NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - Chợ TÂN ĐỊNH





Bắt đầu từ năm 2012, đứa em út tôi dọn từ Singapore về ở Sàigòn sau khi điều đình với Tổng Giám Đốc là cho phép nó đặt trụ sở ở đây- vì vật giá và mọi thứ đều rẻ hơn bên Singapore nhiều, nhất là để nó có cơ hội giao tiếp với những cơ sở thương mại của Việt-Nam đang muốn khuyếch trương, cải tiến kỹ thuật nghành Giao Thông Mạng (Network) mà hãng Cisco của nó đang dẫn đầu thế giới. Căn nhà cao ốc đầu tiên nó thuê ở khu Quận Nhất nằm trên con đường Trần Quang Khải. Bao nhiêu năm trước, mỗi lần về Việt-Nam là vợ chồng tôi đến ở nhà ông cậu và mấy đứa em họ trong  một căn biệt thự ở Phú Nhuận; nay thằng em có chỗ ở, nó dành riêng cả lầu 4 cho vợ chồng tôi, cho nên từ đó trở đi, con đường Trần Quang Khải ở quận Nhất đã trở thành quá quen thuộc.






Buổi sáng sớm đầu tiên nào về đến Sàigòn, tôi thường hay lên sân thượng ở lầu 5, làm vài động tác vươn tay vươn chân cho giãn gân giãn cốt, xong đứng nhìn xuống con đường TQK ở phía dưới mà mới hơn 6 giờ sáng là đã bắt đầu nhộn nhịp cảnh sinh hoạt bình thường mỗi ngày. Chỗ cây  cao đứng giữa tấm hình trên, bên dưới rẽ phải là  con đường Bà Lê Chân, mà ngay góc con đường này đó là một cái đình  (mái nhà gạch đỏ) có cũng khá lâu đời tôi đã vội quên mất tên. Sau đó là khoác vội áo quần, bỏ chút tiền lẻ vào túi đủ để mua sắm thức ăn, tôi đi bộ xuống lầu, mở cửa và bắt đầu tận hưởng cái thú đi chợ buổi sáng.
 








 




 Chỗ đứa nhỏ đang đứng nhìn hàng rau quả, đây là nơi tôi thường ghé mua lá chè xanh, nằm ngay ngã ba đường Bà lê Chân và Mã Lộ.  Cạnh đó là nơi bán đủ loại gia vị để nấu nướng. Bạn chỉ cần bảo người bán hàng là với $10,000 đồng (không tới 50 cents), bạn muốn một gói gia vị đủ để nấu nồi canh chua cá lóc; trong tích tắc, bạn sẽ sách về một bịch nylông đựng nào là rau Ngổ (Ngò Um), vài lát Dứa/Thơm, giá, ớt, me ngào, v.v...khỏi phải sợ thiếu xót món nào cho vợ phải càm ràm. Cũng ở nơi này, đứa em dâu của tôi thường hay ghé mua  vài nhánh cây Nha Đam và lá dứa về để nấu nước uống cho mát.


 









Ở xứ Mỹ không hề có cái hiện tượng "văn hóa" buôn bán với nhiều cảm thông và ngộ nghĩnh như tấm hình tên. Đó là cổng chính của một công ty khá đồ sộ, có sân lớn để đậu xe - mà họ cho phép những kẻ buôn bán bầy những rổ trái cây để kẻ đi chợ tiện việc, khỏi phải cất công vào tuốt bên trong chợ, đã vậy giá còn rẻ hơn được đôi chút. Thật ra, khu chợ mọc lên trên con đường Bà Lê Chân chỉ sầm uất từ 6 giờ cho đến khoảng 10 giờ sáng, sau đó thì những gian hàng như trên đã tự động biến mất, trả lại mặt tiền cho những cửa hàng như tiệm bán áo quần, cơ sở giao dịch, văn phòng...mà khoảng giờ ấy họ mới bắt đầu mở cửa. Để cho người khác sống. Đó là lối làm ăn suy nghĩ, tấm lòng sởi lởi của người miền Nam, ít thấy ở miền Bắc.


