, mê như điếu đổ. Cô bé biết hai thằng Bắc kỳ dê xồm, mắc dịch, thỉnh thoảng như cái đuôi lẽo đẽo theo phía sau mỗi sáng cho nên có lúc hai chân em đi lính quýnh, lạng quạng. Tôi về làm bài thơ và cho thằng bạn đọc chơi.

Nhỏ cười con mắt có đuôi
chân đi hài đỏ, dáng người thanh thanh
nhỏ đi nón là nghiêng vành
anh theo chân nhỏ, nhỏ đành ngơ sao
thôi về dệt mộng chiêm bao
rằng mai đón nhỏ, cười chào làm quen...

SVT 1974


Sơn đọc bài thơ nghe chịu quá, bảo cho phép nó ngày mai đi phía sau và đọc thơ cho cô bé nghe. Tôi ừ ào Ok và để xem cô bé sẽ phản ứng như thế nào. Ai ngờ sau khi nghe thằng Sơn mắc dịch ngâm khẽ bài thơ, cô bé quay lại nhìn hai thằng cười và khoe nguyên hàm răng...sún. Tôi ráng nín cười để cô bé khỏi đau lòng, mắc cở - nhưng thằng bạn tôi lại đau khổ gấp bội phần, vì người đẹp trong mơ của hắn đã làm hắn vỡ mộng ba sinh ngay từ giây phút đó.

Cũng vào khoảng mùa hè năm 1973 đó, trong một buổi sáng đi dạo quanh hồ Xuân Hương, tôi tình cờ gặp hai chị em Vân và Thu; nhưng Thu là người nhận ra tôi, xưa từng học ở trường Văn-Học ở đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) do nhà thơ Nguyên Sa (Trần Bích Lan) và phu nhân (Nga) làm hiệu trưởng. Thu bảo năm trước tuy học sau tôi một lớp nhưng đã để ý biết tôi và người bạn tên Thạch học cùng lớp.

Thấy tôi nàng liền nhận ra ngay, và sau đó hai chị em nhờ tôi làm hướng dẫn viên cho những ngày ở Đà Lạt. Tôi bán cái cô chị cho Sơn - vì  tuổi tác có lẽ cũng chắc ngang bằng hắn. Không ngờ chỉ vài ngày sau, Thu bị cú gọi là tiếng sét ái tình - y như câu ca dao "Đà Lạt đi dễ khó về, trai đi có, vợ gái về có con", mà cũng may tôi thuở đó rất lơ tơ mơ về chuyện yêu đương, chỉ trong phạm vi văn chương, thơ với thẫn mà thôi. Cô chị tên Vân cũng có vẻ khoái thằng Sơn, đi chơi thường hay nắm tay nhau rất mùi mẫn. Tôi không biết lúc đó mình vô tình hay ác ý, nhưng thâm tâm chỉ muốn Thu mang kỷ niệm thật đẹp, thật lãng mạn của thời còn con gái, để mai này như câu hát "đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo", và đó sẽ là cái kỷ niệm để an ủi, xoa dịu tâm hồn nàng mỗi khi có chuyện buồn xẩy đến trong đời. Hôm chia tay trước khi hai chị em trở về Sàigòn để vào trường ĐH Sư Phạm, tôi với Sơn đưa hai nàng đi vào quán cà Phê Tùng, rồi dạo quanh phố trước khi trở về khách sạn. Dĩ nhiên Thu đã cho tôi cái địa chỉ của nàng  và bắt phải hứa rằng nếu có về lại Sàigòn thì phải ghé thăm và tìm kiếm nàng. Tôi hứa nhưng trong lòng biết mình đã nói dối, thôi cứ để thời gian sẽ xóa nhòa vết thương lòng của một người con gái đã vội yêu, vội nhớ vì khung cảnh quá lãng mạn của vùng đồi núi; còn lại chăng sẽ là những ngày đầy thơ mộng, một kỷ niệm mà tôi nghĩ sẽ là những giây phút tưởng nhớ một thời đẹp nhất trong đời người con gái.




                                                             (ảnh chụp với Thu trên sân Cù ĐL)



Nẫy giờ tôi toàn nói về chuyện ăn chơi, lang bang với thằng bạn tên Sơn mà chưa hề đá động đến chuyện một mối duyên tương ngộ đã đưa đẩy cuộc đời tôi hoàn toàn vào một ngã rẽ khác. Những ngày cuối cùng trước khi trở về SG để vào học ĐH, Sơn rủ tôi đến dự tiệc của người bạn gái cũ cũng vừa đậu tú tài. Cóc có mục gì hay hơn để đi chơi, tôi nhận lời tuy chẳng mấy hứng thú gì cho lắm từ khi tôi bỗng thay đổi 180 độ, từ bỏ hết những cuộc ăn chơi nhẩy đầm thâu đêm, suốt sáng gần một năm trước đó. Trong bữa tiệc tôi rất ít nói, ai hỏi sao thì tôi trả lời thật ngắn gọn và được xếp ngồi đối diện với TH và CNA, sau này mới biết cả hai đều là bạn của An, tên cô gái bạn của Sơn. TH kể lại là đã gần năm, sáu năm mới gặp lại An và được cô bạn mời đến dự tiệc. Ban đầu TH không tính đi, nhưng không hiểu sao trong đầu như có tiếng nói bảo rằng sẽ gặp một người rất đặc biệt và quan trọng, nhưng trong suốt buổi tiệc TH bảo chả thấy ai có vẻ gì là nổi bật cho nàng chú ý, ngoại trừ một câu nói bâng qươ vô tình, nhưng rất thành thật của tôi  - sau khi nghe nói vài người có ý định về SG để học - tôi bảo nếu ai muốn biết về đường đi nước bước của các trường ĐH ở SG, tôi sẽ giúp. Chỉ có thế, và tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa, thậm chí ngay đến bây giờ - gần 40 năm sau tôi mới biết CNA cũng đã có mặt trong buổi tiệc ngày hôm đó. Chẳng ai ngờ cái buổi tiệc cuối cùng trước khi rời ĐL đó lại là một khúc quanh quan trọng nhất trong đời tôi, và nếu TH đã  quên khuấy hoặc không tin vào lời tôi hứa thì cái "khúc quanh định mệnh" này cũng đã chẳng xẩy ra. Thỉnh thoảng hồi tưởng lại, tôi thấy có hơn 1001 lý do để mà chúng tôi đã không có dịp "đấu tranh" với nhau hơn bốn thập-niên.


