NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - NHA TRANG



Đèo Ngoạn Mục


Từ Đà Lạt xuống Nha-Trang - sau khi người ta mở thêm con đường trên đèo Ngoạn Mục mới cách đây hơn 3 năm - bây giờ chỉ mất không tới 3 tiếng đồng hồ, đó là kể cả giờ dừng chân, nghỉ xả hơi; mà ai có chút ngông hoặc máu lạnh, hay vì công chuyện cấp bách - nghĩa là đạp chân ga chạy tốc váy - cũng có thể chỉ mất hơn 2 tiếng.  Sau khi ở Đà Lạt hơn 3 tuần lễ, trong một buổi chiều hai vợ chồng đi bộ từ ĐH Sư Phạm – khu Yersin - xuống tận phố để đi ăn tối, trên đường đi ngang qua bờ hồ thấy bầu trời hiện lên vầng tà dương với một mầu "tim tím ban chiều, tim tím mai" (thơ Cung Tích Biền), tôi phải chụp lấy vài tấm ảnh để lưu niệm, vì sáng sớm hôm sau vợ chồng tôi  sẽ ghé xuống Nha-Trang vài ngày.


Hoàng hôn trên Hồ Xuân Hương - Đà Lạt

Bất ngờ hôm xuống Nha-Trang, cũng trong một buổi chiều tà lái xe đi loanh quanh tìm quán ăn quen thuộc mà mỗi lần ghé thăm Nha-Trang, tôi vẫn thường ghé đến. Lúc trên cầu Trần Phú từ làng chài trở về phố, thấy bầu trời trên biển Nha-Trang cũng xuất hiện một mầu sắc tương tự như ở Đà-Lạt, tôi cũng vội chụp vài tấm để đem về xem và so sánh.


Hoàng hôn trên biển Đông - Nha Trang

Trước khi tôi đi quá xa - chỉ nói về Nha-Trang - cũng nên kể sơ qua về những chuyến đi mà tôi coi như thường lệ khi đã ở  Đà Lạt sau một khoảng thời gian, thì cuộc hạnh trình kế tiếp như trước đây - thường là một chuyến "trốn lạnh", tìm miền  nắng ấm với gió biển. Nha Trang là nơi lý tưởng nhất. Trên con đường đèo trước khi xuống Nha Trang, rời thành phố Đà Lạt,  từ Trại Mát, Trại Hầm trở đi - khi thấy loài hoa xưa hay gọi là Cúc Quỳ - nay là Dã Quỳ - vàng rực rộ nở hai bên đường, tôi biết là những ngày mưa phùn gió bấc ở Đà Lạt cũng sửa soạn sắp hết, nhường lại  bầu trời xanh, nắng ấm cho những nụ hoa Đào nẩy mầm trên cành, chờ đợi những ngày xuân sắp đến.


Kế tiếp là cảnh sương mù khi xe dân lên dốc, sắp sửa vào con đèo Ngoạn Mục (nhưng đi trên con đường mới), và sau đó bạn sẽ thấy nhiều con suối, thác nước lớn nhỏ dọc hai bên đường - như những người lái xe gắn - dân đi phuợt - thường hay làm, nhưng tôi vì ngồi trên xe bus của hãng Sinh Tourist, mà tài xế bị giới hạn là phải đến Nha-Trang đúng giờ, cho nên hiếm khi dừng dọc đường (ngoại trừ những trường hợp để hành khách "xả hơi", không thì nguy to trên xe !), và thường là quán Kim Phượng, điểm dừng chân duy nhất trên con đường từ Đà Lạt xuống Nha-Trang, nơi tài xế cho mọi người xuống xe đi bộ cho giãn gân cốt, vào nhà vệ sinh và sau đó ăn trưa tại nhà hàng nếu muốn.






Điểm dừng chân - Quán Kim-Phượng

Lúc thấy xa xa, ẩn hiện cái thác nước trông thật hùng vĩ, tôi phải canh sẵn máy ảnh , đợi cho xe đến một góc cạnh mình muốn rồi bấm liên tục cả chục tấm, hy vọng sẽ bắt được một, hai tấm ưng ý để dùng cho câu chuyện. 