Trên con đường Mã Lộ, từ hướng Nguyễn Hữu Cầu đi ngược về phía đường Bà Lê Chân, bạn sẽ thấy nhiều khu buôn bán phân chia theo loại hàng hóa. Bắt đầu ở phía bên phải, đó là dẫy chuyên bán đủ các loại rau quả:



hàng Rau











Bên trái lại là khu hàng thịt, mà giá cả đã được nhà nước chỉ định, có bảng niêm yết để người đi chợ khỏi phải mất công kỳ kèo, trả giá.  Vài bước vào bên trong chợ Tân Định, còn cả mấy chục quầy bán thịt heo, bò, gà, vịt...và đủ loại những món chả chiên, cá chiên, giò. Chả thiếu món nào, chỉ sợ bạn mang tiền không đủ nếu cứ để con mắt thèm thuồng nhìn ngang, nhìn dọc. Điều này chắc phe đàn ông ít bị quyến rũ, như tôi chẳng hạn, trong đầu đã định mua những thứ gì thì cứ  thế nhắm tọa độ mà trực chỉ, đến mua trả tiền rồi nhanh chân đến chỗ khác.  Nhìn mấy con dao lớn, nhỏ bén nhọn, chỉ cần thoắt trong chớp nhoáng là  xương theo phần xương, thịt rơi theo phần thịt; bố bảo mình mới dám cãi nhau với mấy ẻn cho dù họ đang đứng bên trong quầy - mà  tôi nghĩ  tài phóng dao của họ chắc cũng không đến nỗi tệ  :)  :) :)







Kế tiếp  khu hàng thịt là nơi - cả hai bên - bán các loại tôm, cá, hải sản, cua đồng, lươn, ếch...mà như bạn thấy trong hình, nhiều người lái xe đến tận nơi, lựa chọn, chờ được gói hàng rồi nhanh chóng rời khỏi chợ.









Thỉnh thoảng có những buổi sáng - như hôm nay dậy hơi trễ - lười đi chợ cho nên lúc đi ngang sạp báo, tôi ghé mua một, hai tờ nhật báo: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công-An, Sàigon Địa Ốc, v.v...giá chỉ từ $3,000 cho đến $5,000 một tờ (trong lúc $22,000 đổi được 1 USA đô la vào năm 2015), đoạn băng qua đường Hai Bà Trưng - gần góc đường Trần Quốc Toản - tạt vào tiệm bánh nổi tiếng Như Lan, mua một ổ bánh mì thịt rồi đi bộ tàn tàn chừng vài chục bước đến quán cà phê Trung Nguyên, leo lên lầu ngồi trong phòng có cửa kiếng, gắn máy lạnh và gọi cho mình một ly cà phê phin sữa, đoạn ung dung ngồi đọc báo.





Đấy là một cái thói quen của "thời thượng", làm nhớ lại ngày mới đi hoang lên ở Đà Lạt, vào quán cà phê Tùng ăn sáng uống cà phê, ngồi nhìn thiên hạ bận rộn với cuộc sống ở bên ngoài. Ngồi ở góc này tôi có thể thấy toàn cảnh chợ Tân Định ở phía dưới, nhìn dòng xe cộ chạy dọc ngang và  người thì tíu tít, qua lại. Cách hai, ba ngày - thỉnh thoảng tôi thấy  chiếc xích-lô chở một người phụ nữ Tây Phương, nhưng có lẽ ở Việt-Nam cũng đã lâu, phía dưới chân của bà là một giỏ mây đựng đầy thức ăn mà tôi đoán chắc cũng vừa mới đi chợ về. Lúc xe quẹo từ Hai Bà Trung vào con đường Trần Quốc Toản - từ trên cao, tôi càng thấy rõ khuôn mặt của người đàn bà, có nét hao hao giống như người nữ tài tử  Catherine Deneuve trong cuốn phim Indochine (1992), sang trọng và quý phái, nhưng người đàn bà này lại có lối ăn mặc, phong sương của một người đã từng ở Á Châu lâu năm, làn da hơi rạm nắng - chỉ phảng phất một chút tây phương do chiếc sóng mũi cao với đôi mắt to và làn mi cong.