SVT




HÀNH TRÌNH VỀ ĐÀ LẠT – IV





Ai đã từng ở Đà Lạt mà không hề biết nơi gọi là Nguyệt Vọng Lầu thì quả thật là người cù lần, cả đẫn nhất thị-xã, cho dù người ấy không hảo ngọt - không thích ăn chè - nhưng ít nhất cũng phải một lần ghé lên phố chơi. Tuy đã từng đi ngang qua quán chè này đã bao lần, nhưng tôi chưa hề một lần ghé, vì xưa chỉ có 1 tiệm chè mà tôi thường hay vào ăn, đó là tiệm chè Dạ Thảo cũng nằm phía trên con dốc Minh Mạng này - nay đã không còn từ sau năm 1975. Khi theo đứa em trai lái xe trở lại Đà Lạt lần thứ nhì trong năm 2014 vừa qua, một chuyện mà từ trước đến giờ chưa hề làm - chẳng qua là vì sau bao nhiêu chuyến xuôi ngược Nam-Trung-Bắc và đã suy nghĩ kỹ lưỡng, vợ chồng tôi chọn Đà Lạt là nơi mình sẽ quay về và sống trong những ngày còn lại - khi không còn sức để mà làm những chuyến bay ngàn dậm,  kéo dài gần như cả nguyên ngày trên mây.



Cuộc hành trình lần này là để xem xét về vấn đề thị trường đất đai, nhà cửa ở Đà Lạt hiện nay ra sao - có bị "đóng băng", bán không chạy - như hiện tình chung cho cả nước. Do đó, lúc đi ngang qua tiệm chè Nguyệt Vọng Lầu này, thấy tấm bảng đề chữ "BÁN ĐẤT", sẵn cái máy ảnh trong tay và lười ghi những chi tiết vào cuốn sổ, tôi chụp đại một tấm làm tài liệu để sau này nếu muốn gọi liên lạc với người chủ miếng đất rao bán. Xưa không biết bao nhiêu chàng Võ Bị,  với cái phù hiệu Alpha mầu đỏ đeo trên vai, trong bộ đồng phục trông thật oai phong oai vệ - cuối tuần thường đưa những tà áo dài tha thướt vào quán này để tâm sự và chỉ cần ngồi nhìn môi nhau cũng đủ thấy cái vị ngọt ở đầu lưỡi. Bây giờ tôi không biết quán này còn hoạt động nữa hay không, sao lại treo cái bảng bán đất nơi cửa sổ che cái tầm nhìn xuống con dốc ở phía dưới thay vì ở một góc khác.



Ngoài những tiệm chè, tiệm bánh, và các quán cà phê  - như quán cà phê Tùng, Tao Đàn, Hương Sơn hoặc Hạnh Tâm bên bờ hồ - vào những ngày cuối tuần hay những dịp lễ thường đông khách,  ai lên Đà Lạt phải một trải nghiệm ít nhất là một lần,  đứng hoặc ngồi lê la trên các vỉa hè ở góc đường Minh-Mạng, Tăng Bạt Hổ để gọi uống một ly sữa đậu nành thật nóng hổi, đi kèm với dăm ba cái bánh Xu, bánh Cốm, bánh Đậu Xanh, v.v…nhìn thiên hạ, ông  đi qua bà đi lại - hay lãng mạn hơn là nhìn những cặp nhân tình ôm nhau đi khung trời về đêm giá lạnh. Bảo đảm, đi một lần rồi bạn sẽ cảm thấy ghiền, thấy nhớ khi rời xa cái phố núi đầy sương với những cái kỷ niệm ấm cúng đó.
 


Nhưng sự thật thì bạn cũng phải nên cẩn thận, đề phòng vì bây giờ nghe nói có những người mua loại bột đậu nành pha, hay làm toàn bằng chất hóa học sản xuất từ Trung Quốc, uống vào sẽ thấy vị cũng không khác chi mấy nhưng dĩ nhiên rất là độc hại. Nếu là một phóng viên, nhà báo ở đó, chỉ cần giả vờ hỏi mua lại bã đậu nành để đem về cho heo ăn, xem người chủ quán sẵn sàng bán thay vì đem đi đổ rác. Nếu họ không có một số lượng bã nhiều  như sữa đậu nành họ bán, ít nhiều gì người ta đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, đi con đường tắt để kiếm lời, quên đi cái luật Nhân Quả cho mai sau.


