NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - ĐÀ NẴNG - Một Buổi Sáng Của Dân Chài
Một Buổi Sáng Của Dân Chài.
Một trong những nơi chốn mà ai ở Đà-Nẵng thường hay
khuyến khích du khách nên đi tham quan ít nhất là một lần: địa danh núi Bà
Nà, một Đà Lạt của miền Trung nằm trên một
ngọn núi cao gần 1500 mét về hướng Tây Nam cách Đà Nẵng chừng 25 cây số. Đặc biệt là ở đấy bạn có thể cảm nhận cả 4
mùa - Xuân Hạ Thu Đông - trong cùng một ngày ở Bà Nà, và nếu bạn lười hay muốn
tiết kiệm tiền, thích du ngoạn ảo trên màn ảnh bằng cách vào YouTube, tìm những
đoạn phim thời sự, quảng cáo khu du lịch Bà Nà, bạn sẽ xem được vô số tài liệu,
phim ảnh. Tôi chọn 3 mạng dưới đây có lẽ nhiều chi tiết, hình ảnh của nơi du lịch
danh tiếng này để bạn xem thử:
Cũng không ít số
người đã từng đi và từng dùng hai câu thơ duới đây để diễn tả sự thất vọng của
họ về hình ảnh ở Bà Nà:
Chưa đi chưa biết Bà Nà
đi rồi mới biết ở nhà còn hơn !
Thú thật với bạn, nghe nhiều người đồng ý với 2 câu
thơ trên và sau khi coi những đoạn phim quảng cáo, hình ảnh của Núi Bà Nà tôi
đã không cảm thấy hào hứng cho lắm, vì tất cả hầu như đã được "thương mại
hóa" một cách quá đáng, không còn chút gì gọi là thiên nhiên, một môi trường,
khung cảnh tự nhiên của vùng đồi núi mà tự nó cũng đã đủ đẹp, nay đã bị
"hũ hóa" một cách vô tội vạ. Dĩ nhiên, vẫn có nhiều người thích cái cảnh
đẹp "phấn son", bắt chước theo kiểu đẹp giả tạo của nước ngoài mà
theo tôi nghĩ, chả khác gì như những phong thủy ở DisneyLand, nơi có nhiều cảnh
tượng giả tạo , nhiều tiết mục giải trí cho trẻ con mà ngày xưa, cực chẳng đã
phải đưa mấy đứa nhỏ đi chơi 1, 2 lần - không thì chúng nó sẽ bảo rằng bố chúng
nó chẳng bao giờ cho con đi chơi DisneyLand như tất cả các bạn bè cùng tuổi. Ai
đã từng đưa gia đình đi DisneyLand (hay như công viên Đầm Sen ở SG) một lần rồi
sẽ thấy, toàn là những thú vui giả tạo mà người ta bầy vẽ ra để moi tiền người
lớn - cho con nít được sống trong cảnh "thật" đã được nhồi sọ, tẩy
não trong cả trăm, ngàn quảng cáo, phim hoạt hoạ ru ngủ trẻ em đã được xem từ
bé đến lúc lên cấp 2 của bậc Trung-Học.
Tuổi thơ của tôi, có thể nói là được "may mắn"
hơn, không bị "hũ hóa" bởi những gì chẳng thật trong phim hoạt họa
cho con nít. Thay vì ngồi thừ người trước cái TV xem hết phim vẽ này đến phim nọ
(và bị nhồi sọ), tôi rong chơi quanh xóm làng - hay hàng xóm ở thành phố - và tự
tạo cho mình và những đứa con nít khác với bao nhiêu là trò chơi, thú vui giải
trí. Không thì nổi máu "giang hồ", đạp xe đạp đi mạo hiểm loanh quanh
- mới đầu gần nhà - rồi sau đi xa hơn, sang những phố, những quận khác. Nhờ vậy
mà sau hơn 25 năm lần đầu trở về Việt-Nam năm 1999, tôi vẫn còn nhớ nhiều những
con đường, góc phố - cho dù nay thành phố nay đã được thay chủ, nhiều đường xá
bị đổi tên.