Trong khoảng thời gian gần chục năm trở lại, làn sóng người Âu Châu đã dần dà xâm nhập vùng đất mà một thời chiến tranh, bom đạn từng rải rác, lan rộng khắp nơi. Điều này khiến tôi đã từng nghĩ đến câu "đất lành chim đậu" khi bên Âu Châu hiện tại ngày càng xẩy ra những tin tức, hiện tượng bất an đã và đang xẩy ra khắp nơi.

 







Nếu chán gặm món "cơm tay cầm" - nhai bánh mì - thì tôi chỉ cần chịu khó đi bộ thêm chừng vài chục mét nữa từ Hai Bà Trung đi bộ về hướng khu nhà thờ - quẹo trái vào con đường Nguyễn Hữu Cảnh thì nơi đây ôi thôi, tha hồ tôi có thể chọn đủ loại món ăn Nam, Trung, Bắc - từ Hủ Tíu, Bánh Canh, Bún Bò Huế, Bún Mọc, luôn cả món Phở, v.v....mà ngay dân du lịch tứ xứ cũng không ngại, kéo ghế ngồi bên những chiếc bàn được xếp ra dọc bên đường. Nghĩa là hàng quán mọc lên san sát cạnh nhau, khách đi xe hay đi bộ chỉ cần tà tà vừa đi vừa xem gian hàng có món khoái khẩu nào mà bắt mắt, khiến mình muốn ghé tạt vào.







Hai bên đường Nguyễn Hữu Cầu tuy không đông đảo những gánh hàng, xạp bán lưu động như trên con đường Bà Lê Chân, nhưng ở đây cũng chẳng tấp nập thua kém gì. Tôi thường hay chịu khó đi bộ đến tận đây để mua một món mà vợ tôi thích nhất để ăn sáng, đó là món Bắp Nếp luộc, giá $5,000/trái nhưng nếu mua 3 thì chỉ có $10,000 - thành thử dại gì chẳng mua 3 trái trong lúc tôi thỉnh thoảng cũng thích món ăn chơi bình dân nhưng chắc bụng này. Luôn tiện, nếu không thấy người bán Dừa trong khu Bà Lê Chân thì tôi đành phải mua của anh chàng bán Dừa cũng gần đấy, tuy phải vác về hơi nặng tay một chút.







Nếu không ăn sáng uống cà phê ở ngoài; trên đoạn về nhà đi ngang đường bà Lê Chân, tôi ghé lại hàng Xôi của một người phụ nữ miền Nam, bán những loại xôi, chè mà tôi thích nhất chỉ ba loại : xôi Vò cùng với món rượu nếp, hay xôi Gấc, xôi Đậu Phộng. Quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu cho nên chị bán Xôi này riết rồi cũng biết và gói để sẵn, đợi tôi ghé vào chỉ tay rồi cứ thế mà trả tiền - chỉ $7,000 một gói - tuy hơi đắt hơn ở những khu chợ khác, vì chợ Tân-Định nổi tiếng là đắt, cao giá hơn tất cả những chợ khác ở Sàigon. Một lần, nhân viên của thằng em tôi ở Gò Vấp, biết tôi thích món xôi Gấc, hắn mua một gói $5,000 đem đến tặng để ăn sáng. Thấy gói xôi $5 ngàn còn lớn gần gấp đôi gói tôi mua ở khu này - ăn mệt nghỉ ! Thế mới biết giá cả ở chợ Tân- Định đắt đến cỡ nào.