Nếu như bạn vẫn còn đói bụng, thích những món ăn vặt và không muốn vào nhà hàng vì sợ chặt chém, không ngon, hay chẳng có cái không khí vui nhộn, tấp nập thì mời bạn ghé sang khu chợ Hòa Bình, nơi có bậc thang cấp dẫn xuống khu chợ dưới mà ban  đêm nó thường trở thành khu ẩm thực cho dân địa phương và du khách có máu liều, muốn thử những món ăn lạ.  Tôi tình cờ bắt gặp một cô gái có một nụ cười thật tươi, ngồi bên cạnh vừa gọi món ăn, vừa giải thích cho anh chàng ngoại quốc - bạn hay là người yêu tôi chẳng rõ, vì đứng phía xa chụp lại với cái ống kính telé. Chàng trai ngoại quốc này tay đang cầm cái bánh  "Pizza Đà Lạt" - một sáng kiến rất thịnh hành hiện nay ở đây mà vật liệu chỉ là cái bánh tráng với 1, 2 cái trứng gà đánh ra và trải đều trên bếp than, nướng với những gia vị như hành lá, tôm khô và có khi cả xúc xích thái mỏng nữa. Nhìn đôi bạn hay đôi nhân tình này ngồi cạnh bên nhau ăn uống, thì thầm nói chuyện mà thấy lòng chợt thở dài, tiếc cho cái thời vàng son như thế của mình mới đó mà  đã qua tự bao giờ, đã phôi phai lùi dần vào dĩ vãng.








Phải thừa nhận rằng ngay từ năm 1999 - lần đầu tiên trở về thăm lại Đà Lạt cho đến giờ, tôi chưa hề gặp một người ăn xin ở cái thị xã nhỏ bé này mà tôi từng nghĩ, có lẽ tại cái lạnh khiến cho những người không gia cư, không nơi nương tựa phải tha phương đi những chốn mà khí hậu ấm áp hơn, dễ sống hơn - như ở Sàigòn chẳng hạn. Chứ đêm mùa đông ngủ ngoài trời ở đây thì chỉ có nước lạnh cóng, có khi lạnh thấu xương khó mà chịu nổi. Vậy mà sáng hôm nay, lúc đi bộ leo lên ngọn đồi – con đường mang tên Lê Thị Hồng Gấm -  nơi khi  xưa có Trung Tâm Tạm Giam, tôi thấy hai người đang nằm co quắp ngủ say trong căn chòi lót gạch với mái ngói xây cho du khách dừng chân, đứng nhìn quang cảnh hồ Xuân Hương ở phía dưới. Không biết đây có phải là hai người say rượu nên cóc cần biết trời lạnh hay không, nhìn quanh tôi chẳng thấy vỏ chai bia, hay chia rượu nào, hy vọng họ chỉ ghé tạm qua đây rồi sau đó lại lên đường xuôi nam. 




Cuối bờ hồ cách chỗ hai người này nằm không xa, có một miếng đất mà người ta quảng cáo là "đất vàng" - đang  cần bán  mà mỗi mét vuông chỉ có 140 triệu đồng - nghĩa là 14 tỷ đồng cho 100 m2 - đủ để xây một mái nhà tranh nho nhỏ cỡ 5m x 20m. Uổng một điều là người ta không cho câu cá trên hồ Xuân-Hương, chứ có miếng đất và xây cái nhà ở đó, mỗi sáng sách cần câu xuống kiếm vài con cá về chiên hay kho, coi bộ cũng dư sức sống qua ngày.



Ở Việt-Nam có một trong những điều vô cùng nghịch lý, đó là số thu thập bình quân của người dân trong nước không tới $3 triệu đồng một tháng - hoặc $36 triệu cho một năm - theo thống kê thì gần như thấp nhất ở Đông Nam Á, thế mà giá nhà cửa, giá đất thì  lại  chẳng thua gì ở bên Mỹ; nếu tính theo kiểu dân nghèo  ở Mỹ với số lương bèo nhất là $9/giờ - nhân cho 2010 giờ cho một năm và theo hối xuất là 1 US = 22,000 đồng Việt - thì họ cũng quơ về được $398 triệu đồng tiền Việt, vậy mà đa số vẫn phải đi ở thuê, ở chung chạ mướn phòng. Nhìn cái bảng bán nhà với chữ "Giá Rẻ" trong tấmhình phía dưới. Giá cả toàn bạc TỶ, toàn cỡ ông lớn và đại gia chỉ có thể tung tiền ra mua mà thôi.





những mảnh đất đi xem



Nói cho cùng, Viện Giám Sát và Thống Kê ở Viêt Nam kể ra có lẽ cũng thành thật và đưa ra con số chính xác, chỉ dùng số lương thật sự được lãnh, kiếm đuợc từ mồ hôi, nước mắt của mọi người - từ quan lớn cho đến dân quèn, cho nên con số lợi tức thu thập bình quân hàng năm mới thấp đến thế, hơi đâu mà tính thêm ba cái chuyện lẻ tẻ như bôi trơn, phong bì, cắt xén...chứ nếu cộng lại hết thì  có khối gì những tỷ phú, đại tỷ phú ở Việt Nam nên đất đai, nhà cửa mới bị giành giật, mà có một thời leo giá đến chóng mặt.