Nhiếp ảnh gia thường chỉ có 2 khoảng không gian &
thời gian để họ xuất hành, lộ diện - đó là giờ "hoàng đạo", giờ đẹp
nhất theo quan niệm về ánh sáng và mầu sắc - khi bình minh vừa ló dạng hay khi
ánh nắng đang dần tàn ở cuối ngày. Khi mọi người vẫn còn chìm đắm trong giấc điệp,
sau một ngày mỏi mệt rong ruổi lái xe đi chơi tứ tung. Đi chơi mà không thấm mệt thì vẫn chưa gọi là
chơi tới bến ! nhưng ở cái tuổi trên 6 bó thì phải cần có nhiều "bến"
để nghỉ ngơi. Mệt hay không nhưng hé cánh màn gió thấy mầu hừng đỏ của ánh
dương, máy ảnh đã chuẩn bị sẵn, tôi chỉ việc xỏ cái quần kaki ngắn nhiều túi,
mang ba thứ ống kính lỉnh kỉnh rồi cưỡi chiếc Honda chạy ra hướng biển.
Trời mới vừa hơn 6 giờ sáng, nhưng tôi biết thuyền đã
xếp hàng ở ngoài khơi, chờ đem cá vào bán ngay trên bãi. Nhiều người đã mang những
chiếc thuyền thúng dùng để chuyên chở cá từ tầu vào, mỗi ngày họ cũng kiếm được
từ 20 đến 50 ngàn đồng nhờ vào sức lao động, của những cơ bắp vừa được sử dụng,
vừa kiếm thêm chút tiền phụ cấp cho gia đình. Thỉnh thoảng lại được cho vài con
cá, cua hay mực tươi ngon về để nhâm nhi cho qua ngày.
Tôi nhớ lần đưa mấy thằng con ra Nha Trang chơi, lúc
được leo vào ngồi những chiếc thúng như thế này, cô gái chèo đưa cho mấy đứa thử
chèo vào bờ, dân Mỹ con cù lần chỉ biết chèo lòng vòng, nhấp nhô chóng cả mặt
là người trên tầu nhìn mà cứ rũ ra cười. Trong khi đó một cô con gái tuổi chưa
đầy 17, người nhỏ xíu đã lão luyện chèo chiếc thuyền thúng đưa cả 4 thằng vào bờ
dễ dàng.
Chưa đầy 15 phút sau khi tôi đến, bãi biển đã đầy ắp
người bán kẻ mua trông thật nhộn nhịp. Nếu những người kiếm sống bằng chèo thuyền
thúng để đem cá vào bờ thì cũng có những người lái xe gắn máy để chở thùng đầy
cá lên tận đường cái, nơi xe tải của thương lái đến mua hàng đem lên chợ bán; như hình ảnh người đàn
ông lái chiếc xe chở cây đá cho những người buôn bán để giữ hải sản được tươi ngon,
họ cũng kiếm được vài chục ngàn đủ tiền chợ một ngày cho gia đình.
Người mua đồ biển thì một số là những người đi dạo, tập
thể thao buổi sáng luôn tiện tạt ngang mua ít cá tươi, tôm tươi về cho nhà ăn, như
anh chàng lái xe đạp thể dục hay những người đàn bà mặc áo trắng, sau khi đi bộ
trên bãi , trên đường luôn tiện rủ nhau mua rồi
vui vẻ đi về. Nếu không tính chuyện chạy ra hải cảng,
chụp cảnh thuyền lớn vào bến, có lẽ tôi cũng muốn mua một hai ký tôm về luộc chấm
muối tiêu chanh, hay vài con cá về luộc cuốn rau với bánh tráng - vừa rẻ, ngon
và khỏe. Chả trách nào nhiều Việt
kiều đang đua nhau về đây mua miếng đất hay căn hộ để hưởng già.