 Khi xe đi qua rồi tôi chợt nghĩ, giá mà ai có máu buôn bán và đồng thời với một tâm hồn ẩn dật, xin phép mở  một quán nhỏ cạnh bên thác nước cho du khách dừng chân, để họ chụp vài tấm hình, uống nước dừa ngồi trao đổi kể chuyện bốn phương, tám hướng, coi bộ cũng có lý lắm.

Nhìn cảnh trời mây, suối nguồn thác chẩy giữa ngọn đèo cheo leo, hẻo lánh, đã  khiến tôi chợt nhớ lại bài thơ "Chàng Dũng Sĩ" mình viết từ năm xưa, trong đó 4 bốn câu thơ diễn tả tâm trạng của một chàng thanh niên sau một khoảng thời gian ẩn dật, trốn lánh đời thường, chàng  một hôm tỉnh giấc, lên đường đi tìm lại người chàng yêu thương.

 
tỉnh giấc hồn về lại với xác
ra suối thấy hình dáng xanh xao
nhìn cánh chim bay lòng dào dạt
chàng tìm thanh-kiếm chôn thưở nào

Bây giờ trong lòng tôi thì hoàn toàn ngược lại, nay chỉ muốn "lên non tìm động Hoa Vàng" - như Lăng Nhăng Thiền Sư dạo này thường hay gửi thư chọc ghẹo, hỏi thăm.

…chàng dẫn đưa nàng về cố quốc
xây mái nhà tranh cạnh rừng xưa
giữa cảnh sơn lâm, hồn non nước
bên nhau mặc ngày tháng trở mùa .

ѠѠѠ






 
                                                                    Tiệm buôn bán của Nga  ở ngã Sáu

Nếu tin đồn là thành phố Đà Nẵng bây giờ ít nhiều gì cũng đã nằm trong tay Trung Quốc, vì nhiều vùng đất có vị trí chiến lược - về kinh tế lẫn quân sự - đã bị người phương Bắc, đội lốt dân địa phương đứng tên mua và làm chủ. Tin đồn nói về thành phố Nha-Trang cũng chẳng kém sôi nổi, là thành phố này coi như thuộc về Nga Sô, một quốc gia đồng minh đã một thời làm chủ vịnh chiến lược Cam Ranh ngay sau khi miền Nam buông súng đầu hàng năm 1975. Năm ngoái, ngồi ở ngã sáu Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Hàn Thuyên, vợ chồng tôi gọi món cháo & gỏi vịt - ngon và rẻ thần sầu (một dĩa gỏi, 2 tô cháo, một nửa con vịt và chai bia 33, tất cả chỉ hơn $107,000 - chưa tới $5 đô la) - ngồi nhìn sang bên kia bên kia đường có vài tiệm, quán ăn dịch vụ không riêng gì cho du khách Nga mà luôn cả nhiều chuyên viên dầu hỏa - từng toán người thay phiên nhau từ dàn khoan dầu ngoài khơi trở vào đất liền. Họ sinh sống và đem gia đình, họ hàng đến đây ở cũng đã hơn 4 thập niên.                                                                     
 
Nhiều hàng quán ngay ở đại lộ Trần Phú cũng niêm yết, đề bảng tên món hàng và giá tiền theo  tiếng Nga, thế mới biết sự hiện diện của nước Nga trên đất Việt chẳng phải còn là tin đồn gì cả.                                                                                                     

                            







Tiệm tạp hóa niêm yết với giá cả bằng tiếng Nga trên đường Trần Phú

Có một điều khác biệt về sự hiện diện của Trung Quốc và Nga Sô ở Việt Nam mà mọi người ai cũng ý thức được; đó là người Việt chống đối Trung Quốc ra mặt, hoặc ít ra nếu có dịp cũng sẽ cho đám dân này biết tay nhau, như chuyện một người đàn ông TQ ở Đà Nẵng hồi tháng 11 vừa qua đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà, mà báo chí viết kể lại, có vài nhân chứng thấy kẻ sát nhân đã thong thả, tàn tàn rời khỏi hiện trường mà chẳng sợ bị tố cáo hay dân trong vùng vây đánh.

Riêng về sự hiện diện của người Nga thì ít người ghét, chỉ một số dân địa phương không ưa thái độ của người Nga khi họ hách dịch, xem thường dân bản xứ thấp kém nghèo đói. Đó là cái tự ái vốn có của bất cứ  một giống dân nhược tiểu.