Nhân tiện nói về chuyện đất đai nhà cửa ở Việt nam, hiện nay từ Đà Nẵng, đến các tỉnh ở miền Tây - đâu đâu cũng thấy mọc lên công trình xây dựng - gom tất cả các trụ sở hành chính (xưa gọi là công sở) - về một nơi, với một lý do rất chính nghĩa, chính đáng đó là để tiện việc cho người dân đi làm thủ tục đủ mọi thứ giấy tờ ở một nơi, không phải chạy đôn chạy đáo rồi lại chầu chực cả ba phương, bốn hướng. Ở Đà lạt cũng nằm trong cái kế hoạch đó cho cả nước. Đứng từ phía cổng vào của Ấp Ánh Sáng năm xưa - nay đã chẳng còn - tôi chụp tấm hình 5 cái tòa nhà mầu trắng ở trên đồi - ngay trên con đường Trần Phú, nằm ở hướng phía trái của nhà thờ Con Gà - vừa xây xong và mới khánh thành cách đây một, vài tuần. Sự thật thì người ta muốn vẽ thêm chuyện, thêm công trình để có giúp bao nhiêu người bỗng trở thành tỷ phú với một vài chữ ký, còn những cơ sở hành chánh cũ thì sao? thì lại thuộc về tay của người nào thì ai cũng dư biết.


 nhà ga Đà Lạt


Rồi trong một lần trong chuyến đi xem đất đai, tôi tình cờ tạt ngang qua khu nhà ga, nên ghé vào xem sự đổi thay của nơi chốn mà ngày xưa mình thường ngang qua khi còn ở thuê một căn phòng ở cư Xá Nha Địa Dư, nơi ba chị em Dung, Thanh và Mai đã ở. Ga Đà Lạt bây giờ đã được trùng tu, sửa sang lại nên trông cũng tươm tất, ít còn cảnh hoang tàn, đổ nát như ngày xưa, vì bây giờ nhiều du khách Âu Châu muốn đến xem cái văn hóa và công trình của người Pháp xưa đã để lại và cũng là nơi bắt đầu có chuyến xe lửa dành cho khách du lịch, mỗi ngày 3 chuyến lên xuống từ Đà lạt xuống Trại Hầm.


Trước cổng vào nhà ga vẫn còn những hàng quán nhưng bây giờ nhiều hơn xưa. Tôi nhớ xưa có cái tiệm phở tên Phở Phi Thuyền, sau khi tôi bán được bộ đồ Vest còn lại từ thưỏ còn ăn chơi - có vài ngàn bạc rủng rỉnh trong túi, tôi và Sơn rủ nhau vào tiệm - mỗi thằng quất hai tô phở "Xe Lửa" , nghĩa là tô lớn - vì đã lâu chưa được vào tiệm kéo ghế ngồi ăn những món "xịn" như thế, cho dù mỗi tô phở hình như chỉ chừng $30 - $50 đồng bạc. Hôm đó hai đứa ăn no căng diều hâu, đến nỗi bà chủ tiệm tưởng như hai thằng chết đói từ trên rừng mới xuống phố.

Ngày hôm sau tôi trở lại khu nhà Ga, sau khi đã đi một vòng ghi lại  hình ảnh của Đà Lạt bừng tỉnh trong cảnh bình minh, tôi nhờ bác tài xế xe ôm đưa tôi đến con đường Nguyễn Du, nơi xưa tôi và Sơn đã một lần ghé chơi nhà của thầy Hiệu-Trưởng Chử Bá Anh. Bề ngoài trông cái biệt thự ấy vẫn không gì thay đổi và có vẻ như hoang vắng, không ai ở khiến tôi rất lấy làm ngạc nhiên, vì  với cái diện tích và địa điểm của biệt thự này phải là loại "đất vàng", cỡ ít nhất chục tỷ bạc -  thế nào cũng bao nhiêu kẻ ngắm nghé, muốn làm sở hữu, và xây cất lại với kiểu biệt thự to lớn, bề thế hơn.






Về nhà mở phóng lớn tấm hình qua Photoshop, tôi mới thấy có cánh cửa  đang mở và bên trong  một chiếc xe tay ga - nhìn đâu như hiệu Honda Attila - với bảng số của tỉnh Lâm Đồng số 49 Phường 3 mà chỉ cần lên Công An tỉnh hỏi vài câu  sẽ biết ngay ai là chủ của chiếc xe. Có lẽ kẻ ở tạm đây không muốn sự chú ý của người ngoài, nên họ đã để yên cái sofa rách tơi tả ở hiên nhà; nhưng nhìn sân trước trông sạch sẽ, quang đãng - không một ngọn cỏ dại mọc, và cánh cửa mầu xanh khép kín phía nhà sau vẫn còn nguyên vẹn, như đã được ai đó trưng dụng và bảo trì thường xuyên, không bị lệch lạc hay rỉ sét. Con đường Nguyễn Du ngày xưa trong trí tưởng chỉ là một con đường nhỏ với hàng thông cao ngất, rậm rạp hai bên đường, nay đã được mở rộng thêm, chưa kể là có một nơi nghỉ dưỡng (resort) rất sang trọng mới mọc lên phía bên trái, cũng trên con đường này từ phía bờ hồ đi vào. 



bao năm lưu lc xa đất nước
chàng lên non tìm l
i thy xưa
phong c
nh vn còn như thưở trước
th
y đã yên m mt chiu mưa.



Mới hơn một tháng trước, tôi còn đứng trước căn biệt thự này, nghĩ đến bốn câu thơ trong đầu  nhớ đến người  thầy của mình mình ngày xưa,  vậy mà giờ đã tiễn đưa thêm thằng bạn học một thời cùng với mình lang bạt, ngao du ở thành phố cao nguyên - nay đã nằm dưới mộ sâu; mai này rồi cũng đến phiên mình chẳng khác gì như đám mây trắng đang bay ở trên trời, thoáng chốc sẽ tan vào hư vô.