Quả như tôi đã dự đoán, khi đến bến cảng thì những chiếc
thuyền lớn đánh cá xa ngoài khơi đã cập bến khoảng 3, 4 giờ sáng. Sau 6 giờ thì
hải sản đã được bốc rỡ xong, đưa lên bờ với những cần trục to lớn, đem thẳng
vào xí nghiệp chuyên đóng thùng , cho đông lạnh để bán đi khắp tỉnh hay xuất cảng
sang nước ngoài. Tôi đến nơi thì những nhân công làm trong xí nghiệp đã nghỉ
tay, ngồi chụm năm, tụm ba để ăn sáng, vì họ đã bắt đầu công việc từ khoảng 2,
3 giờ sáng.
Tiếp xúc với những người dân ở tỉnh Quảng Nam, nơi có
câu ví "ăn một hòn, nói một cục",
nghĩa là họ rất thành thật và hiền hòa - có sao nói vậy. Từ một người tài xế
taxi cho đến công nhân, kẻ gánh hàng rong, bán rau, bán cá ở ngoài chợ...ở đây,
tôi chưa gặp những loại người gian tham, xảo quyệt - nhất là chưa nghe ai nói
những câu mất dậy, kém văn hóa như một số người ở Sàigòn.
Đôi lúc, cái thành thật của người dân Đà Nẵng khiến
tôi thỉnh thoảng cười thầm, thí dụ như hỏi một cô tiếp viên của Khách Sạn rằng
có biết nhà hàng nổi tiếng nhất ở gần đây có ngon hay không, cô nàng trả lời tỉnh
queo, không biết gì là ngượng hoặc mang cái mặc cảm, xấu hổ nhà nghèo: "Có eng mô mè biếc !" (đâu có (tiền) ăn để mà biết).
Dân Quảng Nam với lòng yêu quê hương, đất nước cao có
lẽ hơn ở các thành phố, các tỉnh khác. Thời gian sẽ trả lời, vì dưới thời Bí
Thư CTUBND Tỉnh Nguyễn Bá Thanh, người
dân đã xuống đường biểu tình chống vụ xâm lấn hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhiều
nhất, tỏ thái độ mạnh mẽ nhất về quyền tự
chủ của đất nước. Nhiều thanh niên lúc nói chuyện về tin đồn là sẽ có lệnh Tổng
Động Viên trong nay mai nếu tình hình trở nên khẩn trương; đa số đều muốn xung
phong tình nguyện gia nhập quân đội, nhất là sẵn sàng điều động đi giữ đồn,
đóng quân ở những hải đảo của tổ quốc đang bị đe dọa.
Nhìn lại lịch sử của dân tộc, miền Trung là cái nôi của
bao nhiêu nhà cách mạng trong quá khứ đã sinh ra đời. Tôi hy vọng rằng biết đâu,
trong nay mai - hoặc hiện tại đã đang có
- cũng sẽ có những trái tim yêu nước thương nòi sẽ phát sinh ra ở đây. Đó là
cái ý nghĩa hạn hẹp của một người yêu nước, thương cái dân tộc mà mình đã sinh
ra đời - gặp nhiều chiến tranh lẫn tai ương; chứ đối với đấng tối cao, ai cũng
là máu mủ, thân thiết với nhau - chung quy cũng chỉ vì sự hiểu biết của con người
bị giới hạn; một cái bánh tí teo mà có cả trăm người dành, tất nhiên hạnh phúc
của số đông đành phải rũ nón ra đi. Ít người hiểu, đó cũng chỉ là tạm bợ; có ai biết
(hay suy ngẫm) chuyện con sóng nào có giống con sóng nào đã đánh vào bờ ? Trời
đất ! đang nói chuyện đời sống bình thường
của dân chài, khi không nhẩy sang chuyện triết lý quèn, rõ ràng là mình già rồi nên thỉnh thoảng bỗng dở hơi, lẩm cẩm. DẸP !
SVT
09/08/2015
Comments
Post a Comment