Thỉnh thoảng khi nổi máu la cà nổi dậy, thay vì đi con đường ngắn và nhanh nhất để về nhà, thấy nắng đẹp và còn sớm - có lúc chưa đến 7 giờ sáng. Tôi đi dọc theo con đường Nguyễn Hữu Cảnh, băng qua ngã năm nơi 4 con đường Trần Quang Khải, Trần Khắc Chân, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Phi Khanh gặp nhau - trong tấm hình trên, lúc ấy tôi đang đứng ở góc đường Nguyễn Phi Khanh nhìn về hướng Nguyễn Hữu Cầu, TQK & Trần Khắc Chân - nơi đó là trường Ngoại Ngữ Không Gian, chủ yếu là dậy môn Anh Ngữ mà dường như dạo này thiên hạ ngày càng muốn ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Cứ 10 người tôi gặp và trò chuyện, thì ít nhất cũng 3, 4 người bảo họ sắp sửa đi Mỹ hay có người quen gần, xa  cũng sửa soạn lên đường. Do đó, buổi tối nào nếu bạn tình cờ đi ngang con đường này, bạn sẽ thấy tấp nập , đầy nghẹt người đi học ở trường ngoại ngữ Không Gian - già, trẻ lớn bé đầy đủ cả. Nhà hàng Lotteria bán loại thức ăn nhanh - như Hamburger, khoai tây chiên theo dạng nhà hàng McDonald ở bên Mỹ - mà chỉ dân "đẳng cấp", ăn chơi thời thượng mới ghé chân vào. Ngoài ra, chỉ có Việt kiều vừa qua Mỹ vài năm, nay trở về thăm mới chịu khó đặt chân vào để chứng tỏ "đẳng cấp"  mới toanh của mình. Dân ở Mỹ lâu năm và từng ăn loại  thịt burger - nhất là khi độ "béo" hơi cao trong máu, thấy tiệm này ai cũng chạy mất dép huống chi là dám bước vào.














Trên đường về, ngay góc đuờng Nguyễn Phi Khanh và TQK, một người thợ vá bánh xe dựng đồ nghề ngay giữa lề đường, mà hiện tượng này xẩy ra nhan nhản ở nhiều nơi trong thành phố, đến nỗi báo chí có lần phải than phiền cho đó là nạn "lạm phát đường phố", do dân chúng cứ tha hồ lấn chiếm  lề đường để buôn bán, mặc kệ cho sự khó khăn và an toàn cho người đi bộ, phải luồn lách, hay xuống đường đi trong lúc xe cộ đông như kiến qua lại.









Chưa kể những người vô gia cư như người đàn ông trong tấm hình trên, tôi thấy anh chàng này làm việc khuân vác cho các bạn hàng lúc trời vẫn còn nhá nhem - sắp sáng. Sau giờ làm việc và mỏi mệt, anh ta trải miếng cạc-tông để lót lưng, để bao rác đựng tất cả "gia sản" của mình trong đó - trở thành chiếc gối đầu, rồi ngã lưng đánh một giấc trên lề đường bên ngoài bệnh viện Quân Đội, nay là nhà thương công trên ngã ba đường Bà Lê Chân và Hai Bà Trưng. Mặc cho xe cộ và bao nhiêu người bận rộn buôn bán xung quanh, anh ta vẫn vắt chân ngủ khò. Thế cũng xong một kiếp người.



 Lúc gần về đến nhà, chợt thấy một thiếu nữ vừa đi qua mặt mình. Nhìn thấy cô nàng cao to không ngờ; tôi với 5'8" chiều cao vậy mà chỉ đứng chưa tới vai của cô nàng ! Tôi không bỏ lỡ cơ hội bèn chụp liền một tấm để làm "kỹ nghệ", để khoe bạn bè.   Đưọc một người tình loại "hưu cao cổ" như thế nói chuyện chắc cũng phải mỏi cả cổ! Chẳng lẽ đi đâu cũng phải kè kè sách theo cái đòn, cái bục gỗ để đứng đàm thoại! Thế mới chứng tỏ cái triết lý chọn chân ngắn, "vịt đẹt" của tôi ngày xưa coi bộ chắc ăn và vẫn còn hiệu nghiệm.