SVT 01/12/2015 



HÀNH TRÌNH VỀ ĐÀ LẠT - V 




Bất cứ cuộc hành trình nào, cũng như một đời người, đều có khởi nguồn và trạm dừng chân cuối cùng. Tôi sinh ra ở giữa lòng Hà Nội, theo bố mẹ lang bạt vào Nam và hầu như hơn 20 năm lớn lên  và trưởng thành ở Sàigòn - chỉ một khoảng thời gian ngắn 73-74 là tôi đã tình cờ lên và ngụ ở Đà Lạt - rồi sau đó theo làn sóng di dân ra nước ngoài năm tháng Tư năm 1975.

Nếu bảo rằng đương nhiên tôi phải có nhiều kỷ niệm ở Sàigon hơn tất cả mọi nơi thì không sai mà cũng chẳng là đúng hẳn. Lý do là vì như người ta thường nói "phẩm hơn lượng", nghĩa là những gì đáng nhớ vẫn là những kỷ niệm quan trọng và  mang ấn tượng thật sâu đậm, còn lại chăng phần lớn của dĩ vãng cũng chẳng có gì nhiều để đáng nhớ, thêm vào đó Đà Lạt đã là nơi đưa tôi đã gặp một người và đã đưa tôi vào một khúc quanh lớn nhất trong đời, chính vì thế mà tôi thường hay nhắc , hay kể về những chuyện kỷ niệm ở Đà Lạt hơn là ở Sàigòn, và nhất là đó sẽ là bến đỗ cuối cùng của đời mình.

Chuyến về Đà Lạt vừa qua đã khiến vợ tôi gặp lại được người bạn học cũ sau hơn 45 năm không gặp, còn tôi - tôi cũng không ngờ có ngày gặp lại Chi, một "nhóc tì" hàng xóm của Hoàng Như Sơn năm đó hình như Chi cũng chỉ vừa mới 12, 13 tuổi, và gặp luôn cả Dung - cô bạn học cùng lớp mà không hiểu sao, xưa tôi vẫn nghĩ cũng chỉ là một "cô bé má đỏ môi hồng" học cùng trường và cũng là em họ của Sơn.


Ngày gặp lại "bé" Dung ở quán Cà phê Rose, Dung nay đã là bà nội, bà ngoại nhưng tôi không thể nào không nhận ra vì Dung vẫn còn cái nụ cười hiền lành và đôi má phúng phính, đỏ hồng như ngày xưa. Rất ít người mà từ bé tới lớn - tuy qua bao nhiêu thập niên - mà vẫn không hoàn toàn thay đổi, vẫn có thể nhận ra sau bao năm xa cách, Dung là một trong những người thuộc loại người này, và ngay cả đến giọng nói cũng thế. Ngày hôm đó, tôi đã lỡ hẹn với thằng em nên không có nhiều thì giờ để trò chuyện với cô bạn học cũ, đành hẹn lại năm sau, khi tôi sẽ trở lại không những lần nữa và nhiều lần mai sau.


Nhờ Dung cho tôi biết là Chi - cô bé hàng xóm năm xưa - vẫn còn ở Đà Lạt với chồng và một cô con gái,  ngày hôm sau tôi ghé đến khách sạn mà Chi hiện đang làm ở đó, nghề của Chi bây giờ là cai quản, trang hoàng hoa cho toàn thể khách sạn, nhất là trong những dịp lễ, ngày hội thảo của các công sở, v.v...Hôm trước nói chuyện với Chi qua điện thoại, trong giọng nói ấy tôi nhận ra nỗi vui mừng trộn lẫn cảm động vì không ngờ có ngày tôi đã tìm và gặp lại cô bé nhóc tì hàng xóm ngày xưa.  Mấy lần đầu về Đà Lạt, tôi bỏ công lái xe lòng vòng đi tìm lại nhà của hai "nhóc tì" này nhưng hàng xóm bảo không ai biết hay đã dọn đi đâu. Ai có ngờ tôi đã đi tìm lộn địa chỉ mà Dung bảo sau năm 75 đã thay đổi, mà nhất là tôi đã quên mất đoạn đường vào nhà Sơn - chứ từ con đường Yersin rẽ vào Phạm Hồng Thái tôi còn nhớ rõ là qua cây cầu nhỏ rồi đến khúc quanh có một căn nhà trồng những cây hồng mà đến mùa thu hoạch thì trên cây đầy những trái hồng to lớn, nặng trĩu đầy cành - rồi đi một đoạn nữa sẽ đến căn nhà của Sơn, ngay cạnh bên căn nhà của gia đình Chi - bố của Chi là chú Giảng, tài xế cho TT Nguyễn Hợp Đoàn thuở bấy giờ. Chi kể lại  đó là những tháng ngày tuy gia đình sống trong cảnh nghèo khó nhưng ít ra vẫn được bình an và hạnh phúc, mang lại đến nhiều kỷ niệm tuổi thơ êm đềm trong lòng.