Chuyện Trung Quốc ngấm ngầm làm chủ những vị trí đất đai quan trọng, dưới danh nghĩa của một số người Việt mất gốc. Cũng có tin đồn rằng chỉ cần nhà nước tuyên bố sẽ sử bắn những ai tiếp tay với thù địch, và cho họ khoảng thời gian tự thú , khai hết sự thật - thì tất cả những bất động sản ấy sẽ bị tịch thu, thuộc về nhà nước. 



Du khách Nga đang đứng chờ món tôm hùm làm tại chỗ bên lề đường. Trong túi nylông
sách tay là vài  chai rượu Volka, giá còn rẻ hơn ở nưóc họ.

Phải nói là không những chỉ riêng ở trung tâm thành phố Nha-Trang, mà cả những khu nghỉ dưỡng, resort ở Mũi Né, Phan Rang, Phan Thiết ,v.v…cũng "bầy nhầy", đông dân Nga. Đi đến đâu cũng "đụng hàng". Cứ ra đường - nhất là ở khu khách sạn, nhà hàng, bãi  biển - sớm muộn gì cũng nghe tiếng Nga Sô líu lót vang vọng. Mỗi lần tôi đi bộ băng qua bên kia đường, thể nào cũng có một vài người du khách Nga vội vàng đi theo tháp tùng, vì chỗ dành riêng cho người đi bộ chẳng có, và cho dù đường có vẽ những lằn sơn trắng mà theo đúng sách vở thì mọi người phải nhường cho khách bộ hành. Dân Việt mình thì mạnh ai nấy đi, ai có gan cứ bước từ từ băng qua thì các xe cộ lại né, tránh. Không thì ráng chờ đến nửa đêm về sáng khi phố xá vắng tanh không người.




Quán Cháo & Gỏi Vịt ở ngã sáu Phan Chu Trinh & Hàn Thuyên. Quán chỉ bán vào
buổi tối, mà
ban ngày ai đi ngang cũng sẽ chẳng ngờ sự có mặt của nó vào ban đêm.




Quán Nem Nướng 52 nổi tiếng ở đường 29-31 Lê Lợi sau giờ ăn trưa

Những quán ăn ngon ở Nha-Trang được dân du lịch - lẫn cả địa phương - thường hay ghé thăm, truyền tụng:

Quán bánh Canh cô Lộc 30 Phan Chu Trinh
Quán bánh Canh, bún Cá Nguyên Loan 123 Ngô Gia Tự (ngã tư Trịnh Phong)

Quán Nem 25 Lê Hồng Phong
Quán Nem Đặng Văn Quyên 16B Lãn Ông
Quán bún Cá Ninh Hòa số 2 Lãn Ông
Quán bún Cá Cây Bàng Ninh Hòa số 6 đường Hàn Thuyên
Quán Hoa Biển ngay bùng binh phía bắc cầu Trần Phú
Quán Gió Biển ngay bùng binh phía bắc cầu Trần Phú
Quán Biển Hồng phía bắc (qua) cầu Trần Phú
Phở Gia Truyền Bắc Hải   76 đường Quang Trung

Khi còn ở trong phố, bạn cũng nên ít nhất một lần ghé thăm chỗ XQ Sử Quán nằm ngay trên góc đường Trần Phú & Biệt Thự, nơi nói về ông tổ của ngành thêu dệt và gian hàng triển lãm, bán những vật thủ công, tranh thêu làm bằng lụa. Nhớ là mang theo nhiều “địa” - vài tờ $500 ngàn - để nhỡ có ngứa tay mua về những chiếc khăn lụa, hay tranh thêu bằng tay rất công  phu và mỹ thuật. Ở đó bạn có thể được mời uống những tách trà được nấu bằng ấm đất, ngồi ngắm những tà áo dài lượn qua lại chào đón khách, hay đi quanh ngắm những bàn tay khéo léo ngồi thêu dưới ánh đèn neon, hay còn muốn ngắm gì khác nữa thì tùy hỉ. 