 








cảnh đường phố Trần Quang Khải và góc Trần Nhật Duật (nơi cô gái lái xe sắp quẹo trái)






buổi sáng ở
đường phố Trần Quang Khải







Buổi chiều ở khu Tân-Định cũng nhộn nhịp chẳng thua gì buổi sáng. Bắt đầu từ 4 giờ chiều, đó là giờ tan trướng, tan sở. Mọi ngã đuờng đều chật cứng lưu thông với giòng người và xe cộ túa ra từ các công trường, sở làm, trường học mà tôi nghĩ đáng lẽ từng khu vực, từng quận - phải hợp tác, đưa ra giờ giấc tan trường và tan sở khác nhau để giải tỏa bớt nạn kẹt xe đã từng làm chính quyền và người dân vò đầu bứt tóc bao nhiêu thập niên. Chẳng hạn như ở quận Nhất thì cho phép các trường học từ K-12 ra về trước 4 giờ, các trường Đại Học thì 4:30, và tất cả các sở làm cũng tan sở giờ khác nhau tùy theo khu phường, phố, v.v...Đó là chưa kể chuyện đồng thời nên nâng cao trình độ "văn hóa", phải tôn trọng luật lệ lưu thông - không vượt đèn đỏ, lái xe leo lấn lề đường, v.v...




quán chè  với danh xưng là "Chè Chảnh"





Cứ vào khoảng gần 4 giờ chiều trên góc đường Nguyễn Phi Khanh & TQK, một quán chè  với danh xưng là "Chè Chảnh" bắt đầu thu hút những khách hàng quen thuộc, trên đường về nhà nhiều người phải ghé vào mua ít nhất là hai ly chè hay quá thèm phải ngồi ăn tại chỗ - mà ghế ngồi chỉ vỏn vẹn 4, 5 chiếc, ngồi sát ngay bên lề đường chật chội xe cộ. Quán chè này có tên "Chè Chảnh" - mà chủ nhân cũng thuộc loại chảnh thật chứ không đùa. Anh ta chỉ mở bán theo hứng, ai đến mua mà hối thúc thì anh ta cho chờ luôn, có khi không bán. Mấy món chè anh ta làm cũng ngon thật sự và đắt nữa. Mỗi món $20,000 chứ chẳng phải chỉ $7,000, $10,000 hay $15 ngàn như mọi nơi thường bán. Ai lỡ dại ăn ở đây một lần là coi như... ghiền ! Nhiều hôm chưa tới 7 giờ tối là quán đã hết sạch chè để bán. Khách đến trễ thì coi như ráng cong mỏ, nhịn chờ ngày mai.











Chiều tàn cũng là lúc nhiều người thất cơ, lỡ vận như người đàn bà đầu tóc bạc phơ trong hình có cơ hội để lục lọi, bươi móc thùng rác, tìm kiếm những gì có thể giúp họ độ nhật qua ngày, qua cơn đói khát. Nhiều khi cầm một tờ $100 đô la trong tay khi còn ở bên Mỹ chẳng thấy nghĩa lý gì, nhưng nơi đây - nó lại có thể đổi đời cho một số người. Lần trước về Việt-Nam năm 2014, tôi lơ đễnh - lần đầu tiên trong đời - đánh rơi một gói tiền cất để riêng, khoảng hơn $1,200 đô la ở Sàigòn. Số tiền đó tuy chẳng mấy lớn, nhưng tôi đã nghĩ "thôi! của đi thay người. Biết đâu sẽ cứu sống hay thay đổi một mạng người, một gia đình nào đó ", cho nên tôi không lấy làm tiếc cho lắm, chỉ hy vọng và cầu mong sao người nào hên nhặt được sẽ đem lại nhiều may mắn cho họ.
Đấy là chưa kể tôi có một "chân lý" rất ư là "rụng rời"; đó là mình đã mất tiền rồi thì hơi đâu chi lo âu, mất luôn cả ngủ lẫn gánh thêm nhiều phiền lụy? Đó có phải giống như câu "mất cả cối lẫn chầy", trong khi mình chỉ mất mỗi  cái chầy chẳng đáng là bao, mình vưỡn còn cái chầy cơ mà.