Trong cuộc đời, buồn vui luôn lẫn lộn. Mới ngày nào gặp lại người bạn học cũ và hai cô hàng xóm năm xưa, tháng sau đã nghe tin Hoàng Như Sơn đã qua đời. Hạnh phúc và khổ đau thường luôn đi với nhau, giống như bất cứ loại phương tiện di chuyển nào mà con người đã sáng chế - như chiếc xe đạp, xe hơi và ngay cả đến xe bò cũng phải có cách để tăng tốc độ và cái để thắng. Đau khổ là cái bàn thắng để con người có lúc phải chậm lại, tạm dừng chân - đừng để mình lỡ đi quá trớn mà quên đi những nguy nan còn rình rập ở phía trước, vì đường đời chẳng bao giờ bằng phẳng, yên ổn mãi. Tôi còn nhớ những tháng ngày đầu tiên ở Đà Lạt, đó là những giây phút thần tiên nhất trong đời của tuổi thanh niên, nhưng tôi biết chắc chắn nó sẽ không mãi mãi tồn tại, như con đường thẳng nào rồi cũng phải có ít nhất một khúc quanh. Ngay lúc đó tôi đã linh cảm đây cũng là một khúc quanh lớn trong đời, nhưng không thể nào hình dung nổi nó đã quan trọng và sâu đậm đến mức nào, cho đến khi lần trở lại Đà Lạt trong chuyến đi hai năm - 2012 - trước đây.

Một trong những ngày xa xưa khi còn đi tìm hiểu thế nào là đau khổ, thử thách đang chờ đợi mình phía trước mặt, tôi tình cờ được hội kiến một nhân vật rất bí ẩn và có những khả năng mà có người từng ví như là Khổng Minh - Gia Cát Lượng của thời  Tam Quốc Chí. Được biết qua một thông tin của một nguời bạn làm báo chí, người sĩ quan được nhắc đến này mang cấp bậc Trung Úy , nghe nói là một trong những sĩ quan cố vấn, tùy tùng cho Tỉnh Trưởng ĐL, vì được giao phó, nhờ "giữ dùm" bởi  lá thư của một vị tướng tư lệnh, sau chiến dịch Hạ Lào 1971(còn gọi là Chiến dịch Lam Sơn) - khi vị tướng này được tin là miền Bắc đã treo giá $5 triệu đồng (tiền VNCH thời bấy giờ) - còn sống hay chết - cho cái mạng của người sĩ quan tuy tùng này. Một trong những câu trả lời của viên sĩ quan này cho câu hỏi của tôi là bao giờ chiến tranh Việt Nam mới chấm dứt thì anh ấy bảo rằng "sẽ sớm thôi, nhưng từ Bắc chí Nam sẽ phải gặp nhiều gian truân, đau khổ". Tôi không hiểu ý nghĩa của câu trả lời này cho đến khi mình được an toàn ở trên chuyến tầu Green Wave, đem tôi rời khỏi Việt-Nam trên đường đang vào hải phận Phi Luật Tân ngày 28 tháng 4, 1975 - mới biết rằng nếu miền Nam có thắng cuộc, chỉ mất vài năm - hay cùng lắm là một thập niên - thì cả nước có lẽ đã chẳng đối diện với những khó khăn và vất vả vẫn còn kéo dài mãi cho đến giờ phút này.

Trước ngày tôi trở về Sàigòn để theo đuổi bậc Đại-Học, người Trung Úy này đã tặng tôi cuốn sách "Học Thuyết và Tư Tưởng Chính Trị của Quản Tử", và bảo rằng rất tiếc là tôi đã không còn ý định theo đuổi chuyện chính-trị, vì theo anh tôi có những cá tánh và kiến thức - biết  thế nào là một chính trị gia - mà quan trọng hơn hết, khi tôi biết thế nào là "khi như rồng, khi như rắn" - một triết lý về chính trị, một cái nhìn  tổng quát nhưng sâu sắc về đời người - của Quản Tử mà hơn 10 năm sau tôi mới hiểu thấu đáo ý nghĩa của nó. Có thể nói, người sĩ quan này là người đã ban tặng cho tôi một cái la bàn (compass) dùng để giúp tôi định hướng, và một cái gương soi để hiểu những góc cạnh  mà người thường ít khi nhìn thấy - nói chung, đã dẫn đưa tôi vào một khúc quanh khác của cuộc đời.

Nghĩ cũng lạ, nếu nói về phương diện địa vị thì giống rồng thường ở trên vị trí cao, còn rắn thì luôn luôn ở dưới đất, thấp hơn nhiều. Nếu dùng  hai quốc gia trên thế giới để biểư tuợng, so sánh một cách đại khái (trên mọi phương diện - văn hóa, quân sự, kinh tế...) mà chúng ta đã từng sống, từng trải qua thì có lẽ Hoa Kỳ và Việt-Nam sẽ là hai quốc gia mà tôi muốn nói đến. Tạm gạt qua một bên cái huyền thoại dân Việt là dòng giống "con Rồng, cháu Tiên" (vì nếu quả thật là như thế thì tôi cũng chẳng biết có bao nhiêu loại Rồng, mà chẳng lẽ lại có loại rồng thật dỏm trên cõi đời :) .  Tôi không biết, mà cũng chẳng quan tâm gì về những người Việt kiều khác đã, đang và sẽ quyết định chọn Việt-Nam để về hưu, dưỡng già. Tôi cũng dư biết rằng sẽ có hai quan điểm tương phản: đồng ý và chống đối về cái quyết định ấy, vì đó chẳng qua cũng chỉ là những cái gọi là cái Âm-Dương (hay "Rồng Rắn") thường đi đôi trong mọi vấn đề - không bao giờ tách rời khỏi nhau có thế thôi. Ngoài ra, theo cái triết lý hay chiến lược của Quản Tử thì con rồng bay cao mãi cũng sẽ có lúc đáp xuống để nghỉ, còn giống rắn lúc yếu nhất - thất thế nhất - là lúc nó đang lột da để có một lớp da mới hơn, già dặn và thâm sâu hơn. Khi còn được như "rồng" thì phải hành động như giống rồng, khi mình như con rắn đang lột da, bắt đầu dần yếu đuối thì phải chuẩn bị chốn ẩn náu, nương thân. Tôi thấy có những người tuổi đã lớn, thay vì phải buông bớt những nhọc nhằn, họ lại đeo thêm những gánh nặng khác - như mở mang, khuyếch trương thêm cơ sở thương mãi, sản xuất, v.v...giống như người đang cố gắng bơi ngược dòng, chẳng mấy chốc cũng phải chóng buông xuôi, vội vã vứt bỏ những công lao vừa tạo dựng một cách thật phí uổng.