XQ Sử Quán - triển lãm  tranh thêu tay & áo dài lụa - góc đường Trần Phú & Biệt Thự

Sau những ngày dạo phố, ăn uống,  tắm biển ở thành phố Nha-Trang, còn một nơi nữa bạn cũng nên thử đến một lần cho biết - đó là đi tắm bùn, ngồi trong suối khoáng nóng ở gần khu Tháp Bà, gọi là Suối Khoáng Nóng Tháp Bà Spa - nơi dành cho giới bình dân và trung lưu. Sang trọng và mới mở cách đây chừng 3-4 năm là I-Resort, cách thành phố Nha Trang chừng 5 km về hướng Bắc (qua khỏi cầu Trần Phú). Lần đầu tiên tắm bùn tôi đã ghé đến chỗ Tháp Bà Spa, cách đây cả 10 năm nên mọi thứ vẫn còn mới và giá vừa phải. Giờ nghe nói xuống cấp cho nên giá rẻ hơn khu I-Resort, nơi mà chỉ vào tắm nước Khoáng giá vé cũng đã $200 ngàn cho một người. Cộng thêm tắm bùn nữa là $450 ngàn/1 người - đủ tiền chợ ít ra được 4-5 ngày cho gia đình 4 người. Nghĩa là một người tắm bùn bằng cả nhà ăn mì gói cho cả tuần!



Hồ ngâm Nước Khoáng Nóng ở I-Resort

Tắm bùn, đứng dưới giòng thác đổ như được ai tẩm quất (massage), tắm nước khoáng nóng xong là vừa lúc đói meo. Quất đại vài món ăn nhẹ bụng, xong ra chọn một chiếc ghế nệm nằm ngủ khò, chừng hơn nửa tiếng sau tỉnh giấc, nếu bạn thích thì nguyên cả một hồ suối khoáng nước nóng đang chờ đợi bạn xuống ngồi ngâm mình. Vừa sướng rên mé đìu hiu vừa được ngắm mấy cô, mấy bà thích ỏng à ỏng ẹo, đứng dựa hoặc leo lên hai tảng đá để mấy chàng, mấy ông chụp hình về khoe. Bên cạnh hồ có bảng cảnh cáo cho đám đàn ông, đừng ngâm mình lâu hơn 30 phút - sợ "trứng" luộc quá độ đâm ra sẽ hiếm sinh con. Tôi nghĩ, giá mà hãng Monsanto biết cái bí quyết này, thay vì bỏ bao nhiêu tỷ bạc để đổi gene thức ăn (GMO) làm giảm bớt nạn nhân mãn; xây cho mỗi làng, mỗi xóm một cái hồ nước nóng như trên, coi bộ hiệu quả hơn nhiều !

Dốc Lết
Ai đến Nha-Trang mà chưa một lần ghé thăm Dốc Lết hoặc Bãi Dài (ở Cam Ranh) thì quả là một thiếu xót  không nhỏ. Dốc Lết nằm về hướng bắc, cách Nha-Trang độ chừng hơn 45 km. Bạn có thể đón xe buýt đi đến đó - tốn khoảng $30.000 đồng - hay mạo hiểm như vợ chồng tôi, đã 2 lần lái xe gắn máy để tắm biển ở Dốc Lết. Sau mùa hè trở đi, nhất là khoảng tháng 10, tháng 11 thì bãi rất vắng người, bạn tha hồ mà nghỉ ngơi, thư giãn.



Trên con đường vào khu bãi tắm, có hai ngã rẽ cho bạn chọn - rẽ phải vào khu resort cỡ 3 sao trở lên, còn rẽ trái dành cho khu bình dân hay trung lưu muốn tiết kiệm tiền. Tôi không vào khu hạng sang, dành cho khách muốn được hầu hạ từ A-đến-Z, vì vào đó còn có gì lạ, có gì là mạo hiểm - ngoài chuyện hầu bao bị thiến...quên, chặt chém! Quẹo vào phía bên trái thì chỗ đậu xe gắn máy tuy lưa thưa, nhưng cũng nhiều hơn là số xe hơi đậu ở khu bên cạnh.




                                     Bãi biển ở Dốc Lết trong mùa vắng du khách


Mọi người vào đây là phải tự lựa chỗ, nơi có mái chòi và bàn ghế; hay chọn cả một khu riêng biệt dành cho gia đình, cho các cơ quan, hội đoàn tổ chức đi dã ngoạn. Xong đâu đó thì bạn muốn ăn uống thì vào khu nhà hàng ở phía trong, đặt món ăn thức uống rồi ra kéo chiếc ghế bố, võng hay ghế nệm thường bầy la liệt trên bãi biển với cái dù to che nắng - để du khách thư giãn, phơi nắng, nằm nghỉ sau khi tắm biển.