Sau đây là vài hình ảnh đời sống về đêm quanh khu chợ Tân Định mà câu nói "Một tấm hình thay cho vạn lời nói", và qua cái nhìn của một người nhiếp ảnh, chỉ nhìn thấy ánh sáng và mầu sắc. Bạn có thể nhìn nó và để cho trí tưởng của mình đi hoang trong giây phút, nhất là đối với những ai chưa một lần về thăm quê hương, chắc hẳn ít nhiều gì cũng sẽ giống như Lưu Nguyễn, Từ Thức ngày nào.










góc nhìn từ con đường Trần Khắc Chân - quẹo phải ra TQK về hướng Hai Bà Trưng,
quẹo trái đi ra hướng cầu Bông.
đi thẳng là Nguyễn Hữu Cảnh, phía trái là đường
một chiều Nguyễn Phi Khanh







Sạp trái cây trên con đường Hai Bà Trưng nối dài thành Phan Đình Phùng, nơi
góc đường Cao Thắng có xe bán nước mía ngon và luôn đông khách.









Sạp trái cây gần ngã ba  đường bà Lê Chân và Hai Bà Trưng, góc đường nơi kẻ không

nhà thường hay nằm ngủ.










Đường Mã Lộ vắng người về đêm










Trần Quang Khải đi về hướng Cầu Bông, Đinh Tiên Hoàng lúc hừng sáng



"Hãy cứ vui như mọi ngày...đừng cuồng điên mơ trăm năm sau...." TCS



Nhìn ánh nắng đang lên trên bầu trời Tân Định, như bao nhiêu ban mai cứ thế vẫn đến với thế gian qua bao nhiêu ngàn năm, triệu năm qua. Nhớ lại bài hát của Trịnh Công Sơn thuở nào đã kêu gọi loài người đừng quên đi những niềm vui, hạnh phúc đang có hiện tại. Vẫn biết cuộc đời cứ thế trôi cho dù sự có mặt của tôi có hay không cũng chẳng mấy gì thay đổi. Dĩ nhiên tôi có thể an vui, tự tại trong cái hạnh phúc mà nhiều người tự nghĩ - do chính mình tạo dựng, nhưng đối với riêng tôi, sau khi đã cảm nhận, chứng kiến tận mắt những thống khổ,  đau thương của loài người - nhất là những con người cùng mầu da, ngôn ngữ; làm sao tôi lại có thể quên đi để an vui ?

Thấy con cái, cháu chắt của mình nay đã yên bề, hạnh phúc. Tôi muốn đi tìm để san sẽ, an ủi, làm dịu bớt những gì bao nhiêu người vẫn còn thiếu thốn. Với tôi, đó mới là niềm hạnh phúc không ai có thể cho, có thể gói tặng. 


Đời người vốn quá ngắn; mới ngày nào tôi có bao nhiêu kỷ niệm về những ngày mấy anh em đuợc sống gần nhau trên con đường TQK; đầu tháng Tư vừa qua - căn nhà đã được giao trả lại cho chủ cũ. Những kỷ niệm ấy tôi sẽ nhớ mãi, và còn lại chăng là những hình ảnh nghèo khó vẫn còn in hằn sâu đậm trong lòng. Trước khi về Việt-Nam lần đầu tiên trong mùa hè năm 1999, tôi thường có những giấc mơ thầm  trách, hỏi thượng-đế rằng tại sao vẫn còn nhiều người sống trong đói khổ; sau lần về đầu tiên năm đó, biết  mình sẽ cần phải làm gì, tôi không còn những cơn mơ mà thỉnh thoảng thức dậy thấy mi mắt và chiếc gối mình nằm vẫn còn những giọt nước còn đọng lại.



Hẹn gặp lại trên những nẻo đường quê hương khác.
SVT

Tái bút:
Thỉnh thoảng tôi vào YouTube, xem lại những hình ảnh buôn bán hàng ngày của chợ Tân Định, trong đó một đoạn phim (clip) mới nhất để mọi người có thể xem và hình dung cuộc sống của người dân Sàigòn.
Đoạn đường Hai Bà Trưng khu Dakao Tân Định quận 1 – NEW:
https://www.youtube.com/watch?v=xphJljXhKgU
 



Comments

Popular posts from this blog

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - 2017

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG - ĐÀ NẴNG - Một Buổi Sáng Của Dân Chài