Nẫy giờ tôi nói nhiều về những thứ có vẻ như lung tung,chẳng liên quan, dính dáng đến cái đề tài "Hành trình Về Đà Lạt", nhưng thực ra đó mới chính là những nguyên do đã đưa tôi đến việc gọi là tìm về cội nguồn, mà nguồn gốc đây chẳng phải là nơi mà tôi đã sinh ra hay đã lớn lên, mà là nơi đã nẩy sinh trong tôi những khái niệm, chân lý khác thường về một đời người . Trên con đường lên Đà Lạt chuyến đầu trong năm ngoái, tôi đã gặp một ông từ California đi cùng với cô em gái từ Sàigòn , và ông kể là ông đã về hưu được vài năm, vợ ông chưa đến tuổi hưu và đã dùng hết những ngày nghỉ cho nên đã không tháp tùng theo ông về Việt-Nam chuyến này. Hỏi ông nếu có sự chọn lựa, thì ông sẽ thích được về hưu ở đâu thì ông ấy bảo rằng đương nhiên sẽ là ở Việt-Nam ; không như nhiều người khác sẽ chọn tiểu bang California, vì đó là nơi họ sẽ được hưởng mọi quyền lợi - một lời hứa của chính phủ - cho những kẻ đã từng đi làm và đóng thuế sau bao thập niên. Tôi nghĩ rằng về phần tâm linh, ai cũng muốn "hoàn toàn" đặt tin tưởng vào Chúa, vào Phật (hay những vị thần linh nào đó) mà về phần vật chất thì có lẽ họ tin tưởng nhiều hơn về lời tuyên bố của chính phủ địa phương đã hứa với họ, vì nghĩ khác hơn sẽ mang đến nhiều nỗi lo âu, khúc mắc cần phải dùng đến đầu óc để nghĩ cách giải quyết. Ít người có cái tánh tò mò và đa nghi - thuộc loại bậc thầy của Tào Tháo - như tôi cho nên chuyện đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. Đó là tôi chưa đề cập đến chuyện sự thật  đã bị che dấu, dư luận và tin tức bị bóp méo cả hàng chục năm nay khiến con người trở thành ù lỳ, sống thụ động như máy móc tìm vui trong những trò chơi, máy móc điện tử mới phát minh ra mỗi ngày. Hơn 6 thập niên trước, người ta tính rằng cứ mỗi người về hưu thì sẽ có đến 25 người đi làm để nuôi họ; rồi con số ấy dần dà thu hẹp cho đến cái viễn ảnh trong một ngày rất gần, chỉ cỡ 3 người đi làm đóng
thuế sẽ phải nuôi 1 người ăn lương hưu trí - cứ như thế thì (1) một là thuế má rất cao cho những người còn đi làm, (2) hai là lợi tức hưu trí sẽ bị cắt giảm rất nhiều - có thể hơn 1/2 -  giải pháp thứ ba (3) là quỹ hưu trí phải vỡ nợ, xóa sổ làm lại từ đầu mà kết quả cũng chỉ là quyền lợi bị cắt giảm trầm trọng; hoặc đó sẽ là sự tổng hợp của chuyện người đi làm phải đóng thuế cao hơn và người hưởng lợi thì sẽ bị cắt giảm một cách tương xứng. Kinh khủng hơn tất cả (4) là làm sao "xóa sổ" bớt đi những "chủ nợ", hay khiến rút ngắn lại cuộc sống của họ để đỡ phải trả tiền hàng tháng.  Đằng nào thì cũng đến "La Mã" cho cái gọi là kế hoạch ăn lương hưu trí của người dân Mỹ nói chung và của Việt kiều nói riêng. Đưa ra điều này quả là sẽ chẳng mang lại lạc quan tí ti ông cụ nào cho người đọc, nhưng đó là sự thật, là những trường hợp sẽ có thể xẩy ra - ngoại trừ những chuyện bất ngờ,  thần kỳ khác sẽ giúp đất nước này thoát khỏi bài toán kinh tế hóc búa mà tôi chưa tài nào nghĩ ra. Hy vọng là những điều tôi suy đoán về tương lai hoàn toàn sai lầm, vì đó là tương lai của những đứa con, cháu và thế hệ tới sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào đó.