Từ hơn ba năm trước, người ta đã không cho phép dân làng chài vào ngay cả khu bình dân này để mời mọc, chèo kéo, bán những món ăn hải sản. Tôi phải lần mò đi bộ khoảng hơn 50 mét để  qua chiếc cổng nhỏ hẹp, vào chợ của dân chài, nơi mà mỗi người ngồi bán với những chiếc thau, cái thúng đựng tô, cá, mực, ghẹ...vừa mới bẳt đem lên bờ từ sáng sớm. Nhìn quanh, thấy vắng hoe không người mua. Thấy tôi, mọi ngưòi xúm lại mời mọc lẫn chút nài nỉ xin mua dùm cho họ. Sau khi đặt mấy món hải sản từ bốn  người bán hàng, dặn họ làm thức ăn theo ý muốn, chừng nửa tiếng nữa tôi sẽ trở lại lấy - vì nơi cho thuê chòi, ghế nằm không cho phép họ đem thức ăn nước uống qua. Tôi vì thấy tội nghiệp cho những người dân chài, buôn bán quanh đây,
hết mùa vắng khách nên cuộc sống của họ đương nhiên gặp khó khăn, cho nên mới lặn lội tìm đến, ít ra cũng cho họ được chút niềm vui, hy vọng vào tương lai. Nằm thư giãn rồi chỉ cần ngoắc tay gọi người hầu bưng đến những thứ mình muốn, còn gì là lạ, là vui. Thừa tiền thì ai mà chả làm được. Tôi nghĩ thế.



Tôm Hùm & Soài Tượng chấm mắm ớt. Hai món ăn thật hỗ tương lẫn nhau, một thì
nâng cao lượng Cholesterol, một thì giúp hạ xuống chất béo.
Thêm dĩa Tôm Xú nướng
than
 tưới hành tỏi và vài chai bia nữa thì oh! what-tờ-heo - quên cả trời lẫn đất...





Cách vài
mét để lại vỏ dừa đánh dấu đường trở về nhỡ khi thất lạc... :)


Bãi Dài vẫn còn nhiều nét hoang sơ, cát rất mịn, nhưng đúng là tên  bãi Dài
-
đi từ đầu đến cuối bãi cũng mệt nghỉ !


Cuộc vui nào rồi cũng tàn, ngày vui nào rồi cũng qua nhanh. Ở Nha-Trang mới mấy hôm mà đã phải sắp sửa trở về. Mấy năm trước tôi thường hay leo lên xe lửa về Sàigòn, nhưng lần này mang ít đồ lỉnh kỉnh, vợ chồng tôi đã mua vé của Sinh Tourist  ở trên đường Hùng Vương - xe giường nằm - mỗi vé chưa tới $200 ngàn (gần $9 đô la).



Leo lên xe khoảng 8 giờ 30 tối, sáng hôm sau cỡ 5 giờ là đến nơi. Coi như đỡ được một đêm ngủ ở khách sạn. Trên xe cũng có vài cặp người Nga, họ rủ nhau xuống Mũi Né, tiếp tục đi tắm biển ở đó. Đi ban đêm nên chẳng thấy cái quái gì, nên ai cũng chổng mông lăn quay ra ngủ. Chợp mắt dậy may ra chỉ thấy vài vườn cây Thanh Long đang giăng đèn mở sáng trưng cả một bầu trời. Xe chỉ ngừng hai nơi để hành khách lẫn tài xế xuống duỗi chân, làm vệ sinh. Hãng Sinh Tourist rất cẩn thận, họ luôn có 2 tài xế, thay phiên nhau lái để tránh tai nạn. Nói không phải để quảng cáo cho hãng này, nhưng ở Việt-Nam chỉ mới hơn 4 tháng, đọc báo đã thấy những hãng xe khác bị tai nạn dài dài, trong đó có 2 hãng lớn được "chống lưng" cho nên ít bị phạt tốc độ, hoặc tin tức về tai nạn cũng được báo chí đăng tin ậm ờ - không nói rõ tên hãng - nhưng mọi người ai ai cũng thừa biết.

SVT
11/2015

Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Mầu Của Hội-An