Trở lại chuyện trong lúc thăm dò vấn đề nhà cửa, đất đai ở Đà Lạt, tôi tình cờ được một Việt kiều từ Mỹ về đưa đi xem những miếng đất mà ông ta làm chủ và muốn bán. Tôi không nhớ rằng câu chuyện bắt đầu từ đâu, nhưng đại khái cũng đề cập đến chuyện Việt-Nam và Đà Lạt sẽ là nơi lý tưởng nhất để về sống, nhất là cho những người về hưu thích yên tĩnh. Có một điều nghịch lý là ông ta cũng vừa mới sang Mỹ, và tiết lộ rằng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn USD là ông ấy sẽ có thẻ xanh còn nhanh và rẻ hơn là bỏ ra $150 ngàn USD để đầu tư vào một dự án xây trường học nào đó ở bên Mỹ mà tôi đã từng thấy đăng quảng cáo trên nhiều tờ báo lá cải ở California và ngay cả ở Việt-Nam. Nghĩa là trong lúc quảng cáo, khiêu gợi những gì tốt đẹp, tiện lợi và sẽ mang nhiều sung sướng đến cho những kẻ muốn về Việt-Nam mua đất, xây nhà thì ông ta đồng thời lại muốn bán đất, lấy tiền càng nhanh càng tốt để được thoát khỏi nơi này và sống ở một nơi người ta gọi là "thiên đường hạ giới", ở tiểu bang mà mùa hè trên bãi biển thường có nhiều cô gái tóc vàng với thân hình rực lửa, thật hấp dẫn như theo lời ông kể. Một câu chuyện của rắn nay lại muốn thành rồng và con rồng đã mỏi mệt chỉ muốn hạ cánh nghỉ ngơi không hơn không kém.



Nếu ai hỏi tôi điều gì ở Đà Lạt khi xưa đã mang lại cho tôi cái ấn tượng sâu đậm nhất thì tôi phải nói rằng đó là những giàn hoa, bụi hoa đủ loại mọc dại bên đường, cộng thêm nếp sống từ tốn, chậm rãi , rồi những con dốc lên dốc xuống, cho đến cả cái thi vị gọi là  "trời thấp thật gần", tạo cho tôi cái cảm tưởng con người ở đây rất gần gũi, thân cận - không như cái ồn ào náo nhiệt ở Sàigòn, mỗi người là một hoang đảo riêng tư; thêm vào đó là cái giá lạnh của đồi núi khiến  người ta có lẽ dễ gần lại với nhau hơn.


Hành trình về Đà Lạt của tôi - nếu khách quan nhìn từ  cao độ trên 30,000 mét -  chẳng qua cũng chẳng dị biệt gì với cuộc hành trình trong đời của bao nhiêu người khác. Cũng phải khởi đầu từ một điểm và sẽ chấm dứt ở một điểm. Khoảng cách giữa hai điểm còn tùy vào định mệnh đưa đẩy và sự  hiểu biết, chấp nhận cái giá phải trả của từng cá nhân, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ bấy nhiêu - cũng chỉ là "sanh, tử, bịnh, lão". Ở Sàigòn tôi có nhiều thật, về những kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ, tuổi mới lớn với nhiều hoài bão trộn lẫn cả những phẫn nộ trong xã hội thời bấy giờ, nhưng nó chưa đủ để khiến tôi thực sự trưởng thành cho đến khi tôi lên ở Đà Lạt. Có lẽ chính vì quá lưu tâm về những kiến thức để đời đó đã khiến tôi trở thành một kẻ rất thờ ơ -  lơ tơ mơ - về chuyện tình ái, tại đầu óc lúc ấy chỉ luôn hướng nhìn về tương lai. Cũng may là nhiều hình ảnh nên thơ của Đà Lạt, nhất là những kỷ niệm lãng mạn mà tôi đã vô tình gây ra và lưu lại vẫn còn lẩn quẩn trong tiềm thức để trở thành đề tài cho những vần thơ, truyện ngắn cho tôi viết kể lại trong những ngày tha hương lưu lạc ở một quốc gia khác, nơi chốn thật xa lạ khác.



Trên con đường đời - hay bất cứ trong một cuộc hành trình nào - nếu có được một người bạn  để cùng đi với mình thì đó là một diễm phúc lớn lao nhất trong đời. Thú thật là nhiều lúc tôi không hiểu chính mình đã chọn TH. - hay TH. đã chọn tôi - định mệnh đưa đẩy để chúng tôi trở thành hai người bạn đời, thoáng đó mà đã hơn 40 năm trôi qua. Nếu ví von đặt cho TH. là con rùa thì tôi là con thỏ; TH. nhút nhát bao nhiêu thì tôi đôi lúc lại bặm trợn, ba gai bấy nhiêu - nghĩa là hoàn toàn trái ngược nhưng nhất thiết - như cái nồi với cái nắp - thứ triết thuyết Âm Dương. Trước ngày quen tôi, TH. đi xe hơi cũng chóng mặt, đi đò thuyền cũng buồn nôn, đi máy bay cũng dễ xây xẩm...đại khái, chính hiệu con nai vàng tiểu thư Đà Lạt; lấy phải ông chồng có máu lãng tử, thích ngao du riết rồi bây giờ đã quen, cũng bụi đời, sương gió như tôi. Đã bao nhiêu lần chúng tôi đi từ Châu Đốc ra tận Hà Nội, và từ Hà Nội xuôi nam bằng đủ mọi phương tiện chuyên chở: xe buýt, máy bay, xe đò, tầu bè, thuyền, xe lửa - chưa kể tôi từng đã lái xe gắn máy đi đường xa liên tỉnh, hơn cả tiếng đồng hồ; hoặc chen chúc, len lỏi trên đường phố lớn ở Sàigòn, Đà nẵng, Huế, Hà Nội...mà ai hỏi TH. có cảm thấy sợ khi ngồi phía sau xe cho tôi lái, nàng thường cười cười trả lời : Quen rồi! mình cứ bình tĩnh mà...run, có thế thôi! :)



Còn tiền, còn sức, còn gân

sân chơi dẫu lớn cũng ngần ấy thôi

nằm đây mà ngẫm sự đời

thấy toàn là lỗ, mà lời cũng không !

thôi thì ta cứ cà nhông...




SVT 2014
















































Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An